Sự sụp đổ liên tiếp của hai ngân hàng lớn
Truyền thông Mỹ hôm 10/3 đồng loạt đưa tin, SVB - ngân hàng chuyên hỗ trợ tài chính cho các công ty chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ - bất ngờ tuyên bố phá sản. SVB sụp đổ sau khi khách hàng đổ xô rút tiền gửi do lo ngại về tình trạng tài chính của ngân hàng này. Phản ứng của khách hàng xuất phát từ việc SVB thông báo bán cổ phiếu để huy động lượng tiền mặt mà ngân hàng đang rất cần. Theo Financial Times, chỉ riêng trong ngày 9/3, tổng số tiền khách hàng rút ra lên đến 42 tỷ USD, tương đương một phần tư tổng số tiền gửi tại SVB.
Từng được ví là động lực quan trọng cho sự thành công của ngành công nghệ tại Mỹ, SVB là một trong những ngân hàng lớn nhất tại Thung lũng Silicon và lớn thứ 16 ở Mỹ. Như vậy, SVB đã trở thành ngân hàng bán lẻ lớn nhất sụp đổ kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Vấn đề của SVB được cho là đã tích tụ khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất nhiều lần trong thời gian qua, khiến giá cổ phiếu mà SVB nắm giữ lao dốc. Cổ phiếu của SVB đã giảm 60% giá trị tại New York ngày 9/3 và đã phải ngừng giao dịch sáng 10/3 trước khi các nhà quản lý thông báo đóng cửa ngân hàng này.
Thông tin trên trang web của SVB cho thấy, ngân hàng này đã cung cấp dịch vụ cho hơn 2.500 công ty đầu tư mạo hiểm. Theo phân tích của The New York Times, do hoạt động kinh doanh quá tập trung vào ngành công nghệ, SVB đã bắt đầu gặp rắc rối khi nguồn tài trợ cho các công ty khởi nghiệp bắt đầu cạn kiệt. Trong khi đó, số lượng lớn tiền gửi tại SVB là theo hình thức không được bảo hiểm, và các nhà đầu tư theo loại hình này thường có xu hướng rút tiền nhanh chóng khi có dấu hiệu bất ổn từ ngân hàng.
Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) đã được giới chức Mỹ chỉ định nắm quyền kiểm soát SVB. Theo thông báo của FDIC, tính tới cuối năm 2022, khoảng 90% trong tổng số 175 tỷ USD tiền gửi ở SVB không có bảo hiểm. Để giải quyết vấn đề này, FDIC cho biết sẽ tìm cách bán tài sản của SVB để chi trả cổ tức cho những khách hàng không có bảo hiểm tiền gửi.
Ngày 12/3, hai ngày sau khi FDIC nắm quyền kiểm soát SVB, cơ quan quản lý ngân hàng bang New York thông báo đóng cửa một ngân hàng khác là Signature Bank. Đây là ngân hàng lớn thứ ba phải đóng cửa trong lịch sử nước Mỹ. Signature Bank cung cấp dịch vụ tài chính cho các công ty luật, bất động sản, tài sản số… với hơn 40 chi nhánh trên khắp nước Mỹ.
Cũng như SVB, hầu hết tiền gửi tại Signature Bank đều không có bảo hiểm. Trong khi đó, FDIC chỉ bảo đảm cho các khoản tiền gửi dưới 250.000 USD và bất cứ khoản tiền gửi nào cao hơn con số này đều không nhận được sự bảo vệ từ chính phủ. Theo tài liệu của The New York Times có được, khoảng 90% trong số 88 tỷ USD tiền gửi tại Signature Bank tính đến cuối năm 2022 không được bảo hiểm. Khi những rắc rối tại SVB bắt đầu lan rộng, nhiều khách hàng của Signature Bank đã hoảng loạn và tìm cách liên lạc với ngân hàng để hỏi về những rủi ro có thể gặp phải.
Bộ Tài chính Mỹ và các cơ quan quản lý ngân hàng lập tức ra tuyên bố trấn an dư luận, trong đó nêu rõ tiền gửi tại Signature Bank sẽ còn nguyên vẹn. FDIC đã lập một “ngân hàng cầu nối” với Signature Bank nhằm tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận với nguồn tiền của mình. Theo FDIC, toàn bộ khách hàng sử dụng dịch vụ gửi và vay tiền của Signature Bank sẽ tự động trở thành khách hàng của “ngân hàng cầu nối” này.
