Lãi suất giảm 3%, tín dụng vẫn tăng chậm
Tính đến hết tháng 6/2023, lãi suất huy động bình quân giảm từ 0,7-0,8%; lãi suất cho vay bình quân đã giảm từ 1-1,2%. Cùng với đó, các ngân hàng thương mại đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình/gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5-3%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới.
Thế nhưng, tăng trưởng tín dụng cuối tháng 6/2023 mới chỉ đạt 4,73%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng gấp hai lần (hơn 8%). Thanh khoản các ngân hàng thương mại đang dư thừa là thông tin được lãnh đạo NHNN cho biết trong họp báo gần đây. Vậy vì sao có câu chuyện tín dụng tăng chậm hơn khi lãi suất giảm nhanh?
Dưới góc độ quản lý, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN lý giải: tình hình nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng thấp, như vậy cầu tín dụng cũng không thể tăng cao được.
Bên cạnh đó, sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khó khăn, tồn kho nhiều, nhiều doanh nghiệp khó có đơn hàng, lĩnh vực xuất khẩu cũng có những khó khăn nhất định. Thị trường bất động sản chưa sôi động lại, nhiều dự án chưa triển khai được, kể cả những dự án bất động sản thương mại và bất động sản nhà ở xã hội chưa được triển khai nhiều mặc dù NHNN tạo điều kiện về tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, sẵn sàng đẩy mạnh cho vay những lĩnh vực tỷ lệ rủi ro thấp.
Ngoài ra, những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang khó tiếp cận tín dụng do chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn.
Thực trạng này cũng được ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực-thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) chia sẻ: Vừa qua, ngân hàng thương mại có giảm lãi vay là một bước hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng hiện nay quy mô sản xuất và hoạt động của các doanh nghiệp có xu hướng giảm nên nhu cầu vay vốn giảm.
“Trải qua một giai đoạn doanh nghiệp trụ không nổi nữa thì nhu cầu vốn cũng giảm đi. Điều này nghe có vẻ nghịch lý nhưng rất thực tế”, ông Hiến nói.
Tại Tọa đàm “Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh mới” tổ chức tuần qua, các chuyên gia cho rằng, lãi suất cao hay điều kiện tiếp cận tín dụng khó khăn cũng là một khía cạnh, nhưng cốt lõi hiện nay là giải quyết vấn đề cầu của nền kinh tế. Cầu ở đây bao gồm: cầu sản xuất, cầu tiêu dùng. Khi cầu được khích lệ, doanh nghiệp mới có nhu cầu vay vốn.
Ngân hàng và doanh nghiệp có mối quan hệ “cộng sinh”
Tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2023, được tổ chức ngày 15/7, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, mạch máu có lưu thông tốt hay không chính là do hiệu quả hoạt động của ngành ngân hàng và vai trò điều tiết của NHNN. Do đó, điều tiết phải nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.
Mặt khác, ngân hàng và doanh nghiệp có mối quan hệ “cộng sinh”, “nhân quả”, nên phải đặt mình vào địa vị của người khác để lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn. Nguồn vốn là vấn đề “sống còn” của doanh nghiệp, cho vay là hoạt động “sống còn” của ngân hàng, trong khi khách hàng chủ yếu của ngân hàng là doanh nghiệp. Đây là mối quan hệ “cộng sinh” cùng có lợi, nên cần phải được thực hiện theo cơ chế thị trường trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Doanh nghiệp, người dân là hệ sinh thái không thể thiếu được của ngân hàng, “trong anh có tôi, trong tôi có anh, tuy hai mà một, tuy một mà hai”, Thủ tướng nói.
Giao nhiệm vụ cho ngành ngân hàng trong sáu tháng cuối năm 2023 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay. Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đồng thời, rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất và 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.
Đối với các tổ chức tín dụng, cần triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí, cắt giảm các loại phí để giảm lãi suất cho vay; rà soát, điều chỉnh điều kiện, tiêu chí cho vay…
Hầu hết các chuyên gia cho rằng, giảm lãi suất là điều kiện cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, dồn dập hạ lãi suất chưa chắc kích thích được đầu tư ngay lập tức, do độ trễ chính sách rất lớn trong khi tình hình kinh tế lại biến động rất nhanh. Do đó, chính sách tiền tệ cần phải phối hợp với chính sách tài khóa để phát huy hiệu quả.
Trao đổi ý kiến với PV, chuyên gia kinh tế, GS, TS Tô Trung Thành nhận xét: Trong sáu tháng qua, NHNN đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế, rõ nét nhất là mức lãi suất đã có xu hướng giảm, mặt bằng lãi suất sáu tháng đầu năm đã giảm so với trước đây. Nhìn về tổng cầu, mặc dù lãi suất giảm nhưng sản xuất vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
“Điều này phản ánh mức độ hấp thụ của các doanh nghiệp còn yếu, cho nên việc giảm lãi suất cũng không phải là yếu tố then chốt để hỗ trợ tổng cầu, vì doanh nghiệp hiện vẫn đang gặp khó khăn cả về đầu vào và đầu ra. Như vậy, trong thời gian tới, bên cạnh chính sách tiền tệ thì vẫn cần phải tập trung nhiều hơn vào chính sách tài khóa”, GS, TS Tô Trung Thành khẳng định.
Theo ông Thành, rủi ro lớn nhất nếu quá dựa vào chính sách tiền tệ trong bối cảnh tổng cầu đang suy giảm thì có thể ảnh hưởng đến hệ thống tài chính tiền tệ, tức là làm cho chất lượng tài sản của hệ thống tài chính tiền tệ kém đi, đồng thời có thể lan truyền đến khu vực thực, như gây ra rủi ro về lạm phát.
Đây là hệ quả nếu chúng ta chỉ tập trung chủ yếu vào chính sách tiền tệ trong tình huống tổng cầu gặp khó khăn, tức là doanh nghiệp không hấp thụ được.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, TS Johnathan Picus, Kinh tế trưởng Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) cũng cho rằng, Việt Nam đang dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu. “Dư địa chính sách tiền tệ còn rất ít so với chính sách tài khóa phản chu kỳ và Việt Nam đang chậm trễ trong chính sách tài khóa phản chu kỳ để xử lý các vấn đề hiện nay”, ông nói.