Kịp thời hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm giờ làm

Thời điểm cuối năm 2022, một số doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai hết đơn hàng, buộc phải cho người lao động nghỉ việc hoặc giảm giờ làm ngay trước dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Đang có nhiều giải pháp hỗ trợ để giúp người lao động vượt khó.
0:00 / 0:00
0:00
Người lao động mất việc đang cần sự hỗ trợ.
Người lao động mất việc đang cần sự hỗ trợ.

Doanh nghiệp khó khăn, cắt giảm nhân lực lao động

Mới đây, tại TP Hồ Chí Minh, gần 1.200 lao động của Công ty TNHH Tỷ Hùng, chuyên sản xuất giày da xuất khẩu (đóng tại phường An Lạc, quận Bình Tân, 100% vốn nước ngoài) sẽ phải thôi việc từ ngày 1/12/2022 do công ty không có đơn hàng, phải thu hẹp sản xuất. Hiện chưa có đơn hàng mới nên công ty chỉ có thể duy trì lượng nhân viên tối thiểu từ đầu năm 2023.

Nhận thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, chị Nguyễn Thị Kim Nhã đi xin việc nhiều nơi nhưng chưa được. Chị là công nhân may gần

20 năm, có tay nghề cao. Trở ngại lớn nhất là tuổi chị đã ngoài 40, trong khi nhiều doanh nghiệp chỉ tuyển người trẻ. “Vợ chồng tôi đang gánh khoản nợ xây nhà hơn 100 triệu đồng, để tiết kiệm và trả nợ dần, chúng tôi phải gửi con về quê nhờ cha mẹ chăm sóc. Chưa trả được bao nhiêu thì khó khăn lại chồng chất”, chị Nhã chia sẻ.

Công ty TNHH Việt Nam Samho (100% vốn Hàn Quốc, chuyên gia công giày thể thao xuất khẩu ở huyện Củ Chi) dự kiến cắt giảm gần 1.500 lao động do thiếu đơn hàng. Đại diện công ty cho biết, doanh nghiệp đang gia công giày xuất khẩu cho hai nhãn hàng giày thể thao lớn. Nhưng đầu tháng 10, một nhãn hàng không tiếp tục ký hợp đồng nữa, gần 3.000 lao động sẽ bị ảnh hưởng. Một số lao động được sắp xếp sang các xưởng khác, phần còn lại phải ngồi chờ.

Trưởng phòng Tổ chức nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân) Trần Thanh Sơn cho hay, lượng đơn đặt hàng công ty nhận được hiện tại đã giảm khoảng 30% so trung bình các năm trước. Ngoài ra, công ty còn phải đối mặt việc các khách hàng hiện nay đều đặt hàng với số lượng nhỏ lẻ và thời gian ngắn theo kiểu “giữ mối”. Nhiều đơn hàng đặt số lượng rất thấp, chỉ dưới 1.000 sản phẩm, thời gian đặt hàng cũng theo từng tháng thay vì đặt trước sáu tháng như trước đây. Điều này khiến cho doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn để lên kế hoạch sản xuất, nhập hàng, mua nguyên phụ liệu, may mẫu…

Theo Công đoàn cơ sở Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn hiện có 51 doanh nghiệp báo cáo giảm đơn hàng, ảnh hưởng đến gần 6.000 lao động. Trong khi đó, qua tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, thành phố hiện có 26 doanh nghiệp thông báo cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế, kéo theo hàng nghìn công nhân mất việc.

Tại tỉnh Đồng Nai, Công ty TNHH Hwaseung Vina (huyện Nhơn Trạch) cũng giảm đơn hàng từ mấy tháng qua, hiện đang thực hiện nốt các đơn hàng cho tháng 11, còn tháng 12 chưa có đơn hàng mới. Ông Nguyễn Đình Đức, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn công ty cho biết, doanh nghiệp có 15.000 lao động. Hiện, Công đoàn và ban lãnh đạo đang tìm cách khắc phục khó khăn theo hướng không sa thải công nhân, nhưng sẽ giãn giờ làm để duy trì lực lượng lao động cho năm tới.

Trong khi đó, theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 240.000 lao động bị giảm giờ làm, giảm thu nhập do các doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng vì tác động của tình hình thế giới, tập trung ở các ngành nghề như gỗ, dệt may, điện tử, da giày... Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, đến thời điểm hiện nay có khoảng 28.000 lao động bị thất nghiệp, nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp không có đơn hàng nên cắt giảm nhân công khi hết hợp đồng lao động. Số liệu từ Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương cũng cho thấy, lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn là hơn 70.000 người.

