Miễn thị thực hút thêm khách quốc tế

Chính sách thị thực (visa) là yếu tố quan trọng tạo nên sức hút của điểm đến. Độ mở của visa cũng là tiêu chí để so sánh năng lực phát triển du lịch, lữ hành tại điểm đến, từ đó thu hút khách du lịch quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Saigontourist đón hơn 4.000 khách quốc tế đến Bà Rịa - Vũng Tàu.
Saigontourist đón hơn 4.000 khách quốc tế đến Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngày 20/2/2024, Lữ hành Saigontourist đón tàu biển quốc tế Spectrum of the Seas mang hơn 4.000 khách đa quốc tịch đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau khi cập cảng Tân Cảng - Cái Mép, đoàn khách sẽ tham quan thành phố biển Vũng Tàu, trải nghiệm miền Tây sông nước Mỹ Tho, Tiền Giang và khám phá TP Hồ Chí Minh sôi động. Trước đó, cũng trong tháng 2/2024, Lữ hành Saigontourist tiếp đón hai chuyến tàu biển xông đất Việt Nam trong Tết Giáp Thìn 2024, gồm tàu biển Europa đến TP Hồ Chí Minh (ngày 7-8/2) và tàu biển Celebrity Solstice theo hành trình xuyên Việt (ngày 14-18/2).

Những quyết sách hợp lý và kịp thời

Theo bà Nguyễn Hoài Thu, Phó Giám đốc Chi nhánh Lữ hành Saigontourist tại Hà Nội, chính sách mới về thị thực, xuất nhập cảnh kể từ ngày 15/8/2023 đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc nâng sức cạnh tranh điểm đến của Việt Nam trong việc tiếp cận của nguồn khách mới, đặc biệt là luồng khách chủ động, khách gia đình, khách đi nhỏ lẻ… Các doanh nghiệp đã nhanh chóng xây dựng sản phẩm mới phù hợp và tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến sâu vào thị trường, bằng việc mời đoàn khảo sát thị trường Việt Nam, tận dụng hiệu quả từ chính sách mới.

“Tính riêng trong hai tháng đầu năm 2024, Lữ hành Saigontourist liên tục đón tiếp và phục vụ 11 chuyến tàu biển quốc tế, mang theo hơn 30.000 khách quốc tế đến “xông đất” đầu năm, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023”, bà Thu thông tin.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, các chính sách thị thực được điều chỉnh, bổ sung là những quyết sách hợp lý và kịp thời, vừa đáp ứng nhu cầu của ngành du lịch, vừa đáp ứng được mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp du lịch cũng như tạo điều kiện hơn rất nhiều cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Theo số liệu thống kê, du lịch Việt Nam năm 2023 khép lại với những kết quả đáng ghi nhận. Tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2023 đạt 12,6 triệu lượt, cao gấp 3,4 lần so năm 2022, vượt xa con số đặt ra hồi đầu năm là 8 triệu lượt và đạt mục tiêu điều chỉnh vào tháng 10 là 12,5-13 triệu lượt. Chưa dừng lại ở đó, tháng 1/2024 cũng ghi nhận lượng khách quốc tế cao kỷ lục 1,5 triệu lượt - cao nhất kể từ khi Việt Nam mở cửa trở lại du lịch sau dịch Covid-19.

“Con số này cũng tương đương với lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1/2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19”, ông Bình nhấn mạnh. Tuy vậy, nếu so với các nước trong khu vực, lượng khách quốc tế đến Việt Nam phục hồi tương đối chậm. Cụ thể, trong năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt, cao gấp 3,4 lần so với năm 2022, trong khi con số này tại Thailand, Malaysia và Singapore lần lượt là 27 triệu lượt, 20 triệu lượt và gần 14 triệu lượt.

