Dân mòn mỏi
Quảng Chu là xã khó khăn của huyện Chợ Mới, ít ruộng, đất nhiều núi đá khó canh tác nên tỷ lệ hộ nghèo lên tới 31%. Người dân trên địa bàn vì vậy hết sức phấn khởi khi dự án đầu tư xây dựng Trung tâm bảo tồn gen và phát triển giống bò Mông ở huyện Chợ Mới được thực hiện, với sự hợp tác của Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN), UBND tỉnh Bắc Cạn và Công ty CP đầu tư và phát triển bò Mông Việt Nam (Công ty).
Theo Chủ tịch UBND xã Lê Phúc Lâu, theo thống nhất ban đầu với xã và người dân, công ty đề nghị người dân thành lập các hợp tác xã (HTX) để liên kết chăn nuôi. Công ty cam kết hỗ trợ giống cỏ, kỹ thuật, cho vay vốn xây chuồng trại, bao tiêu đầu ra... Vì vậy, từ năm 2017, người dân xã Quảng Chu cùng với xã Thanh Bình và Bình Văn đã thành lập 10 HTX lấy tên từ số 1 đến số 10, trong đó riêng Quảng Chu có tám HTX. Tuy nhiên, hiện nay, toàn bộ các HTX này đều ở tình trạng “có như không” vì dự án chậm triển khai.
Chúng tôi đến HTX số 9, xã Quảng Chu, may mắn gặp được Giám đốc HTX Ma Thị Hoa vì các thành viên khác đều đã phải tự đi kiếm việc làm cho mình. Chị Hoa cho biết, HTX có bảy thành viên, mỗi người góp 200 triệu đồng gồm tiền mặt và đất đai. Từ khi thành lập đến nay, HTX chỉ trồng 2 ha cỏ voi từ giống công ty hỗ trợ, còn lại chưa có chuồng trại, chưa triển khai gì thêm. Bản thân chị gái chị Hoa góp 1,5 ha đất trồng cỏ, nay cỏ cao lút đầu người nhưng không dùng được vào việc gì. Trong khi, trước đó, khu đất vẫn canh tác đỗ, ngô, dù ít vẫn cho thu nhập đều đặn. Chị Hoa ngán ngẩm, các thành viên HTX đều chán nản vì cứ mòn mỏi chờ bò từ dự án để về nuôi mà chưa thấy đâu.
Tình cảnh tương tự cũng diễn ra ở HTX số 4. Giám đốc HTX Lường Văn Điền dẫn chúng tôi ra thăm ruộng cỏ voi đã quá thì thu hoạch. Anh cho biết, từ khi triển khai đến giờ, công ty chỉ hỗ trợ mỗi HTX bảy tạ cỏ giống về trồng. Toàn bộ giống anh trồng trên đất ruộng hai vụ, giờ cỏ cao, ra hoa rồi nhưng đành bỏ đó vì không có bò, trong khi trước đó, sản xuất lúa, mỗi năm cũng cho thu nhập hơn 10 triệu đồng. Tiếc công chăm sóc, anh chặt một phần cỏ chia cho anh em trong nhà có trâu, bò để cho ăn.
Anh Lường Văn Điền cho biết thêm, theo cam kết, mỗi HTX phải nuôi ít nhất 50 con bò, trồng ít nhất 2 ha cỏ. Mỗi con bò trị giá 20 triệu đồng, nghĩa là số vốn đầu tư lên tới một tỷ đồng thì quả thật quá sức với nhân dân vốn nghèo, chỉ có tài sản là đất và sức lao động. Anh Điền dự tính, nếu dự án có tiếp tục triển khai thì HTX số 4 của anh cũng chỉ kham được khoảng 40 con bò mà thôi. Tâm lý hiện nay ở tất cả các HTX là chán nản vì “đợi” bò giống từ dự án đã quá lâu. Chưa kể lo lắng về việc liệu có chịu được lãi suất vay vốn để trả tiền mua bò hay không.
