Món kem dần mất vị trí tại Mỹ

Kem từng được coi là món ăn không thể thiếu đối với mọi người Mỹ. Dù vậy, những năm gần đây, nhiều người dân tại “xứ cờ hoa” đang dần quay lưng với món ăn này do những lo ngại về sức khỏe.
0:00 / 0:00
0:00
Một hàng kem gần tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: SHUTTER STOCK
Một hàng kem gần tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: SHUTTER STOCK

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tình yêu dành cho kem của người Mỹ đang dần bị phai nhạt. Bộ này ước tính, vào năm 1986, một người Mỹ trung bình ăn 18 pound (khoảng hơn 8 kg) kem làm từ sữa thông thường. Đến năm 2021, con số đó đã giảm một phần ba xuống chỉ còn 12 pound (khoảng 5,5 kg) mỗi người.

Trong nhiều năm, kem đã giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử văn hóa và ẩm thực của Mỹ. Ông Matt Siegel, tác giả của cuốn sách “Lịch sử bí mật của thực phẩm”, lưu ý một số sự kiện quan trọng đã thúc đẩy kem trở nên nổi tiếng trong thế kỷ 20. Đầu tiên, đó là lệnh cấm bia rượu được ban hành vào thập niên 20 và 30 của thế kỷ trước, buộc nhiều nhà máy rượu tại Mỹ phải chuyển sang làm kem. Ông Siegel cho rằng, chất béo và đường trong kem trở thành thứ thay thế cho bia rượu để giúp người Mỹ “giải sầu”. Kem khi đó được coi là “món ăn an ủi tâm hồn”.

Món kem tiếp tục nhận được sự quan tâm trong Chiến tranh thế giới thứ hai, khi Chính phủ Mỹ sử dụng nó như một phương pháp nâng cao tinh thần cho binh sĩ. Chủ trương này đã góp phần nuôi sống ngành công nghiệp kem Mỹ trong một thời gian dài. “Nước Mỹ đã xây các nhà máy kem ở tuyến đầu, vận chuyển những thùng kem đến hầm trú ẩn, chi hơn một triệu USD cho các sà-lan chuyển kem đến khu vực Thái Bình Dương”, ông Siegel cho biết. Thời điểm năm 1946, ước tính, Mỹ sản xuất tương đương 22,7 pound (hơn 10 kg) kem cho mỗi người.

Sau chiến tranh, hệ thống cao tốc liên bang mới xây và tủ đông ngày càng xuất hiện nhiều đã đưa kem đến mọi ngõ ngách tại Mỹ. Kem khi đó vẫn là một điều mới lạ đối với phần lớn người Mỹ, song những năm 50 của thế kỷ trước, món kem được coi như “báu vật” của người Mỹ.

Tuy nhiên, những năm trở lại đây, người Mỹ bắt đầu tin rằng càng ăn nhiều kem càng có nhiều khả năng mắc bệnh tim, tiểu đường và béo phì. Ngay cả John Robbins, từng là người thừa kế của “đế chế” kem nổi tiếng Baskin-Robbins cũng đã từ bỏ công việc kinh doanh của gia đình từ nhiều thập kỷ trước, sau khi người chú ông là Burt Baskin, người đồng sáng lập hãng kem, qua đời vào năm 1967 do đau tim. Thay vào đó, John dần chuyển sang xây dựng chế độ ăn dựa trên thực vật và ủng hộ bảo vệ động vật. Năm 1992, ông Robbins đã xuất bản một cuốn sách về ăn uống vì một hành tinh khỏe mạnh hơn.

Theo CNN, thời gian gần đây, cùng nước ngọt có ga, thịt đỏ, kem đã dần bị người Mỹ đưa vào danh sách những món ăn cần xem xét về tác động đến sức khỏe và môi trường. Không chỉ vậy, nhiều người Mỹ chỉ còn coi kem như món ăn đắt đỏ nên dùng vào những dịp đặc biệt.

John Crawford, Phó Giám đốc tại Circana, một công ty nghiên cứu người tiêu dùng cho biết, trong những năm qua, kem đã bắt đầu có kích thước nhỏ hơn do số lượng kem bán ra ngày một giảm. “Đã có sự thay đổi từ những loại kem cỡ lớn dành cho gia đình này sang những gói nhỏ hơn. Điều này minh chứng cho việc người dân đã “thờ ơ” với kem”. Theo dữ liệu của công ty Circana, lượng mua kem tính theo số lượng đã giảm khoảng 8% từ năm 2018 đến năm 2022.

Ngoài những lo ngại về sức khỏe, theo nhiều chuyên gia kinh tế, người Mỹ hiện nay có nhiều lựa chọn cho món tráng miệng hơn so trước đây. Tại các cửa hàng tạp hóa, kem phải cạnh tranh với bánh quy, kẹo và các loại bánh kem, cùng nhiều món tráng miệng đông lạnh khác… Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng kem vẫn là món ăn ưa chuộng của mọi nhà, đặc biệt vào mùa hè, khi nhiệt độ tăng cao những năm gần đây.