Trong hợp tác xã Marjana, cách thành phố cảng Essaouira khoảng 15km, một nhóm phụ nữ đang thực hiện các bước làm dầu argan trước sự quan sát của khách du lịch. Với những cử chỉ chậm rãi, những người phụ nữ hầu hết ở độ tuổi 60 tách vỏ hạt argan cứng bằng búa để lấy hạt trước khi phân loại, rang, xay để tạo thành dầu argan.
Bà Samira Chari, 42 tuổi, thành viên trẻ nhất của hợp tác xã sản xuất tới 1.000 lít dầu argan hằng năm này cho biết, đây là công việc khó khăn, đòi hỏi kinh nghiệm và sự kiên nhẫn. “Nghề này không thu hút thế hệ trẻ”, ông Amel El Hantatti - người sáng lập hợp tác xã Marjana vào năm 2005, hiện có 80 nhân viên là phụ nữ trong lĩnh vực sản xuất và tiếp thị, nhận xét. Người quản lý thừa nhận một ngày nào đó nghề thủ công này mai một.
Theo Le Monde, làm dầu argan cùng du lịch là nguồn thu nhập chính của 78.000 cư dân Essaouira, nơi nổi tiếng với những tán cây argan trải dài, một trong số ít loài thực vật có khả năng chịu được khí hậu bán khô hạn của vùng. Bí quyết làm dầu argan cũng đã được đưa vào danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể” của nhân loại do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) công nhận vào năm 2014. Tuy nhiên, nghề này thời gian qua vẫn không được giới trẻ quan tâm.
“Tôi đã cố gắng làm việc cùng những người thợ thủ công nhưng tôi không thể tiếp tục. Đó là một công việc khó khăn và vất vả”, Assia Chaker, 25 tuổi, tư vấn bán hàng tại hợp tác xã Marjana cho biết. Sau nhiều năm thất nghiệp, Chaker miễn cưỡng chuyển sang làm việc trong lĩnh vực này. Cô tiết lộ nguyên nhân lựa chọn việc bán hàng thay vì nghiền hạt argan do “thích được tiếp xúc với mọi người và thực hành các ngôn ngữ khác” do cửa hàng đón khách du lịch quốc tế mỗi ngày. Và “dù thế nào đi nữa, một ngày nào đó sẽ chỉ có máy móc thực hiện các công đoạn làm dầu argan”, Chaker tin tưởng.
Trong khi đó, sếp của Chaker là ông El Hantatti lại có lý do phản đối: “Dầu do máy móc sản xuất sẽ không bao giờ có mùi vị đặc biệt như dầu do những người phụ nữ sản xuất thủ công. Không chỉ vậy, tiếng cười của các công nhân, những câu chuyện của họ được chia sẻ trong quá trình làm việc đã tạo ra một tinh thần khiến nghề này trở nên đặc biệt và độc đáo”.
“Những người phụ nữ làm dầu argan thủ công thường làm việc 10 giờ mỗi ngày. Có những công nhân chưa bao giờ đến trường nhưng đã thành thạo công việc làm dầu argan, nhưng các con của họ có lẽ sẽ không nối nghiệp vì chúng có những tham vọng khác”, bà Samira khẳng định.
Le Monde cho hay, dầu argan được mệnh danh là “vàng lỏng” của thế giới với các lợi ích như dưỡng ẩm và chống lão hóa, đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu. Theo thống kê của Chính phủ Morocco, nước này đã sản xuất hơn 5.600 tấn dầu argan vào năm 2020, trong đó 2.350 tấn được xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp Morocco cũng thông tin, doanh thu của ngành đã tăng gấp ba lần từ năm 2012 đến 2019, đạt khoảng 108 triệu euro.
Đối mặt những rủi ro liên quan biến đổi khí hậu, trong 10 năm qua, giới chức nước này đã có những biện pháp hỗ trợ ngành này như xây dựng 13 hồ chứa nước mưa để tưới cây. Tại khu vực Agadir-Essaouira, diện tích hơn 830.000 ha, hiện có 686 hợp tác xã làm dầu argan, được UNESCO công nhận vào năm 1998 là “Khu dự trữ sinh quyển”. Với mục tiêu chuyển đổi loại cây trồng truyền thống này thành một ngành “hiện đại, có lợi nhuận và giá trị gia tăng cao”, Morocco đã đưa dầu argan vào chiến lược nông nghiệp của mình đến năm 2030. Nước này cũng lên kế hoạch tăng gấp hai lần sản lượng, đồng thời thúc đẩy sự xuất hiện của một thế hệ nông dân mới làm giàu từ hạt argan.