Lộc xuân củi lửa

Cứ vào năm nhuận, vụ đông xuân được cấy sớm hơn, nên xong xuôi từ độ giữa tháng Chạp, người dân có thêm thời gian dài rộng để sắm Tết. Quê tôi vùng trung du, nhà cửa thưa thớt, nhưng không khí những ngày này cũng rộn ràng, náo nức. 

Tranh: ĐOÀN XUÂN TẶNG
Tranh: ĐOÀN XUÂN TẶNG

Người có điều kiện thì lên phố huyện sắm những vật dụng có giá trị lớn như cái tivi hay bộ bàn ghế mới để có một cái Tết sung túc hơn. Người thì đi chợ sắm từ những thứ nhỏ như bát đĩa, xoong nồi hay những đồ lặt vặt không thể thiếu trong ngày Tết. Bố tôi sẽ đi đồi xa kiếm củi to về đun. Suốt thời thơ ấu tôi đã nghĩ, tại sao bố không đi sắm đồ như nhà người ta? Bố đi từ lúc thong thả trưa đến chiều nhọ mặt người mới về đến nhà vì đồi xa mới có nhiều củi to. Anh em tôi rủ nhau ra con dốc đầu xóm, mỏi mắt nhìn lên sườn núi đang nhòa dần vào chạng vạng. Khi bố với vác củi trên vai dần hiện ra, bắt đầu từ mầu áo, khoảnh khắc ấy như sáng lên diệu kỳ, như thể bố vừa bước ra từ một câu chuyện huyền thoại hay một bức tranh vậy. Núi đồi chìm vào mầu xanh thẫm, chênh chếch phía tây sao Hôm đã mọc lên. Dáng bố nghiêng nghiêng với vác củi nặng trên vai đang đi xuống dốc núi in đậm trong tôi đến mãi sau này. 

Trong ý nghĩ của trẻ con, càng gần đến ngày Tết thì càng mong đợi bố mẹ ở nhà nhiều hơn, như thế cảm giác Tết sẽ rõ ràng hơn khi được nhìn thấy bố mẹ làm những công việc cụ thể để đón Tết như quét dọn nhà cửa, vườn tược, lau dọn ban thờ... Sáng 30 Tết, mẹ ngả nong, ngả lá dong để gói bánh chưng, bếp lửa cũng bắt đầu được bố tôi nhóm lên với những thân gỗ to. Và năm nào cũng vậy, bác tôi ở nhà bên cạnh sẽ đem những chiếc bánh chạy qua nấu nhờ bếp lửa. Buổi tối, bố tôi, bác tôi và những người hàng xóm ngồi quanh bếp lửa uống trà và nói đủ thứ chuyện, từ thời tiết, vụ mùa cấy hái cho đến chuyện con cái học hành và cả chuyện thời sự, chính trị quốc tế, về một năm đã qua và những dự định sắp tới. Mỗi người nông dân lúc ấy đều như một nhà bình luận, tôi nhận ra cuộc sống ở xóm đồi nghèo của mình bỗng trở nên giàu có.

Sau này tôi mới hiểu ý nghĩa của việc bố mẹ luôn giữ cho bếp nhà đỏ lửa trong những ngày Tết. Với bố mẹ tôi, bếp lửa luôn được ngời lên trong những ngày Tết đến xuân về còn quan trọng hơn cả việc mua sắm mọi thứ vật chất khác, bởi bếp lửa là sự sống, là tâm linh, là sự nhắc nhớ về nguồn cội. Đó cũng là lý do mà bố tôi luôn đi đồi xa để kiếm những thân củi lớn về đun, duy trì lửa. 

Không còn những chiều cuối năm đợi bố nơi chân đồi. Mẹ kể, ngày ấy mỗi khi đi đồi bố thường chọn mặc chiếc áo sáng mầu để anh em tôi sớm nhận ra khi đứng đợi, bố hiểu nỗi trông ngóng của chúng tôi trong những ngày giáp Tết. Tôi cũng đã hiểu vì sao trong những ngày Tết, nhà mình luôn là nơi để những người thân hay xóm giềng tìm đến chuyện trò, chia sẻ cho dẫu bên ngoài mưa phùn gió bấc lạnh căm. Bởi bếp lửa ngày xuân ấy mang đến nguồn vui và ấm áp cho mọi người. Đó chẳng phải là lộc của ngày đầu xuân đó sao.