Kỳ vọng từ Luật Đất đai (sửa đổi)

Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV từ ngày 15 đến 18/1 đã diễn ra thành công, thu hút đông đảo mối quan tâm của người dân và dư luận, báo chí. Tại kỳ họp một số nội dung, dự thảo luật đã được đưa ra xem xét và quyết định, trong đó có dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
0:00 / 0:00
0:00

Trong những năm qua, các vấn đề liên quan đến đất đai như chuyển nhượng, kinh doanh, khai thác-sử dụng quỹ đất phục vụ các mục tiêu kinh tế, quốc phòng, dân sinh, sản xuất nông nghiệp, phòng hộ, phát triển văn hóa luôn được người dân quan tâm, thảo luận… Đông đảo người dân sinh sống tại nhiều địa phương, làm việc trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề đã nóng lòng chờ đợi những phân tích thấu đáo, quyết định sáng suốt của cơ quan đại diện tiếng nói nhân dân và cử tri cả nước về các vấn đề đất đai, giá cả, tài sản liên quan, cũng như việc cư trú, sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội.

Qua nhiều kỳ họp và trong hoạt động thường xuyên, Quốc hội đã dành nhiều thời gian trưng cầu rộng rãi và tiếp thu ý kiến toàn xã hội vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Điều đó cho thấy sự cẩn trọng, chu toàn, tinh thần dân chủ của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với những nguồn lực có can hệ mật thiết đến quyền lợi, nghĩa vụ, sự gắn bó và sử dụng trực tiếp, rộng rãi của toàn dân. Kết thúc kỳ họp, Luật Đất đai (sửa đổi) đã được thông qua ngày 18/1/2024, được đánh giá là có nhiều điểm đột phá và kỳ vọng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng.

Thực tế đời sống kinh tế-xã hội những năm qua cho thấy, một vấn đề xã hội lớn có tác động nhiều chiều đến đông đảo người lao động là việc sử dụng đất vào phát triển nhà ở xã hội, xây nhà cho người thu nhập thấp. Có thể thấy rằng, việc xây dựng hệ thống nhà ở với mục đích dân sinh, nhân văn này đã đề ra được hướng đi khả thi nhưng còn có những vướng mắc liên quan đến nguồn vốn, cơ chế phối hợp, quỹ đất từ các địa phương. Cũng như, một vấn đề khác là bồi thường về đất đai khi giải phóng mặt bằng phục vụ cho các công trình phát triển kinh tế-xã hội. Vẫn còn những trường hợp có sự vênh, lệch, chưa hài hòa quyền lợi giữa các bên liên quan như người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, ban, ngành. Hoặc vấn đề quan tâm và khai thác hiệu quả quỹ đất vào phát triển hệ thống thiết chế phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, vui chơi, giải trí ngày càng cao hơn, phổ biến hơn của quần chúng nhân dân, có khi vẫn còn chưa đồng đều, hoặc thậm chí còn lãng phí về quỹ đất. Câu chuyện quỹ đất nông thôn nhiều nơi ở trong tình trạng để không, bỏ hoang cũng dấy lên cảnh báo về việc khai thác, chuyển đổi mục đích sử dụng hiệu quả, tránh gây lãng phí tài nguyên... Và còn nhiều thực trạng “nóng” khác khi nhắc đến đất đai.

Đất nước càng phát triển, xã hội càng biến đổi đa dạng thì cũng nảy sinh nhiều câu hỏi cho việc khai thác, sử dụng các nguồn lực tự nhiên, tài nguyên sao cho hiệu quả, công bằng, nâng cao giá trị. Thời gian tới, mong các cơ quan chức năng xây dựng các văn bản hướng dẫn áp dụng luật, cũng như theo dõi, giám sát việc triển khai thật chặt chẽ, khoa học. Đông đảo người dân, cử tri tin tưởng, Luật Đất đai (sửa đổi) khi đi vào cuộc sống, sẽ phát huy mạnh mẽ nguồn lực đất đai, bảo đảm khoa học, nhân văn, hài hòa quyền và lợi ích, trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế-xã hội.