Phát biểu ý kiến trong cuộc họp báo chung sau buổi tiếp, Tổng thống Petro cho biết, đã thảo luận với Bộ trưởng Ngoại giao Blinken từ một góc nhìn mang tính linh hoạt hơn về tình hình buôn lậu ma túy, đồng thời cho rằng, cần phải xử lý vấn đề này một cách toàn diện hơn, trong bối cảnh cuộc chiến chống ma túy trong bốn thập kỷ qua tại khu vực vẫn chưa đem lại hiệu quả, Colombia vẫn là nước sản xuất cocaine lớn nhất thế giới và Mỹ vẫn là nước tiêu thụ hàng đầu.
Về phần mình, ông Blinken bày tỏ sự ủng hộ đối với cách tiếp cận toàn diện mà nhà lãnh đạo Colombia đưa ra thông qua các biện pháp pháp lý, bảo vệ môi trường và giảm cung cầu. Ông khẳng định, Chính phủ Mỹ cũng tập trung vào các biện pháp ngăn chặn những người nghiện ma túy, giảm tác hại của ma túy bất hợp pháp và giảm nhu cầu tiêu thụ từ Mỹ.
Ông Blinken nhấn mạnh, cả hai nước có thể làm nhiều hơn trong việc ngăn chặn ma túy được vận chuyển bằng đường biển, cũng như bắt giữ những đối tượng đứng đầu các đường dây buôn lậu ma túy. Ngoài ra, Tổng thống Colombia và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ cũng thảo luận các vấn đề liên quan an ninh khu vực và di cư.
Colombia là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du ba nước Mỹ latin của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ. Colombia đang trải qua làn sóng bạo lực gia tăng, bất chấp thỏa thuận hòa bình năm 2016 nhằm giải giáp vũ khí của Lực lượng vũ trang cách mạng (FARC) sau gần sáu năm nội chiến. Nhiều khu vực FARC kiểm soát trước đây đã trở thành nơi hoạt động của nhóm phiến quân Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN), các băng đảng buôn bán ma túy và những kẻ chống đối của FARC.
Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Colombia Ivan Duque thông báo lực lượng cảnh sát của quốc gia Nam Mỹ này đã tiêu diệt một trùm buôn bán ma túy bị Mỹ truy nã. Ông Duque cho biết, đối tượng bị tiêu diệt là Juan Larinson Castro Estupinan, được biết đến với tên gọi “Matamba”. Tên này là cựu thủ lĩnh băng đảng Gulf Clan buôn bán ma túy và là một trong những đối tượng bị Colombia truy nã gắt gao nhất. Băng đảng Gulf Clan, một tổ chức tội phạm buôn bán ma túy lớn nhất Colombia, đã tiến hành một loạt các vụ tấn công sau khi thủ lĩnh của băng này là Dairo Antonio Usaga, bị dẫn độ về Mỹ với cáo buộc buôn người.
Tiếp sau Colombia, ông Blinken sẽ tới Chile và Peru. Hồi tháng 4, Thủ tướng Peru Aníbal Torres tuyên bố chính phủ nước này dự kiến xây dựng chiến lược phòng, chống ma túy mới, trong đó nổi bật là sáng kiến nhà nước đẩy mạnh thu mua lá coca từ người trồng loại cây này. Ngoài ra, chiến lược mới cũng bao gồm biện pháp phi quân sự hóa khu vực thung lũng các con sông Apurímac, Ene và Mantaro (VRAEM), nơi tập trung những đồn điền trồng cây coca lớn nhất quốc gia Nam Mỹ này. Theo đó, Chính phủ Peru có kế hoạch điều chuyển các đơn vị quân đội có nhiệm vụ triệt phá các đồn điền trồng cây coca tại VRAEM đến khu vực biên giới với Colombia nhằm đối phó các băng nhóm buôn ma túy từ quốc gia láng giềng.
Trong khi đó, Chile cũng được biết đến là một “điểm nóng” về ma túy của khu vực Mỹ latin. Do đó, không chỉ đẩy mạnh truy quét ma túy trên đường phố, Chính phủ Chile còn chú trọng làm trong sạch đội ngũ quan chức nhằm ngăn chặn mọi biểu hiện “đi đêm” với các băng đảng ma túy. Ngày 17/8, Quốc hội Chile đã công bố quy định nội bộ mới, trong đó sẽ tiến hành xét nghiệm ma túy ngẫu nhiên đối với các nghị sĩ nhằm kiểm soát hành vi sử dụng ma túy, làm trong sạch hoạt động Quốc hội và tránh các loại tội phạm liên quan buôn lậu ma túy.
Có thể thấy tình trạng buôn bán ma túy tại Mỹ latin vẫn còn rất phức tạp, bất chấp Mỹ và các chính phủ khu vực đổ nhiều tiền của, công sức vào cuộc chiến chống “cái chết trắng”. Vì thế, chuyến công du lần này của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ được hy vọng sẽ cùng các nước Colombia, Chile và Peru đưa ra được chiến lược mới phù hợp và hiệu quả hơn ngăn chặn nạn buôn bán ma túy bất hợp pháp.