Trước đó, TTCK bất ngờ có được sự tác động mạnh mẽ đúng vào ngày đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số VN30, ngày 18-3. Đà tăng diễn ra khá sớm trong phiên nhờ nhiều yếu tố tích cực, trong đó đáng kể là việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục cam kết duy trì lãi suất thấp. Tuy nhiên, ảnh hưởng thực tế hơn chính là biến động của phiên đáo hạn phái sinh. Trong những ngày này TT luôn luôn thay đổi đột ngột, tùy vào cơ hội tăng dễ hơn hay giảm dễ hơn.
Mở cửa VN Index đã tăng 0,89%, nhưng sau đó là các nhịp trồi sụt không rõ ràng. Dù đà tăng diễn ra trọn phiên, nhưng hệ thống giao dịch bị nghẽn khiến gần như toàn bộ thời gian còn lại, mức tăng duy trì chỉ khoảng 10 điểm mà không thể hơn. Lệnh mua bán vào hệ thống rất khó khăn. Diễn biến đột ngột chỉ xảy ra ở đợt ATC, khi lệnh bị nghẽn tạo lợi thế cho các công ty CK nhỏ nhồi lệnh thành công. Hàng loạt cổ phiếu (CP) lớn đột ngột có lệnh mua nhiều hơn bán, đẩy giá lên. VN Index đóng cửa tăng vọt 14,85 điểm so tham chiếu, tức là riêng trong đợt ATC chỉ số tăng thêm gần 5 điểm.
Do TT phái sinh chỉ bám sát diễn biến của VN30, nên các blue chip là nhóm CP biến động nhiều nhất. VN30 Index đóng cửa tăng 1,52%, kéo theo VN Index tăng 1,25% so tham chiếu, trong khi chỉ số của nhóm CP Midcap chỉ tăng 0,99%, Smallcap tăng 0,26%. VN Index đóng cửa cũng vọt tới 1.200,94 điểm, lần đầu kể từ tháng 4-2018 đóng cửa cao hơn ngưỡng 1.200 điểm. Tuy nhiên, dù vượt 1.200 điểm thì chỉ số vẫn chưa được xem là vượt đỉnh, vì đầu tháng 4-2018, chỉ số từng đóng cửa tại 1.204,33 điểm. Mặt khác, mức cao nhất trong lịch sử mà VN Index từng ghi nhận cũng lên tới 1.211,34 điểm. Vì vậy để xem là vượt đỉnh, TT cần thêm một phiên tăng dứt khoát.
Mức tăng mạnh nhất 17 phiên của chỉ số phiên này cũng phải nhìn nhận từ hiệu ứng đáo hạn nói trên. Diễn biến rất rõ là lợi thế của hệ thống giao dịch nghẽn giúp cho các lệnh mua khá nhỏ vào kéo giá CP rất dễ dàng. Lực cầu này đã chủ đích dồn vào trong đợt ATC, khi các lệnh mua bán khó đua tranh. Do diễn biến rất nhanh này nên TT có lẽ chưa được kiểm tra đầy đủ về cung cầu, nhất là khi ngày 19-3 còn đợt giao dịch mạnh của các quỹ ETF nước ngoài.
Dĩ nhiên, việc VN Index đạt trở lại mốc 1.200 điểm đem đến sự hứng khởi không nhỏ. Rất lâu rồi NĐT mới lại có cơ hội nhìn TT lập kỷ lục. VN Index đã đi ngang tích lũy suốt từ đầu tháng 3, tới giờ mới có khởi sắc một cách rõ ràng và đầy hy vọng. Mặc dù hiệu ứng tăng chủ đạo do đẩy giá blue chip cuối ngày nhưng tựu trung lại vẫn là thành tích về điểm số. Điều còn lại là sức mua nối tiếp của NĐT để dứt khoát đẩy chỉ số vượt đỉnh.
Thanh khoản TT phiên này lại không tăng mà giảm tới 4% về giá trị khớp ở sàn HoSE. Nhóm VN30 giao dịch còn giảm tới 11%. Một phần nguyên nhân là các lệnh mua bán không thông. Ngược lại, điều này cũng khiến cơ hội bán của NĐT không được hiện thực hóa. Vì vậy, TT cần được xác nhận bằng giao dịch trong thời điểm bình thường những phiên sau.
Bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần qua, ngày 19-3, áp lực bán gia tăng với tâm điểm là nhóm CP dầu khí khi đồng loạt đều quay đầu giảm khiến VN Index nhanh chóng bị đẩy lùi về dưới vùng giá 1.200 điểm.
Nếu trong phiên giao dịch ngày 18-3, nhóm VN30 đóng vai trò là trụ đỡ chính dẫn dắt đà tăng cho TT thì ở phiên sáng cuối tuần qua, phần lớn đã quay đầu điều chỉnh với sự góp mặt của các mã lớn như: VHM, VNM, VCB, TCB, GAS… Dòng tiền chảy mạnh nỗ lực kéo TT đi lên bất thành khiến nhiều NĐT mất kiên nhẫn quay ra xả bán, đẩy VN Index về sát mốc 1.190 điểm sau gần hai giờ giao dịch. Tuy nhiên, lực cầu khá tốt đã nhanh chóng giúp TT bật ngược đi lên và thu hẹp biên độ giảm. Đặc biệt, thanh khoản tăng vọt với tổng giá trị giao dịch riêng trên sàn HoSE lên tới gần 13.000 tỷ đồng. Điều này khiến giới đầu tư lo ngại phiên chiều sẽ diễn ra trong thời gian ngắn và dự báo đóng cửa sớm.
Không ngoài dự báo, TT đóng cửa khá sớm ở phiên giao dịch chiều 19-3. Chỉ sau khoảng 45 phút giao dịch, dòng tiền bắt đầu bước vào giai đoạn chậm rãi. Hệ thống nghẽn lệnh khiến thanh khoản chỉ nhúc nhắc tăng. Tuy nhiên, đột biến lại xảy ra trong đợt khớp ATC khi thanh khoản bất ngờ tăng đột biến, trong khi chỉ số VN Index vẫn duy trì trạng thái đi ngang quanh vùng giá 1.195 điểm. Nhiều NĐT đã tỏ ra khó hiểu khi TT “nghẽn lệnh” nhưng lệnh ATC lại được nhiều.
Có thể, ngày 19-3 là phiên ETF tái cơ cấu danh mục. Chính vì vậy, các lệnh ETF bất ngờ ồ ạt đổ vào VN30 có thể là nguyên nhân chính khiến TT xáo động mạnh. Đóng cửa, sàn HoSE có 193 mã tăng và 251 mã giảm, VN Index giảm 6,89 điểm, xuống 1.194,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 680,9 triệu đơn vị, giá trị hơn 17.228 tỷ đồng, tăng 8,32% về khối lượng và 11,82% về giá trị so phiên kề trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 79,98 triệu đơn vị, giá trị 2.656,5 tỷ đồng.