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là chính sách visa dù đã có nhiều cải thiện song chưa thể so sánh được với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cho đến nay, Việt Nam đang miễn thị thực cho công dân 25 quốc gia, trong đó có 13 nước được miễn thị thực đơn phương, gồm: Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Belarus. Trong khi đó, Malaysia và Singapore miễn thị thực cho 162 quốc gia với thời gian lưu trú 90 ngày, Thailand miễn cho 64 quốc gia trong thời hạn 30 ngày…

Đầu năm 2024, trong ấn phẩm Sách trắng thường niên lần thứ 15 với chủ đề: “Thúc đẩy đầu tư hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững”, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng tiếp tục đề xuất “Miễn thị thực cho tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu”, bởi đây là dòng khách chi tiêu cao, có thói quen du lịch dài ngày, tạo ra nguồn thu du lịch lớn. Việc gia hạn thị thực cũng phục vụ nhiều đối tượng khách du lịch hơn, chẳng hạn như những người làm việc tự do trên môi trường kỹ thuật số và khách du lịch dài hạn khi mang lại sự linh hoạt cần thiết để làm việc từ xa, kết hợp với mức sống tiết kiệm và các trung tâm đô thị sôi động của Việt Nam.

“Nếu chính sách thị thực của Việt Nam vẫn như hiện nay thì đầu tiên, tốc độ hồi phục của ngành du lịch, khách sạn sẽ bị kéo chậm lại so với các nước. Điều đó có nghĩa chúng ta mất nguồn thu, công ăn việc làm cũng như giảm đi cơ hội để du lịch Việt Nam bứt phá so với những điểm đến cạnh tranh trực tiếp như Thailand, Bali (Indonesia) hay Singapore”, EuroCham nêu quan ngại.

Nghiên cứu mở rộng miễn thị thực

Trước đó, cuối năm 2023, tại Hội nghị Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề xuất miễn thị thực ngắn hạn cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ... nhằm kích cầu du lịch, đặc biệt là vào mùa thấp điểm. Mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao, chi tiêu du lịch lớn như Australia, Canada, Mỹ, các nước còn lại trong Liên minh châu Âu... Xem xét, thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho khách du lịch quốc tế. Thí điểm cấp thị thực dài hạn (3 năm, 5 năm) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu.

Đồng thời, tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình xin cấp thị thực điện tử, bảo đảm giao diện trang web đơn giản, dễ thao tác, hiển thị thông báo cụ thể về thời gian trả kết quả thị thực. Tiếp tục tăng cường hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, các hãng hàng không quốc tế hàng đầu để xúc tiến mở đường bay mới và tăng tần suất các chuyến bay thẳng hiện có giữa các địa bàn trọng điểm du lịch của Việt Nam và các thành phố cấp 1, cấp 2 của các thị trường khách du lịch mục tiêu.

Trước những yêu cầu đặt ra, trong Chỉ thị 06/CT-TTg về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu đề xuất chính sách mở rộng miễn thị thực cho công dân một số nước phù hợp tình hình mới và quan hệ hợp tác song phương. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm khẩn trương tổng kết, đánh giá việc áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương cho công dân của 13 nước thời gian qua, chủ động phối hợp với Bộ Công an đề xuất mở rộng các nước có công dân được đơn phương miễn thị thực Việt Nam.

Dù khẳng định việc mở rộng miễn thị thực là mong muốn của các doanh nghiệp du lịch nói riêng và của ngành du lịch nói chung để đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam, song ông Vũ Thế Bình cũng lưu ý, visa chỉ là yếu tố mở đầu, như lời mời du khách đến với Việt Nam. Còn lượng khách có tăng hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khách đến sẽ thưởng thức gì, vui vẻ ra sao, có cảm thấy thích thú để chi nhiều tiền, có ở lâu không…

“Trong thời gian khách lưu trú tại Việt Nam, người làm du lịch phải có sản phẩm như thế nào để đáp ứng nhu cầu của khách, phải có gì cho họ xem, khiến họ thích thú để ở lại nhiều ngày và còn muốn quay trở lại trong thời gian tới”, ông Bình nêu rõ.

Vì vậy, mỗi doanh nghiệp phải tìm kiếm, xây dựng sản phẩm phù hợp nhất với từng thị trường khách, cũng như phối hợp giữa các ngành ra sao, đặc biệt là trong chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch, làm thế nào kết hợp hài hòa để bảo đảm giá thành phù hợp.