Trong cuộc họp báo ngày 18/4, Giám đốc WHO phụ trách về các trường hợp khẩn cấp Michael Ryan cho biết, trên thế giới vẫn còn nhiều người chết và rất nhiều người mắc Covid-19. Trong 28 ngày (từ 13/3 đến 9/4), có hơn 23 nghìn ca tử vong và 3 triệu ca bệnh mới được báo cáo tới WHO, trong bối cảnh số lượng xét nghiệm giảm mạnh.
Ông Ryan nêu rõ, các loại virus đường hô hấp không tự động chuyển từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn lưu hành, mà thay vào đó là giai đoạn chuyển tiếp, hoạt động ở mức độ thấp, với các đỉnh dịch có thể xảy ra theo mùa. Với Covid-19, nhiều khả năng virus tiếp tục theo con đường gập ghềnh, trước khi dẫn đến một mô hình dễ đoán định hơn.
WHO khẳng định, vẫn đang theo dõi sát để cân nhắc quyết định liệu virus có còn các yếu tố cấu thành Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) hay không. Vấn đề này sẽ được xem xét tại cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp của WHO đầu tháng 5 tới, trước khi ấn định thời điểm dỡ bỏ PHEIC, mức cảnh báo cao nhất về Covid-19 được áp dụng từ cuối tháng 1/2020.
Cảnh báo mới nhất được WHO đưa ra trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 lại tăng mạnh tại châu Á. Theo báo cáo hằng tháng do WHO công bố cuối tuần trước, chỉ trong 4 tuần, số ca mắc Covid-19 đã tăng 481% ở Đông Nam Á và 144% ở khu vực Đông Địa Trung Hải. Số trường hợp tử vong liên quan Covid-19 tại hai khu vực này cũng tăng lần lượt các mức 109% và 138%.
Số ca mắc Covid-19 tăng mạnh trở lại tại một loạt nước châu Á trong những tuần qua làm tăng nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới. Tại Singapore, số ca mắc Covid-19 tăng gần gấp đôi trong tuần cuối của tháng 3 vừa qua, lên mức cao nhất từ đầu năm nay. Số ca mắc hằng ngày ở Indonesia chạm mức đỉnh trong bốn tháng. Ấn Độ cũng xác nhận số ca mắc trong một ngày ở mức cao nhất kể từ cuối tháng 8/2022.
Điều lo ngại là tại khu vực, một số nước coi Covid-19 là bệnh lưu hành, trong khi hầu hết các nước dỡ bỏ hạn chế để mở cửa kinh tế, đẩy nhanh tiến trình phục hồi sau đại dịch, người dân tại nhiều nước bước vào mùa lễ hội quan trọng nhất trong năm. Chẳng hạn, Singapore đã dỡ bỏ hầu hết quy định về đeo khẩu trang, Indonesia cũng nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại...
Dù số ca bệnh tăng mạnh, nhiều nước tại châu Á chỉ cho rằng, đợt lây nhiễm Covid-19 mới này là do sự kết hợp của các biến thể phụ XBB, một chủng Omicron có khả năng lây truyền cao, song cho đến nay không gây bệnh nghiêm trọng trên diện rộng. Hầu hết dân số tại châu Á đã được tiêm vaccine phòng Covid-19, hoặc đã từng mắc bệnh, trong khi một số nước khuyến cáo có thể vẫn xảy ra các đợt bùng phát dịch mới, nhất là khi các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt được dỡ bỏ và cuộc sống trở lại bình thường.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các nước tại khu vực đã có biện pháp ứng phó, trong đó có việc tăng cường xét nghiệm và áp dụng các biện pháp phòng dịch. Chính phủ Ấn Độ tổ chức diễn tập ứng phó dịch bệnh, một số bang áp dụng trở lại quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Bộ Y tế Singapore khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, tiêm chủng định kỳ, trong khi doanh nghiệp khuyến khích chế độ làm việc tại nhà. Tổng thống Indonesia kêu gọi người dân tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai...
Theo WHO, biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron đã xuất hiện ở 20 nước, trong đó có Singapore, Mỹ, Anh và Australia, nhưng chủ yếu vẫn ở Ấn Độ. Các biến thể phụ XBB dù được cho là không gây bệnh nghiêm trọng, song giới chuyên gia cho rằng số ca bệnh tăng nhanh trở lại cho thấy Covid-19 vẫn là mối lo ngại.