1/ Sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp, thấu hiểu những vất vả của người nông dân nên khi quyết định gắn bó với ruộng vườn, chàng thanh niên người dân tộc Tày, Lưu Lập Đức (thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) đã quyết tâm mày mò, tìm kiếm mô hình phát triển bền vững. Từ ý tưởng đó, Đức thành lập tổ hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản do mình làm chủ nhiệm. Thời gian đầu, chỉ có vài hộ đoàn viên thanh niên tham gia nhưng tổ liên kết vẫn đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm. Từ hiệu quả đạt được, sau một thời gian, đã có khoảng 20 hộ sản xuất xin tham gia tổ liên kết.
Với mục tiêu đưa nông sản ra các thị trường lớn hơn, năm 2019, Đức quyết định thành lập Công ty AGRI Đức Tiến. Đến nay, công ty đã trở thành đối tác chuyên cung cấp nông sản cho các chuỗi siêu thị lớn như Bách Hóa Xanh, Big C, CoopMart…, với sản lượng hơn 20 tấn nông sản/ngày. Trung bình, doanh thu của công ty đạt 15 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 2,5 tỷ đồng/năm, tạo thu nhập ổn định cho các hộ liên kết sản xuất với thu nhập 10 triệu đồng/sào/tháng.
“Nếu làm đúng cách, mỗi thửa đất sẽ mang lại nguồn lợi nhuận lớn để thay đổi cuộc sống của bà con. Vì vậy, điều tôi luôn hướng đến đó chính là sự thay đổi của người dân trong việc sản xuất nông nghiệp”, chàng thanh niên 28 tuổi Lưu Lập Đức tâm niệm.
2/ Sinh ra từ làng, mang theo những trăn trở làm giàu trên mảnh đất quê hương, nhiều người trẻ đã xây dựng được các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả không chỉ giúp bản thân, gia đình mà còn giúp bà con chung quanh thoát nghèo bền vững. Câu chuyện về một trong số 56 thanh niên nông thôn tiêu biểu được T.Ư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tôn vinh trong lễ trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XV (ngày 11-12-2020) vừa qua mang đến nhiều tín hiệu vui cho nền nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là xu hướng ứng dụng khoa học - công nghệ hướng tới chuyển đổi số.
Năm nay, 56 gương thanh niên được trao Giải thưởng Lương Định Của đều đạt doanh thu hơn một tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, có bảy mô hình đạt doanh thu từ 5 - 10 tỷ đồng/ năm; 5 mô hình đạt doanh thu hơn 10 tỷ đồng/năm; tạo việc làm cho nhiều lao động là thanh niên, đặc biệt là thanh niên yếu thế, người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, các mô hình, sản phẩm còn có tính sáng tạo, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, được thị trường trong nước và quốc tế đón nhận.
Về lĩnh vực sản xuất, có sáu thanh niên nghiên cứu khoa học với các sáng kiến tạo ra các sản phẩm thiết thực, được bà con ứng dụng phục vụ hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; 40 thanh niên là chủ các công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến; chủ các HTX, tổ hợp tác, trang trại tổng hợp, trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao…
“Các bạn trẻ đã xung kích đi đầu, áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp, cho hiệu quả và năng suất cao, đem lại những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và đặc biệt nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao… Mỗi bạn thanh niên đều là một tấm gương sáng về tinh thần cần cù, sáng tạo, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương”, ông Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đoàn cho biết.
Giải thưởng Lương Định Của là phần thưởng cao quý của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng hằng năm cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới. Qua 15 năm, đã có 1.961 “nhà nông trẻ xuất sắc” được nhận giải thưởng. Các đại biểu nhận giải thưởng đều là những tấm gương giàu ý chí, nghị lực, khát vọng vượt khó, không cam chịu đói nghèo, quyết tâm vươn lên lập thân, lập nghiệp. Đặc biệt, năm nay, 10 cá nhân tiêu biểu cũng vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, với những thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.