Theo AFP, EU đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 14 cá nhân và năm nhóm khủng bố, gồm phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh vào lãnh thổ của khối này. Trong khi đó, các cá nhân và tổ chức EU cũng không được cung cấp vốn, tài sản, tài chính hoặc nguồn lực kinh tế cho các cá nhân và tổ chức trong danh sách trừng phạt.
Ngày 23/10, EU đã thông qua quyết định gia hạn các biện pháp hạn chế hiện nay đối với IS và Al-Qaeda cũng như các cá nhân, nhóm, tổ chức và thực thể liên quan thêm một năm, đến ngày 31/10/2024. Các biện pháp hạn chế này bổ sung cho gói trừng phạt do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt đối với IS và Al-Qaeda.
EU công bố gia hạn trừng phạt các tổ chức khủng bố toàn cầu trong bối cảnh khối này đứng trước nguy cơ bị đe dọa an ninh những tuần gần đây. Ngày 23/10, một số tòa nhà ở thành phố Mainz của Đức đã phải sơ tán sau khi cảnh sát nhận được tin báo đe dọa đánh bom trụ sở đài truyền hình ZDF. Cùng ngày, ít nhất 11 trường học tại nhiều bang cũng bị đe dọa đánh bom. Trước đó, cảnh sát Đức cho biết, hai đối tượng đã ném bom xăng vào một giáo đường Do thái tại Thủ đô Berlin. Tại Italy, một trường học dành cho người Do thái ở Thủ đô Rome cũng phải sơ tán do bị đe dọa đánh bom.
Pháp trong tuần qua cũng chứng kiến làn sóng báo động bom giả nhằm vào mạng lưới giao thông, trường học và trung tâm văn hóa. Chỉ trong chưa đầy một tuần, các sân bay ở Pháp đã nhận được 70 cảnh báo bom giả, hầu hết được gửi từ cùng một địa chỉ thư điện tử đăng ký tại Thụy Sĩ. Ngày 20/10, Cung điện Versailles, một trong những địa điểm du lịch chính của Pháp, đã phải sơ tán lần thứ bảy trong vòng tám ngày do cảnh báo có bom. Các sân bay và bảo tàng Louvre ở Paris cũng là các mục tiêu bị đe dọa. Pháp đã siết chặt an ninh hàng không và đường sắt sau làn sóng báo động bom giả gần đây. Bộ trưởng Giao thông Pháp Clement Beaune cho biết, Pháp sẽ tăng 40% số nhân viên an ninh tại các sân bay ở Paris và 20% số nhân viên công ty đường sắt quốc gia SNCF để phối hợp cảnh sát tuần tra tại các nhà ga tàu hỏa.
Để đối phó nguy cơ mất an ninh và làn sóng di cư bất hợp pháp, gần đây, một số nước EU thuộc khu vực Schengen đã tăng cường kiểm soát biên giới. Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic tuyên bố tái áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới với Slovenia, ngay sau khi Chính phủ Slovenia quyết định triển khai kiểm soát biên giới với Croatia và Hungary từ ngày 21-30/10. Trước đó, Italy đã tạm thời đình chỉ các quy tắc Schengen của EU về đi lại mở, kích hoạt lại các biện pháp kiểm soát biên giới với Slovenia. Chính phủ Italy cho biết, bắt đầu kiểm soát biên giới giữa nước này và Slovenia bắt đầu từ ngày 21/10 và kéo dài trong ít nhất 10 ngày. Đức cũng công bố các biện pháp kiểm soát tạm thời tại biên giới nước này với Ba Lan, CH Czech và Thụy Sĩ. Các biện pháp hạn chế biên giới được đưa ra trong bối cảnh xung đột đang diễn ra giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel đã làm gia tăng căng thẳng xã hội ở nhiều nước châu Âu như Pháp và Đức, những nước có cộng đồng Do thái và Hồi giáo lớn nhất EU.
Để đối phó làn sóng nhập cư trái phép sau các bất ổn về an ninh, các Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Tư pháp của EU đã kêu gọi chính phủ các nước thành viên cần có những chính sách cứng rắn hơn. Theo đó, cần áp dụng biện pháp trục xuất kiên quyết và nhanh chóng hơn đối với những người nhập cư trái phép và xin tị nạn được coi là mối đe dọa về an ninh. Ủy viên phụ trách nội vụ của EU, bà Ylva Johansson nhấn mạnh, nếu thực hiện được những biện pháp như vậy thì sẽ “khóa” được những “lỗ hổng” về vấn đề nhập cư và mất an ninh ở châu Âu.