Gần 2 ha cỏ voi đã trồng của HTX số 4 giờ cao lút đầu người nhưng vẫn bỏ không.
Tiến độ “rùa bò”
Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm bảo tồn gen và phát triển giống bò Mông ở huyện Chợ Mới được UBND tỉnh Bắc Cạn phê duyệt vào tháng 4-2017. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 136 tỷ đồng, trong đó, vốn tự có 18 tỷ đồng, vốn khác (ứng dụng khoa học công nghệ, Bộ KH&CN…) hơn 118 tỷ đồng. Ngày 22-12-2017, UBND tỉnh Bắc Cạn ra Quyết định số 2186/QĐ-UBND thu hồi và giao đất cho công ty thuê diện tích gần 3 ha, thời hạn thuê 50 năm. Ngày 28-12-2017, các cơ quan chức năng tổ chức bàn giao ngoài thực địa cho công ty. Theo Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bắc Cạn, dự án của công ty thực hiện chậm so cam kết tại quyết định chủ trương đầu tư. Cụ thể, từ quý I năm 2018 đến quý IV năm 2020, công ty phải hoàn thiện, bàn giao các hạng mục công trình đưa vào sử dụng. Dù vậy, giờ đã là tháng 3-2019, công ty vẫn chưa hoàn thiện bất cứ một hạng mục công trình nào.
Cũng theo Sở Kế hoạch & Đầu tư, trước đây, dự án thực hiện theo phương án, tỉnh đứng ra tích tụ, tập trung đất đai cho công ty thuê. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công ty có văn bản đề nghị được chủ động nhận chuyển quyền sử dụng đất đối với các hộ dân và được UBND tỉnh chấp thuận. Về mặt bằng, tỉnh đã giao gần 3 ha cho công ty, nhưng Sở Tài nguyên & Môi trường chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty vì công ty chưa ký quỹ thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật. Sở Kế hoạch & Đầu tư đã có văn bản đôn đốc nhưng đến nay, công ty vẫn chưa thực hiện.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi thấy, công ty này cũng chưa thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường. Cụ thể, đến tháng 3-2019, công ty vẫn chưa thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt. Công ty nêu lý do, hiện tại mới chỉ xây dựng chuồng trại nên chưa cần thực hiện đánh giá tác động môi trường. Nhưng theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đây là điều không được phép vì căn cứ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án là bắt buộc và phải được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trước khi triển khai dự án.
Ông Nguyễn Quang Tiếp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty thừa nhận việc chậm triển khai dự án. Tuy nhiên, ông Tiếp cho rằng việc chậm là bởi nhiều lý do như điều chỉnh dự án, phương án tài chính… Ông Tiếp khẳng định, công ty vẫn tiếp tục triển khai dự án, cố gắng quý II năm 2019 sẽ hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định về ký quỹ, bảo vệ môi trường.
Đến nay, vì không thấy dự án triển khai gì thêm, nhiều hộ dân vẫn tiếp tục canh tác trên diện tích đất gần 3 ha tỉnh đã giao cho công ty. Điều này dẫn tới công ty liên tục kiến nghị tỉnh cần có giải pháp xử lý vấn đề này. Có thể nói, nếu dự án đúng cam kết tiến độ, đúng quy mô đầu tư chắc chắn sẽ tạo ra bước đột phá cho phát triển chăn nuôi giống bò Mông ở Bắc Cạn nói chung và huyện Chợ Mới nói riêng. Tuy nhiên, việc chậm tiến độ đang khiến người dân bức xúc, nghi ngờ. Chưa kể, Công ty CP đầu tư và phát triển bò Mông Việt Nam chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật về ký quỹ đầu tư, bảo vệ môi trường. Đây là những điều cần được chấn chỉnh ngay để sớm thúc đẩy dự án hoàn thành.