Một góc nhìn lịch sử

Lê Vũ Trường Giang hơn chục năm trước gây ấn tượng với độc giả bằng cách định hình cho riêng mình một dòng văn chương lịch sử tinh xảo. Tập truyện ngắn “Ngủ giữa trùng sơn” (NXB Văn học, 2013) khiến đông đảo bạn đọc ghi nhớ và mong chờ sự khởi sắc của một lớp người trẻ viết về đề tài này.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc nhìn lịch sử

Anh chàng nhà văn gốc Huế cứ vậy mà nuôi nấng trong mình một dòng chảy âm ỉ với lịch sử. Nhiều tác phẩm sau đó ra đời tạo cho Giang một con đường riêng không lẫn vào với ai của thế hệ viết 8X.

9 năm sau, Lê Vũ Trường Giang mới quay lại với truyện ngắn sau quãng dài dành cho bút ký và khảo cứu. Tập truyện ngắn “Bạc màu áo ngự” (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2022) vừa ra mắt bạn đọc vào đầu tháng 11 đã xác tín một thương hiệu cho anh chàng TS trẻ của Trường đại học Huế. Ấy là Lê Vũ Trường Giang, anh chàng đậm đà chân phương, nụ cười hiền lành, giọng nói rặt Huế và văn cũng đằm đẵm uốn lượn như sóng nước sông Hương, mang mang một nỗi mình, nỗi đời dành cho lịch sử.

“Bạc màu áo ngự” gồm 13 truyện ngắn gắn chặt với lịch sử. Biên độ thời gian và không gian trong tập truyện rộng mở và nở ra những da diết về chiến cuộc, về thân phận con người, về tình yêu và cả những niềm đắng đót thời hậu chiến. Độc giả sẽ cùng Giang đi qua cuộc khởi nghĩa của vua Hàm Nghi chống lại thực dân Pháp để thấy lịch sử qua ngòi bút của Giang không hề khô khan mà tràn đầy sự mượt mà bởi giọng văn Huế rất chỉn chu nhưng bắt tai, đã mắt. Âm vọng từ lịch sử qua góc nhìn của một nhà văn trẻ luôn mới mẻ, ở đó có sự chắt chiu chi tiết, có sự khoáng đạt của thời đại, có luôn cả một sự bay bổng của ước vọng tổ tiên nguồn cội.

Có thể nói Lê Vũ Trường Giang “rất Huế” khi viết về Huế, khi khơi dòng lại trang sử hào hùng của cuộc chiến trong nội thành Huế vào Tết Mậu Thân 1968. Bên dưới Hoàng cung Huế là tầng tầng lịch sử mà tin chắc không nhiều cố đô nào có được trên thế giới. Chỉ một vỉa tầng lịch sử hơn 50 năm nằm dưới lớp gạch cũ được Giang “trùng tu” lại để bạn đọc chiêm ngưỡng. Một cuộc chiến khiến hàng triệu người Mỹ xuống đường đòi chính phủ Mỹ chấm dứt chiến tranh, đòi ngưng ném bom và hòa đàm như những người trọng danh dự.

Với các truyện như “Tôn nữ còn buồn”, “Bạc màu áo ngự”, “Từ bờ bên kia”, “Bóng gươm tịnh độ”, “Phía dưới cầu vồng”, “Phượng hoàng trăng”…, độc giả sẽ đi qua các địa danh nổi tiếng của miền trung như: Ái Tử, Khe Sanh (Quảng Trị), Sơn Mỹ (Quảng Ngãi), Gò Bồi (Bình Định). Rồi lan sang Hồng Công (Trung Quốc), Algerie, New York. Và nhận ra, chỉ có niềm bác ái và sự hòa hợp mới là giá trị vĩnh cửu của cuộc sống này. Lịch sử của nghìn năm trước cho đến nghìn năm sau vẫn vậy. Lần giở lại bằng góc nhìn văn học luôn cho chúng ta những triết luận đáng để chiêm nghiệm.