Khi trẻ em là đối tượng bị lợi dụng
Theo tờ The New York Times, trong đơn khiếu nại được gửi tới FTC ngày 9-4, liên minh trên cho rằng dù Google, công ty mẹ của YouTube đã khẳng định YouTube chỉ dành cho những người từ 13 tuổi trở lên nhưng công ty này vẫn thiết lập nhiều chương trình trên YouTube nhắm đến trẻ em dưới độ tuổi đó, đồng thời cho phép đăng các quảng cáo hướng đến nhóm đối tượng này.
Đơn khiếu nại chỉ ra một số kênh nổi tiếng trên Youtube nhắm vào trẻ em như ChuChuTV, Nursery Rhymes & Kids Songs với 15,9 triệu người đăng ký và hơn 10 tỷ lượt xem mỗi năm. Điểm mấu chốt của khiếu nại chính là khi trẻ em dưới 13 tuổi xem các video trên YouTube, công ty đã thu thập những thông tin cá nhân như vị trí, thiết bị đang sử dụng, sau đó sử dụng cho mục đích quảng cáo. Điều này hoàn toàn trái ngược các điều khoản dịch vụ của công ty.
Theo các điều khoản của YouTube, người xem truy cập trang chính của YouTube cần bảo đảm rằng họ trên 13 tuổi, trong đó bao gồm việc đồng ý với những điều khoản về riêng tư của Google, bản tóm tắt về cách công ty này thu thập thông tin ở các cá nhân, sau đó phù hợp hóa những quảng cáo và dịch vụ dành cho người xem. Nghĩa là, chỉ bằng việc xem video trên kênh YouTube từ trình duyệt trên máy tính, máy tính bảng hoặc ứng dụng điện thoại, người xem đã cho phép Google truy cập dữ liệu liên quan thiết bị, vị trí, thói quen duyệt web, số điện thoại và một số thông tin khác.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, khoảng 80% trẻ em Mỹ ở độ tuổi 6-12 thường xuyên truy cập YouTube. Khi các em sử dụng trang web chia sẻ video này, nhiều thông tin bao gồm địa điểm và thiết bị truy cập cùng số điện thoại của các em đã bị YouTube thu thập. Đồng thời, các em cũng bị nhiều website và dịch vụ khác theo dõi khi chưa có sự cho phép của các bậc phụ huynh như yêu cầu của Luật Bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em”, bà Elizabeth Galicia, tổ chức phi lợi nhuận Common Sense, cho biết.
Cũng theo đơn khiếu nại trên, YouTube đang nắm giữ hàng chục triệu thông tin cá nhân của 23 triệu trẻ em mà không rõ mục đích sử dụng. Theo đó, YouTube đã vi phạm Quy tắc bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em (COPPA) bởi họ không nhận được bất cứ sự chấp thuận nào từ các bậc phụ huynh.
“Google đã liên tục tăng cường dịch vụ hướng đến trẻ em ở Mỹ và trên toàn thế giới mà phớt lờ luật lệ và trách nhiệm của họ. Họ đang sống trong một thế giới trực tuyến và những hành động của họ không cho thấy họ đang phục vụ lợi ích của trẻ nhỏ”, Jeffrey Chester, Giám đốc điều hành của Trung tâm Dân chủ Số hóa Mỹ (một trong những tổ chức dẫn đầu Liên minh bảo vệ người tiêu dùng) nói.
Trước những thông tin nêu trên, YouTube cho biết họ chưa nhận được đơn khiếu nại nhưng cũng khẳng định, việc bảo vệ trẻ em và gia đình đã và sẽ luôn là sự ưu tiên hàng đầu của công ty. “Chúng tôi sẽ tìm hiểu kỹ khiếu nại, tìm ra những thiếu sót để cải thiện tình hình. Thực tế, YouTube không dành cho trẻ em nên chúng tôi đã đầu tư đáng kể vào việc tạo ra ứng dụng YouTube Kids nhằm cung cấp một giải pháp được thiết kế đặc biệt dành riêng cho trẻ em”, phát ngôn viên của YouTube tuyên bố.
Cần siết chặt các quy định kiểm soát
Đây không phải là lần đầu YouTube khiến người tiêu dùng bức xúc vì các vấn đề liên quan trẻ em. Cách đây chưa lâu, người dùng phát hiện trên ứng dụng YouTube Kids xuất hiện rất nhiều video chứa thông tin sai lệch, xuyên tạc gây ảnh hưởng trẻ em. Thí dụ như Chuột Mickey nằm trong một hồ máu, phiên bản đất sét của Spider Man có hành vi khiếm nhã với Elsa, nàng công chúa của Disney trong phim hoạt hình nổi tiếng “Frozen”. Không những thế, ở một số video trẻ em thực hiện các hoạt động bình thường như tập thể dục, cũng xuất hiện những nhận xét mang tính bạo lực hoặc liên quan tình dục từ một số người xem. Tồi tệ hơn, thảm họa xả súng tại văn phòng trụ sở của YouTube mới đây cũng bắt nguồn từ chính sách quảng cáo và kiểm duyệt của nền tảng.
Vụ bê bối thu thập dữ liệu trẻ em của YouTube xảy ra trong bối cảnh Facebook đang là tâm điểm của vụ rò rỉ thông tin cá nhân nghiêm trọng, trong đó công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica được cho là đã khai thác trái phép thông tin cá nhân hàng triệu người dùng trên mạng xã hội lớn nhất toàn cầu này. Nhiều thông tin cho thấy, ít nhất 87 triệu người dùng Facebook bị Cambridge Analytica thu thập dữ liệu bất hợp pháp. Trong số đó, 10 quốc gia có số tài khoản Facebook bị thu thập dữ liệu nhiều nhất là Mỹ, Philippines, Indonesia, Anh, Mexico, Canada, Ấn Độ, Brazil, Việt Nam và Australia. Việt Nam có 427.446 tài khoản người dùng bị thu thập dữ liệu. Ngay cả ông chủ của Facebook Mark Zuckerberg cũng phải thừa nhận, bản thân ông cũng nằm trong số 87 triệu người dùng Facebook bị thu thập dữ liệu bất hợp pháp.
Để khắc phục hậu quả vụ rò rỉ dữ liệu người dùng nêu trên, theo Mark Zuckerberg, Facebook sẽ phải mất tới “vài năm”. Do vậy, Facebook sẽ có các bước đi trong thời gian tới để giúp người dùng kiểm soát chế độ riêng tư tốt hơn. Những cập nhật trên gồm cải thiện việc tiếp cận chức năng người dùng trên Facebook, đưa ra các công cụ giúp việc tìm kiếm, tải xuống và xóa bỏ dữ liệu cá nhân lưu trữ trên Facebook trở nên dễ dàng hơn. Trong khi đó, một mục lục phím tắt mới về chế độ riêng tư sẽ cho phép người dùng nhanh chóng tăng cường an ninh tài khoản, quản lý việc truy cập thông tin cá nhân và hoạt động trên mạng xã hội, cũng như kiểm soát quảng cáo…
Mặc dù cả Facebook, YouTube hứa sẽ sớm làm rõ và khắc phục hậu quả sau vụ rò rỉ thông tin, song thiệt hại lớn nhất hiện nay của cả hai công ty này có lẽ là uy tín. Một câu hỏi lớn đặt ra, YouTube và Facebook sẽ phải xử lý vụ việc như thế nào để có thể giảm đáng kể thiệt hại, mà quan trọng hơn là khôi phục niềm tin của người sử dụng với các chính sách bảo mật và dữ liệu cá nhân được quản lý chặt chẽ hơn.