Theo trang mạng Culture.ru, làng Filimonovo được đặt theo tên của nghệ nhân gốm Filimon, người đầu tiên phát hiện ra những mỏ đất sét dẻo trong vùng, từ đó có thể chế tác đồ gia dụng, đồ gốm, gạch, ống khói… Để không lãng phí những vụn đất sét còn sót lại sau mỗi giờ làm việc, các nghệ nhân làm gốm đã khéo léo nặn ra những chiếc còi nhỏ, tạo hình ngộ nghĩnh và tô mầu sặc sỡ. Từ đó, đồ chơi Filimonovo xuất hiện và dần trở nên nổi tiếng.
Lúc đầu, những tạo hình ngộ nghĩnh được tặng cho trẻ em trong làng, nhưng sau đó chúng bắt đầu được bán tại các hội chợ. Theo truyền thống, chỉ có phụ nữ làm công việc nặn những chiếc còi đồ chơi như vậy. Các bé gái khi mới lên 7 tuổi sẽ được bà nội truyền lại bí quyết để tạo ra một món đồ chơi đẹp. Tất cả số tiền thu được từ việc bán còi được giữ làm của hồi môn khi đến tuổi lấy chồng.
Đến giữa thế kỷ 14, đồ chơi Filimonovo không chỉ phổ biến ở Tula mà còn được yêu thích ở các vùng khác. Tuy nhiên, sau đó, nghề thủ công bắt đầu mai một và chỉ còn lại một số ít phụ nữ trong làng tiếp tục theo nghề. Những chiếc còi đồ chơi Filimonovo được nặn hình người là những nhân vật trong các tác phẩm nổi tiếng, hoặc hình các con vật như gấu, ngựa, bò, hươu… Đồ chơi Filimonovo được làm từ đất sét mềm, có mầu xanh lam đậm đặc trưng. Các bức tượng thành phẩm được nung trong một lò nung đặc biệt. Sau khi nung, đất sét đổi mầu thành trắng hồng.
Đồ chơi Filimonovo chỉ sử dụng ba mầu đặc trưng, đó là vàng, đỏ thẫm và xanh lá cây, với những ý nghĩa khác nhau trong quan niệm của người xưa. Mầu vàng tượng trưng cho không khí và Mặt trời, mầu đỏ thể hiện sự ấm áp và vẻ đẹp, còn mầu xanh lá cây tượng trưng cho mùa xuân và cuộc sống. Sơn được quét bằng lông gà theo một trình tự nghiêm ngặt, đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ và kiên nhẫn.
Vào những năm 60 của thế kỷ trước, những nữ nghệ nhân còn sót lại của làng đã truyền lại nghề thủ công của họ cho một số nhà sử học và nhà sưu tập nghệ thuật, rồi sau đó họ dạy lại cho các nghệ nhân trẻ tuổi. Đến những năm 80, nghệ thuật làm đồ chơi của Filimonovo đã được hồi sinh.
Ngày nay, những chiếc còi ở làng Filimonovo vẫn được nhào nặn bằng tay. Tuy nhiên, chúng không được nung trong lò củi như ngày xưa, mà được nung trong lò nung điện với nhiệt độ lên tới 950°C. Thuốc nhuộm anilin và axeton đã được thay thế bằng acrylic sáng, bền và không gây hại. Các nghệ nhân có tay nghề cao vẫn ưa thích sử dụng lông gà để vẽ theo cách cổ điển.
Năm 2009, bảo tàng đồ chơi Filimonovo đầu tiên và duy nhất ở Nga đã được khai trương ở thị trấn Odoev thuộc Tula, cách không xa ngôi làng Filimonovo. Bảo tàng không chỉ trưng bày các sản phẩm địa phương mà còn giới thiệu các mặt hàng thủ công dân gian khác, như đồ chơi Romanov, Sudzhan, Voronezh, Kozhlyansk, cũng như bản sao của các bức tượng nhỏ Hy Lạp bằng đất sét. Tại đây còn trưng bày các tài liệu về lịch sử của nghề thủ công, các lớp học trải nghiệm về tạo hình và sơn còi.
Từ năm 2013, lễ hội nghệ thuật làm gốm và đồ chơi đất sét “Truyện kể về cụ Filimon” đã được tổ chức hằng năm tại Odoev, nơi tụ hội của người thợ thủ công từ các vùng khác nhau trên khắp nước Nga đến để giao lưu, giới thiệu và học hỏi kinh nghiệm.