Ngăn ngừa khủng hoảng lan rộng
Trong bối cảnh dấy lên nhiều lo ngại về những rủi ro mang tính hệ thống sau vụ SVB phá sản và Signature Bank phải đóng cửa, ngày 13/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, hệ thống ngân hàng của Mỹ vẫn an toàn. Tổng thống Biden hối thúc Quốc hội Mỹ ban hành các quy định nghiêm ngặt hơn đối với các ngân hàng, tránh để vụ việc tương tự lặp lại. Tuy nhiên, lãnh đạo Nhà trắng lưu ý một gói cứu trợ lớn, như đã được áp dụng trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, không nằm trong số các biện pháp được chính phủ cân nhắc.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng cho biết, sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý ngân hàng để kịp thời ứng phó những tác động liên quan vụ việc của SVB. Bộ trưởng Yellen nêu rõ, một gói cứu trợ lớn không nằm trong số các biện pháp đang được cân nhắc, đồng thời nhấn mạnh nhà chức trách tập trung vào việc bảo vệ người gửi tiền và cố gắng đáp ứng những nhu cầu của họ.
Theo nhận định của giới chuyên gia, cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện nay sẽ làm phức tạp các kế hoạch tăng lãi suất tiếp theo của FED, trong bối cảnh ngân hàng liên bang này đang nỗ lực kiềm chế lạm phát. Các nhà đầu tư dự đoán trong phiên họp tiếp theo, FED sẽ chỉ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, thay vì 50 điểm dự đoán trước đó.
Người phát ngôn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, tổ chức này theo dõi sát các tác động tiềm ẩn của cuộc khủng hoảng tại các ngân hàng ở Mỹ đến sự ổn định tài chính, đồng thời tin tưởng giới chức Mỹ sẽ có các biện pháp quản lý thích hợp.
Chính phủ Israel cam kết hỗ trợ các công ty công nghệ bị ảnh hưởng sau các sự cố liên quan các ngân hàng của Mỹ. Quan chức giám sát các ngân hàng thuộc Ngân hàng trung ương Israel cho biết, sự sụp đổ của SVB cho thấy sự cần thiết của việc thường xuyên bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính. Ngân hàng trung ương Israel theo dõi sát sao vụ việc và chuẩn bị biện pháp ứng phó các nguy cơ có thể xảy đến. Lĩnh vực công nghệ là một trong những động lực phát triển quan trọng của Israel và quan hệ của lĩnh vực này với Thung lũng Silicon của Mỹ rất mạnh mẽ. Nhiều công ty khởi nghiệp của Israel có tài khoản tại SVB, tuy nhiên chưa có thông tin về lượng tiền gửi là bao nhiêu.
Trong khi đó, Bộ trưởng Công nghệ Ấn Độ Rajeev Chandrasekhar triệu tập cuộc họp với các công ty khởi nghiệp để thảo luận tác động sau sự sụp đổ của SVB. Ấn Độ là một trong những thị trường khởi nghiệp lớn nhất thế giới, với nhiều công ty đã có giá trị tài sản lên tới hàng tỷ USD trong những năm gần đây và đã nhận được sự ủng hộ của các nhà đầu tư nước ngoài, vốn đặt cược lớn vào kỹ thuật số và nhiều công ty công nghệ khác.
Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) nỗ lực giảm thiểu nguy cơ có thể phát sinh từ việc chi nhánh của SVB tại Anh dừng hoạt động. Hơn 250 lãnh đạo các công ty công nghệ Anh đã gửi thư tới Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt, kêu gọi chính phủ nước này can thiệp. SVB có 3.300 khách hàng ở Anh, trong đó có các công ty mới thành lập, các công ty và quỹ đầu tư mạo hiểm.
Đại diện HSBC ngày 13/3 xác nhận ngân hàng đã đồng ý mua chi nhánh SVB tại Anh với giá tượng trưng một bảng Anh. Tài sản và nợ phải trả của công ty mẹ của SVB tại Anh không bao gồm trong giao dịch này. Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho biết, HSBC là ngân hàng lớn nhất châu Âu, theo đó khách hàng của SVB Anh có thể cảm giác an tâm về năng lực, sự an toàn và an ninh của tổ chức tài chính này.
Phản ứng trước việc hai ngân hàng Mỹ đóng cửa, Ủy viên kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni khẳng định, vụ việc không gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với thị trường tài chính châu Âu. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire và Bộ trưởng Tài chính Bỉ Vincent Van Peteghem cho rằng, hai nước Pháp và Bỉ sẽ không đối mặt các tác động lan rộng từ việc SVB phá sản. Các bộ trưởng cho biết, cả hai nước vẫn duy trì giám sát chặt chẽ đối với các diễn biến thị trường, đồng thời nhấn mạnh sự khác biệt giữa mô hình tài chính của các ngân hàng châu Âu so với SVB của Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Ireland Michael McGrath bày tỏ hoan nghênh trước động thái mua lại chi nhánh SVB tại Anh của ngân hàng HSBC. Tuy nhiên, phát biểu ý kiến trước cuộc họp với các bộ trưởng tài chính của các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tại Thủ đô Brussels, Bộ trưởng McGrath lưu ý thời điểm hiện nay có thể chỉ mới là giai đoạn đầu trong chuỗi các tác động của vụ SVB sụp đổ.