Ngược thượng nguồn

Lo lắng cho sông An Cựu

Sông An Cựu nhận nguồn nước từ dòng Hương Giang ở cuối cồn Dã Viên, len lỏi qua TP Huế, thị xã Hương Thủy rồi nhập vào vùng phá Hà Trung - đầm Cầu Hai. Trước thế kỷ 19, An Cựu chỉ là một dòng chảy nhỏ, hẹp. Nhà Nguyễn khi ấy nhận thấy tình hình dòng sông bị nhiễm mặn đã cho đo đạc, mở rộng lòng sông như ngày hôm nay.
0:00 / 0:00
0:00
Lo lắng cho sông An Cựu

Đã từng “nắng đục, mưa trong”

Câu ca “Núi Ngự Bình trước tròn sau méo/ Sông An Cựu nắng đục mưa trong” lưu truyền nhiều đời nay miêu tả đặc trưng chẳng giống ai của dòng sông An Cựu. Kỳ thực, các dòng sông từ nguồn về biển đều mang vài nét tương đồng, riêng chỉ có An Cựu là vậy, con sông chi mà kỳ lạ!

Một dòng sông tuy ngắn nhưng được mang trong mình cả 12 cái tên khác nhau như Lợi Nông, Phủ Cam, Đại Giang, Bến Ngự, Hà Tạ, Thanh Thủy, Thiệu Hóa, Hà Trữ… Dòng An Cựu bao lần bồi cạn rồi khơi thông vẫn giữ vai trò là đường dẫn nước chính từ dòng Hương đến vùng đầm Cầu Hai. Nhờ vậy, nét đa dạng bức tranh thủy sinh nơi cửa Tư Hiền được nuôi nấng tốt đến ngày hôm nay.

Bà Nguyễn Thị Vân, 79 tuổi, ngụ phường Phú Nhuận, TP Huế cho biết: “Từ trước năm 1975, ở đây dân chúng sống chủ yếu bằng nghề cá. Họ làm nhà chồ, cắm cọc tre dọc hai bên bờ để ở chứ chưa có ai dọn lên bờ”.

Thời đó không có nhiều nhà chung phố, kề tường như hiện nay. Hình ảnh phổ biến là từng dãy nhà chồ sát mép sông, người ở trên, dưới chân sàn nhà neo chiếc ghe con con làm phương tiện đi lại chính. Nước sông dâng đến đâu, sàn nhà được nâng lên theo đến đó. Chung quanh nhà, cây rong mọc um tùm nhánh, bà con hái mang về nấu cho lợn ăn cũng không hết.

Dưới bậc thềm đi ra bến tắm chung, người không biết bơi cũng vô tư lội bộ qua lại giữa hai bờ. Ngày đó chưa có những nơi tụ tập, giải trí. Dân làng chỉ biết đùa giỡn, lấy cái vui thú là tắm sông làm chính. Thuở bà Vân còn nhỏ, nước sông An Cựu cạn, một mầu trong veo đến tận lớp đất sát dưới đáy. Ngày nắng hạn nhìn thấy cả mầu của bùn đất, tưởng là nước đục. Những tháng mùa mưa có thêm ít nước nguồn đổ về nên sông hóa sâu hoắm, lại nhìn thành làn nước trong xanh. Thì ra, An Cựu gọi là dòng sông “nắng đục mưa trong” chính bởi vì vậy.

Do nhận nguồn nước từ sông Hương đổ vào, một lượng đất phù sa từ đầu nguồn hòa vào dòng nước An Cựu. Đây là nguồn dưỡng chất quan trọng bồi đắp cho khu vực trồng lúa ở vùng Hương Thủy, phía nửa cuối dòng sông. Nhớ ngày trẻ, những tháng nước nguồn đổ về nhiều, bà Vân thường cùng mấy anh em bơi ghe dạo chơi đêm dọc theo con sông. Họ hồn nhiên thả chân xuống dòng nước mát lạnh bởi khi đó lòng sông còn sạch.

Trong ký ức của ông Nguyễn Ngọc Lâm, 66 tuổi, ngụ phường Vĩnh Ninh, TP Huế, dòng sông này được tạo nên mang lại nhiều mặt lợi cho người dân trong vùng. Dù lưu lượng nước không lớn nhưng con sông đóng góp nhiều lợi ích cho cuộc sống người dân. Từ đường giao thông, đến nhà nông trồng cây lúa cũng nhờ có nước sông dẫn về tưới ruộng. Dòng chảy kết hợp tạo nên cảnh quan công viên cây xanh, bờ kênh. Ngoài ra, nó còn giúp tiêu thoát bớt nước lũ cho dòng Hương Giang.

“Ngày thường ai mới tới cũng cảm giác mặt nước cao nhưng thật ra nó rất thấp. Trên thượng nguồn có nhiều hồ chứa tích nước nên từ năm 2020 trở lại đây khu này ít bị ngập cao. Vẻ hiền hòa, êm dịu từ khoảng thời gian sau Tết đến chớm thu của sông An Cựu nhường chỗ cho dòng nước cuồn cuộn mầu sắc đỏ ngòm những tháng mùa mưa kéo về”, ông Lâm cho biết.

Mỗi sáng, vị cán bộ hưu trí này thường đạp xe thể dục mấy cây số theo tuyến đường Phan Đình Phùng dọc bên bờ sông rồi về nhà. Hít thở chút không khí sớm mai, nhìn ngắm dòng sông quê mỗi ngày lại khiến ông cảm thấy an vui lúc tuổi già.

