Lan tỏa rộng rãi văn hóa đọc

Nhiều hoạt động đang diễn ra hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4, Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4. Đáng chú ý, với những chủ đề đa dạng, có nhiều hoạt động ở nhiều quy mô, từ cấp quốc gia do ngành văn hóa tổ chức, đến các tổ chức, đơn vị trong lĩnh vực xuất bản, thư viện, đến các hội, nhóm và cả các cá nhân trong xã hội có quan tâm đến sách, đến việc thúc đẩy văn hóa đọc.
0:00 / 0:00
0:00

Thực tế đó cho thấy bức tranh phong phú, đa màu sắc của phong trào lan tỏa văn hóa đọc thời gian qua. Cùng với các hoạt động nhà nước, là các phương thức xã hội hóa rộng rãi, tự nguyện, nhiệt thành. Cũng qua đó, có thể nhận ra những cách làm phong phú khi có nơi tận dụng các trang mạng để vận động quyên góp, tặng sách, truyền thông để nhiều người biết đến và hưởng ứng; có nơi tổ chức các chuyến đưa sách lên tặng nhà trường, học sinh vùng sâu, vùng xa; có những nhóm hoặc cá nhân duy trì mô hình thư viện nhỏ, phòng đọc tại nhà; hoặc các địa bàn dân cư đã mở những phòng đọc cộng đồng… Và cũng khá đa dạng hình thức huy động sách với việc mua theo giá hỗ trợ; xin sách mới lẫn sách cũ từ các đơn vị xuất bản, các cá nhân; vận động trong tổ chức, hội, nhóm để đóng góp bằng sách hoặc tiền mua sách.

Cả việc khai thác thế mạnh của công nghệ mạng, hiệu quả truyền thông, lẫn sự bền bỉ theo cách thức truyền thống đều đáng quý, đều mang lại những hiệu ứng tích cực, gieo mầm yêu sách, thói quen đọc sách cho bạn đọc nói chung, trong đó có những mầm non của đất nước. Và nét văn hóa rất đáng quý, đáng trọng khi nhắc đến và triển khai các hoạt động trên, đó là sự tính toán, giá trị lời lãi trong việc kinh doanh sách dường như được giảm đến mức thấp nhất, mà bao trùm là niềm vui được chia sẻ và đón nhận sách, niềm tin và hy vọng về những cuốn sách sẽ được đọc, được sử dụng hiệu quả.

Chính ở đây, bên cạnh việc tiếp tục lan tỏa những mô hình hay, cách làm mới, cần thường xuyên có các công tác theo dõi, đánh giá việc đưa sách vào cộng đồng, hiệu quả đọc, sử dụng sách ở các địa phương, đơn vị được đón nhận sách. Cũng như, cần nhìn nhận sát thực hơn về việc phát huy công năng của hệ thống thư viện công; hiệu quả của các thư viện, phòng đọc tư; hay các hoạt động tặng sách xã hội hóa. Như vậy sẽ phân tích, nhận ra được đầy đủ, rõ nét hơn về thực trạng đọc sách, trang bị sách của người dân nói chung, của các thành phần dân cư hay của đồng bào, học sinh hay người lao động…

Trách nhiệm này, nên thuộc về ngành xuất bản, ngành văn hóa, truyền thông trong sự phối hợp với các địa phương, xã hội để triển khai việc khảo sát, đánh giá, tổng kết phong trào phát triển văn hóa đọc. Và từ đó, sẽ giúp ích cho việc tiếp tục xây dựng, triển khai các chính sách về xuất bản, phát hành, củng cố văn hóa đọc, khơi dậy tiềm năng trong nhân dân nhằm thúc đẩy một nét đẹp đọc sách, quý trọng sách trong toàn xã hội.