Cần chung tay, góp sức

Các ngành, các cấp đã triển khai những nội dung trợ giúp thiết thực. Với gần 1.200 công nhân của Công ty TNHH Tỷ Hùng, doanh nghiệp sẽ chi trả trợ cấp hai tháng lương cho những người phải nghỉ việc. Những lao động có thời gian làm việc từ năm 2008 trở về trước được chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định. Công ty cũng sẽ chi tiền lương tháng 11 và thưởng năm 2022 (mức thưởng một tháng lương). Liên đoàn Lao động quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ hỗ trợ mỗi người lao động 500.000 đồng; Công đoàn cơ sở công ty cũng sẽ hỗ trợ mỗi người suất quà trị giá 500.000 đồng. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Lâm cho biết, Sở đã chỉ đạo Trung tâm giải quyết việc làm tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp thiếu hụt lao động để có phương án kết nối giữa doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với những lao động vừa phải nghỉ việc nhằm nhanh chóng tạo việc làm phù hợp cho người lao động.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng năm giải pháp cụ thể. Theo đó, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hai ban quản lý khu và các đoàn thể hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn. Cùng với đó, Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố sẽ tổ chức các phiên, sàn giao dịch kết nối cung - cầu lao động… Cơ quan chức năng cũng sẽ giám sát tình hình trả lương, thưởng dịp Tết Nguyên đán và ổn định lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp. Ngoài ra, yêu cầu các doanh nghiệp sớm công bố kế hoạch trả lương, thưởng, các khoản hỗ trợ người lao động, thời gian nghỉ trong dịp Tết. Cuối cùng là tăng cường quản lý nhà nước về lao động, bảo đảm thực hiện tốt các chế độ, chính sách pháp luật đối với người lao động.

Theo thông tin của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, qua nắm bắt nhanh tại 285 doanh nghiệp có từ 200 lao động trở lên cho thấy, có 159/285 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, với số lượng tuyển là 8.232 người, tập trung ở ngành dệt may, cơ khí, giao hàng, chế biến thực phẩm. Dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động trong những tháng cuối năm là 43.000 lao động, tập trung nhiều ở lĩnh vực thương mại dịch vụ, sản xuất tiêu dùng phục vụ dịp lễ, Tết. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh Phạm Chí Tâm cho hay, có khoảng 143 doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng, nên có khoảng 26.000 lao động bị ảnh hưởng đến việc làm. Liên đoàn đã chỉ đạo các cấp công đoàn theo dõi, cập nhật liên tục tình hình việc làm của người lao động từ nay đến Tết Nguyên đán để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Còn tại tỉnh Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp bị giảm đơn hàng đang tính toán áp dụng phương án cho người lao động có nhiều ngày nghỉ hơn trong tuần, trong tháng để giãn việc, bảo đảm ai cũng có việc làm. Doanh nghiệp và các cấp công đoàn nỗ lực không cắt giảm lao động; giữ nguyên chế độ phúc lợi để giữ chân công nhân. Hiện, Liên đoàn Lao động tỉnh đang đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc hỗ trợ 30 tỷ đồng lo Tết Nguyên đán Quý Mão cho người lao động, tương ứng với 60.000 phần quà - 500.000 đồng/suất. Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đang xây dựng kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai Hồ Thanh Hồng cho biết, dù gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn giữ được lương, thưởng cho người lao động và có kế hoạch chăm lo cụ thể. Đồng thời, các công đoàn cơ sở thương lượng cố gắng giữ chân lực lượng lao động có tay nghề để khi có đơn hàng trở lại, không bị thiếu hụt lao động.

Tương tự, tại tỉnh Bình Dương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Kim Loan cho biết, sẽ trích

40 tỷ đồng và đề nghị UBND tỉnh trích quỹ 25 tỷ đồng; cùng với đó vận động các cấp, ngành chăm lo cho người lao động dịp cuối năm... Song song đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương đang đẩy mạnh việc giải quyết các thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động. Các đơn vị thuộc sở cũng đang thực hiện nhiều biện pháp để kết nối người lao động với những doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng. Bên cạnh đó tư vấn và hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động.