Cánh đồng của mẹ

Mỗi độ cuối đông, lòng xao xác mãi dịp về quê giỗ chạp ngang qua cánh đồng. Lúa đã gặt xong, yên ấm trong bồ, bạt ngàn gốc rạ huơ lên như tay người xới đất. Hồ như bóng ngày chậm lắng mà cúi thấp, lênh loang từng thỏi hào quang cuối cùng đến từng ô trũng mập mờ nước đọng. Vang vang tiếng chim kêu tránh rét dọc chiều đông, rù rì từng gò bụi rung rinh cành khô, lá đỏ. Đi qua cánh đồng này là gặp mẹ. Cả cánh đồng và con đường đầu thôn như bần thần chụm lại.

Tranh: LÊ ANH VÂN
Tranh: LÊ ANH VÂN

Mỗi lần gọi điện cho tôi, mẹ đều hỏi: “Nhà còn gạo ăn không con? Để mẹ gửi lên. Hết gạo phải bảo, đừng mua bên ngoài con ạ, vừa đắt, vừa kém ngon! Nhà mình thóc lúa đầy ra đấy. Giờ nhiều người bỏ ruộng, đất quê thành ra hoang hóa, không cấy cày thì phí lắm! Mẹ già, nhưng ông trời còn cho sức khỏe thì mẹ vẫn ra đồng…”. Nhà có mỗi vợ chồng với đứa con nhỏ nên gạo thóc dùng đáng là bao. Tôi luôn trả lời mẹ thế. 

Nhưng lại thấy lòng mình chùng xuống. Mẹ đã ngoài bảy mươi tuổi, vẫn sớm khuya chăm khoảnh ruộng đồng xa để thêm hạt lúa, mớ rau gửi cho con cháu. Năm hai vụ lúa, quanh mẹ còn đông con nhiều cháu, ấy vậy mà mẹ không muốn nhờ ai, cứ tự mình chọn giống, gieo mạ, cấy lúa, nhổ cỏ và gặt hái. Có lần, tôi bảo mẹ thuê người hoặc để con cháu đỡ đần. Mẹ chỉ im lặng, trả lời đứa con xa bằng giọng cười ấm áp, rằng mẹ còn làm được. Có bận, anh cả tôi gọi điện: “Em khuyên mẹ đừng làm ruộng nữa. Mẹ già rồi, làng xóm người ta nhìn vào lại cười cho. Nhà có thiếu gì đâu. Từ nay, nếu mẹ gọi điện hỏi chuyện gạo thóc, em cứ nói nhà con hãy còn, còn nhiều lắm, để mẹ không gửi lên và cũng không trồng cấy nữa. Tuổi mẹ bây giờ, ai còn cày cấy nữa đâu”. 

Nhưng chẳng ai khuyên nổi mẹ. Con cháu không cần gạo, một năm mẹ vẫn miệt mài đôi vụ với niềm tin âm ỉ rằng biết đâu, lúc nhỡ nhàng, khi bận rộn, con cháu lại cần. Mỗi lần gửi được gạo lên cho gia đình tôi, là mẹ mừng lắm. Gọi điện cười nói, rồi sàng sẩy, nhặt hết sạch trấu mùn, tất tả đong đếm gói ghém, nhờ người mang ra bến xe, nhắn gửi kỹ lưỡng, bao gạo mầu gì, buộc dây, đánh dấu ra sao… Mỗi lần con cái từ chối là mẹ cứ rấm rứt: “Con đừng chê công sức của mẹ mà tội. Mẹ làm ra hạt lúa, mớ rau là làm ra sức khỏe. Con không ăn thì mẹ làm ra nỗi gì!”.

Lần lượt những đứa con khôn lớn đi xa, đồng làng thì vẫn đấy. Những đứa con mỗi năm vài bận giỗ chạp trở về, nhưng cánh đồng thì ăn đời ở kiếp với mẹ, tần tảo khi thiếu đói, bình yên nặng hạt lúc ấm no là thế… Làm sao có thể nói bỏ là nhẹ nhõm dứt ra cho được. Mẹ yêu cánh đồng như yêu những đứa con. Tôi vẫn biết thế, vẫn thầm mừng vui vì mẹ còn sức khỏe để tự làm ra hạt thóc nuôi mình. Nhưng cũng thấp thỏm, ngậm ngùi khi trả lời câu hỏi từ mẹ. Mẹ có biết những khi cầm lên bát cơm được góp từ bàn tay mẹ là tôi cũng mừng vì mẹ còn sức khỏe để gửi thương nhớ cho con cháu. Mừng vì mẹ vẫn có niềm vui nơi thôn dã, đồng đất chưa bao giờ phụ bạc con người.

Cũng cánh đồng ấy, đêm Giao thừa sẽ sáng rực lên. Quê tôi có tục, mỗi người mới nằm xuống, chiều ba mươi Tết sẽ được thắp những ngọn đèn bên nấm mộ. Không chỉ trong gia đình, mà họ mạc, xóm làng hay bất cứ ai còn nặng lòng thương nhớ người đã khuất đều ra đó làm lễ thắp đèn. Đèn thắp từ chiều, rùng rình sáng trong giá buốt, đêm Giao thừa rực lên, trông xa như trăng sao giáng xuống cánh đồng vạn hội, như đất trời điệu người về hoàn cõi, thảo thơm ân nghĩa tình người.