Dòng sông ấy, nay đâu rồi

Đẹp và thơ mộng, được xem như một “lá phổi xanh” của Huế, đó chỉ còn là những hình ảnh đã từng có của sông An Cựu. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cùng sự gia tăng dân số hai bên bờ sông dẫn đến hệ lụy rác thải ngày càng nhiều. Tất thảy đều để con sông phải gánh chịu. Từ đầu nguồn về xuôi, bây giờ chẳng còn thấy đoạn sông nào có sắc mầu trong veo, chỉ độc nhất một mầu vẩn đục quanh năm.

Ngồi nhìn mấy người công nhân đang chèo ghe vớt lục bình, chai lọ dưới sông, bà Vân uể oải một tiếng thở dài: “Chừ chú ngó thấy đó, chỗ mô cũng đục ngầu hết, mưa nắng chi cũng đục hết. Dòng sông quá dơ, rác thải nổi khắp nơi”.

Mỗi ngày, không biết bao nhiêu nước thải đen kịt, mùi hôi nồng nặc cứ âm thầm rỉ thấm trực tiếp từ miệng cống ra sông. Trên bờ, vài thùng thu gom rác thoáng chốc lại đầy. Những tiểu thương bán cá, tôm vô tư đổ nước thải vừa rửa cùng bao nhiêu ruột cá, bao bì xuống bờ kè sông. Để rồi dưới nước, đội vệ sinh thay phiên nhau vớt rác cũng chẳng bõ bèn gì. Sông An Cựu xưa đi vào thơ ca bao nhiêu thì nay nó đang dần “chết” đi chất thơ đó bấy nhiêu.

Dọc hai con đường ven bờ sông An Cựu mấy chục năm trước, hàng chục cây sung cao cả mươi mét đổ nghiêng bóng ra mép nước. Đám trẻ con xóm chợ An Cựu lúc bấy giờ thường chọn làm nơi đùa nghịch, tắm táp sau giờ đến trường. Nhưng bây giờ thì đành chịu!

Đợt lũ về trong tháng 10 vừa qua, khu dân cư ven bờ sông An Cựu bị ngập sâu gần nửa mét trong hơn hai ngày. Bằng kinh nghiệm đoán định lượng mưa để suy ra độ cao dòng lũ, bà con khu vực hạ lưu dòng sông chỉ dọn đồ đạc kê lên bàn ghế. Họ vẫn sinh hoạt ngay trên dòng nước lũ bì bõm.

Nước rút, lai láng một lớp bùn non cùng rác thải chồng chất, phủ kín gần chục cây số đường của phường Phú Nhuận. Mỗi gia đình cắt cử một thành viên cùng chung sức đẩy lớp phù sa để giao thông được nối lại. Thiên tai ngày càng phức tạp đã khiến dòng An Cựu ngoài việc gồng mình chuyển hàng tấn phù sa non về miền hạ du thì còn “cõng” theo biết bao nhiêu thứ rác sinh hoạt, điều mà mấy chục năm trước rất ít gặp.

Hồi mới giải phóng, gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, 60 tuổi dọn về bên dòng sông An Cựu này làm ăn. Cả một khu vực nhìn đâu cũng toàn rừng cây um tùm, hai bên bờ sông lưa thưa dân. Đến bây giờ đã có mấy ngôi chợ mọc lên, rồi dưới sông ca-nô ngược xuôi mà chủ yếu là dân làm lưới sáng sớm ra chợ bán. Con cái ông Sơn ngày bé còn trèo lên ngọn cây sung nhảy xuống tắm sông nhưng rồi cái ký ức đó đã không thể đến với thế hệ cháu của ông.

Ông Sơn tặc lưỡi phân trần: “Ô nhiễm của dòng sông này đã có từ lâu, nó không chỉ ảnh hưởng vài gia đình mà cả khu dân cư. Điểm yếu là ở những miệng cống chảy ra sông thường bị rác thải các hộ dân bịt kín, nước không thoát được. Rác ngày sau đè lên ngày trước, rồi cả dòng sông toàn bao bì nylon. Nên ở đây ai thấy rác dưới sông đều tự giác gắp lên bỏ vô thùng rác công cộng. Tội cho dòng sông ni chứ. Nó vốn rất đẹp mà mình lại đi phá hoại thì coi răng được”.

“An Cựu ta nhớ thương/ Người ơi, còn vấn vương/ Tình yêu kinh đô Huế/ Lỡ nhịp đàn Nam Giao”, lời thơ trong bài hát Bên sông An Cựu của Vũ Ngọc Minh như nhắc nhớ về vẻ đẹp bình dị, trong trẻo mà khi xưa cuốn hút bao nhiêu lần vua chúa nhà Nguyễn dong thuyền ngắm cảnh, ngao du. Trời đã vào đông, hơi se lạnh từ bờ sông thổi vào vẫn có nét lạnh khô đó. Chẳng thể biết bao nhiêu năm nữa dòng An Cựu lại quay về bên dáng vẻ kiêu sa, mộng mị. Hay chỉ đơn giản là trở về với câu chuyện dòng sông sạch bong, mát lành như trong ký ức của những người dân Huế như bà Vân, ông Sơn.

Sông An Cựu có tổng chiều dài khoảng 30km, đi qua hơn 20 ngôi làng. Đây vốn là dòng chảy tự nhiên nhưng do thay đổi về địa lý, thủy văn đã làm sông An Cựu xưa bị bồi lấp. Dòng sông ngày nay được đào lại từ thời nhà Nguyễn. Hiện nay, có sáu chiếc cầu bắc qua dòng An Cựu trong khu vực nội đô gồm cầu An Cựu, Nam Giao, Bến Ngự, Ga, Kho Rèn và Phủ Cam.