Leo thang trừng phạt giữa Nga và EU

Bộ Ngoại giao Nga thông báo đưa thêm nhiều quan chức Liên minh châu Âu (EU) vào danh sách cấm nhập cảnh để đáp trả các lệnh trừng phạt mới của EU nhằm vào Moscow. Các động thái trả đũa lẫn nhau khiến căng thẳng giữa “xứ sở bạch dương” và liên minh 27 nước ngày càng leo thang.
0:00 / 0:00
0:00
Thép và nhiều hàng hóa khác của Nga bị cấm nhập khẩu vào EU. Ảnh: RADAR
Thép và nhiều hàng hóa khác của Nga bị cấm nhập khẩu vào EU. Ảnh: RADAR

Moscow mở rộng danh sách trừng phạt

Danh sách các quan chức phương Tây bị cấm nhập cảnh vào Nga tiếp tục nối dài sau khi Nga bổ sung 25 công dân Mỹ vào danh sách cấm nhập cảnh vô thời hạn hồi tháng 9. Đến nay, tổng cộng 1.073 người Mỹ, trong đó có Tổng thống Joe Biden, đã bị đưa vào danh sách trừng phạt của Nga, bao gồm cả lệnh cấm nhập cảnh.

Trước khi bổ sung nhiều quan chức EU vào danh sách cấm nhập cảnh từ ngày 25/10, Nga đã đưa vào “danh sách đen” những người đứng đầu một số công ty quân sự tư nhân châu Âu, một số thành viên của các công ty cung cấp dịch vụ an ninh, các nghị sĩ EU và các quan chức khác “chịu trách nhiệm cá nhân trong việc thúc đẩy các chính sách chống Nga”. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh áp dụng các biện pháp trả đũa kinh tế đặc biệt liên quan các hành động mà Moscow coi là “thiếu thân thiện” của một số quốc gia nước ngoài và tổ chức quốc tế. Gần đây, Nga cũng thông báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với TikTok, Telegram, Zoom, Discord và Pinterest... nhằm đáp trả việc các công ty công nghệ này không xóa những nội dung bị Moscow coi là bất hợp pháp.

Đồng thời, Điện Kremlin tuyên bố không hợp tác với những nước áp giá trần với dầu mỏ Nga. Đầu tháng 9 vừa qua, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga, trong đó dầu thô bị áp giá trần từ ngày 5/12/2022, còn các sản phẩm dầu mỏ bị áp giá trần từ ngày 5/2/2023. Việc áp giá trần sẽ được triển khai cùng các biện pháp liên quan trong gói trừng phạt của EU đối với Nga nhằm hạn chế nguồn tài chính của Moscow. Thứ trưởng Năng lượng Nga Pavel Sorokin khẳng định điều này sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ thị trường dầu mỏ.

EU đáp trả

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã “đóng băng” gần 300 tỷ USD trong tổng số 640 tỷ USD dự trữ vàng và ngoại hối của Nga. Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina cũng xác nhận, tài sản của Nga đã bị phong tỏa và về mặt pháp lý, số tài sản bị “đóng băng” trên vẫn thuộc về Nga hoặc các công dân nước này. Tuy nhiên, ngày 25/10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết mục tiêu của EU không phải là “đóng băng” mà là tịch thu tài sản của Nga ở châu Âu.

Hồi đầu tháng này, EU đã áp đặt gói trừng phạt mới nhất đối với Nga, mở rộng các lệnh cấm đối với thương mại và các cá nhân của nước này. Đây là gói biện pháp trừng phạt thứ tám mà EU áp đặt đối với Nga liên quan cuộc xung đột tại Ukraine. Cụ thể, các biện pháp trừng phạt này gồm cấm nhập khẩu sản phẩm thép, gỗ, giấy và các hàng hóa khác từ Nga, cũng như cấm cung cấp một loạt dịch vụ như công nghệ thông tin, kỹ thuật và pháp lý cho các công ty Nga. EU cũng cấm nhập khẩu sản phẩm chế tạo máy, kỹ thuật gia dụng, sản phẩm hóa học, nhựa và thuốc lá từ Nga.

Tuy nhiên, nội bộ các nước thành viên EU vẫn chia rẽ về các biện pháp trừng phạt Nga. Hungary tuyên bố sẽ phủ quyết bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào của EU nhằm vào Nga có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cấp khí đốt cho các công ty Hungary. Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary Gergely Gulyas giải thích rằng, nước này không ủng hộ các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga, vì chúng không góp phần giải quyết tình hình ở Ukraine.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, EU đã tiến hành các biện pháp trừng phạt mạnh đối với Nga, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng, khiến giá điện, khí đốt… tại châu Âu tăng cao. Bất chấp cuộc khủng hoảng năng lượng, châu Âu vẫn tiếp tục thảo luận về các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, bao gồm cả việc áp dụng giới hạn giá dầu và khí đốt.