Lộ trình an ninh lương thực mới

Kết thúc Hội nghị cấp Bộ trưởng Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) về an ninh lương thực, diễn ra ngày 19/8 vừa qua theo hình thức trực tuyến, các Bộ trưởng APEC đã đưa ra cam kết đáng chú ý, đó là xây dựng một hệ thống lương thực cởi mở, minh bạch, năng suất, bền vững và có khả năng phục hồi thông qua lộ trình an ninh lương thực mới cho giai đoạn 10 năm tiếp theo.

Biếm họa của DR JACK
Biếm họa của DR JACK

Hội nghị an ninh lương thực lần này do New Zealand đăng cai, nằm trong khuôn khổ năm APEC 2021, với khẩu hiệu “Cùng đồng hành - Cùng hợp tác - Cùng tăng trưởng”. Phát biểu ý kiến tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Nông nghiệp New Zealand, ông Damien O’Connor nhấn mạnh, việc bảo đảm thế giới có nguồn cung cấp lương thực ổn định là một trong những thách thức lớn nhất mà các nền kinh tế APEC và các nền kinh tế còn lại của thế giới phải đối mặt, đặc biệt là trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19. Theo ông O’Connor, thách thức là rất lớn nhưng hoàn toàn có thể vượt qua. Các diễn đàn như APEC đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy hết tiềm năng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong nỗ lực chung này.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), có gần 2,4 tỷ người không được tiếp cận lương thực đầy đủ trong năm 2020, tăng 320 triệu người chỉ trong một năm. Ngoài tác động của biến đổi khí hậu như hạn hán kéo dài, lũ lụt gia tăng khiến mùa màng thất thu, tình trạng gia tăng dân số, đô thị hóa, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên ở nhiều quốc gia, thì sự hoành hành của đại dịch Covid-19 cũng gây ra sự gián đoạn lớn đối với nguồn cung lương thực, cả trong mạng lưới sản xuất và phân phối. Việc nhiều nước đóng cửa biên giới, áp dụng các biện pháp phong tỏa hoặc hạn chế đi lại để phòng dịch đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn tới tình trạng thiếu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, tác động tới các lĩnh vực từ sản xuất, chế biến, vận chuyển đến phân phối thực phẩm.

Việc tìm ra lời giải cho bài toán an ninh lương thực bền vững càng trở nên cấp bách hơn, khi giới chuyên gia dự báo ngành nông nghiệp thế giới phải tăng 60% năng suất mới đủ nuôi sống dân số ước tính tăng lên 9,3 tỷ người vào năm 2050. Câu hỏi đặt ra hiện nay là làm sao để tất cả người dân được tiếp cận nguồn cung lương thực, đặc biệt khi thế giới đang cùng lúc phải hứng chịu tác động của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu.

Đứng trước hiện trạng đó, nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực bền vững tiếp tục là thách thức đối với các nền kinh tế thành viên APEC - nơi sinh sống của 25% số người không có đủ thực phẩm trên thế giới. Tại hội nghị, các Bộ trưởng APEC đã nhất trí thông qua cam kết về lộ trình an ninh lương thực APEC hướng tới năm 2030, đặt ra các mục tiêu và chương trình hành động cụ thể nhằm bảo đảm người dân khu vực luôn có cơ hội tiếp cận thực phẩm sạch và giá cả phải chăng. Để hoàn thành lộ trình này, các thành viên APEC cam kết áp dụng công nghệ mới, trong đó có chuyển đổi số, để góp phần bảo đảm an ninh lương thực bền vững và tăng cường ứng phó biến đổi khí hậu, cũng như các thách thức về môi trường. 

“Không còn nạn đói” là một trong những mục tiêu phát triển bền vững (SDG) mà LHQ mong muốn đạt được vào năm 2030. Tuy nhiên, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã kéo theo khủng hoảng lương thực và suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức trên toàn cầu, khiến mục tiêu nói trên đang bị cản trở. Cùng nhiều quốc gia trên thế giới, các thành viên APEC đang đối mặt nhiệm vụ lịch sử là chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm, thay đổi triệt để cách thế giới sản xuất và tiêu thụ lương thực, thực phẩm thông qua một cách tiếp cận tổng thể và phối hợp. 

Theo nhận định của Tổng Thư ký LHQ A.Guterres tại hội nghị trù bị cho Hội nghị cấp cao Hệ thống lương thực thế giới, diễn ra tại Italia hồi cuối tháng trước, chỉ bằng cách hợp tác trên quy mô toàn cầu thông qua những chuyển đổi sáng tạo, các quốc gia mới có thể xây dựng được hệ thống an ninh lương thực bền vững, sản xuất xanh và sạch, giúp tất cả người dân có cơ hội tiếp cận nguồn cung ổn định kể cả khi xảy ra thiên tai hay dịch bệnh. Đây cũng là một trong những cam kết mà APEC đưa ra tại hội nghị lần này nhằm đáp ứng những thách thức lương thực trong lộ trình 10 năm tới.