Kinh tế Việt Nam phục hồi và tăng trưởng ấn tượng

Trong năm 2022, Việt Nam có sự phục hồi và tăng trưởng ấn tượng, đi ngược lại xu hướng đình trệ diễn ra tại nhiều nước trên thế giới. Tỷ lệ lạm phát dự kiến cho cả năm nay cũng thấp hơn con số mục tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, do những bất ổn vĩ mô trên toàn cầu cùng một số bất cập hiện nay trong thị trường bất động sản, trái phiếu… Ngân hàng Phát triển châu Á đã có một số điều chỉnh giảm nhẹ với tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Lượng khách du lịch quốc tế tăng dần từ đầu năm 2022. Ảnh: NGUYỆT ANH
Lượng khách du lịch quốc tế tăng dần từ đầu năm 2022. Ảnh: NGUYỆT ANH

Trong thông tin cập nhật hằng quý vừa ban hành vào tháng 12/2022, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố Bản bổ sung Triển vọng phát triển châu Á 2022 với các dự báo tăng trưởng được điều chỉnh cho Việt Nam. Đối với năm 2022, ADB đã điều chỉnh dự đoán triển vọng tăng trưởng của Việt Nam lên 7,5% khi năm nay sắp kết thúc. Tuy nhiên, đối với năm 2023, ADB đã cắt giảm dự báo tăng trưởng xuống còn 6,3%. Con số này giảm so với ước tính tháng 9, khi ADB cho rằng, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng gần 6,7% trong năm tới. Điều này vẫn khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á vào năm 2023.

Dự báo GDP cho cả năm 2022 của Việt Nam được ADB điều chỉnh tăng do một số yếu tố liên quan chi tiêu tiêu dùng, du lịch đang dần phục hồi và xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Theo báo cáo của ADB, cải thiện khả năng di chuyển là “chìa khóa” cho sự phục hồi kinh tế của Việt Nam. Khi những hạn chế cuối cùng về Covid-19 ở Việt Nam được dỡ bỏ vào đầu năm, người dân đã khôi phục thói quen mua sắm. Năm 2022 ghi nhận mức chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ, với doanh số bán lẻ tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021 trong tháng 10.

Tăng trưởng tiêu dùng trong nước được thúc đẩy không chỉ nhờ chi tiêu của người dân. Sau khi các hạn chế biên giới được nới lỏng, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng đều đặn kể từ đầu năm. Từ chỗ hầu như không có khách quốc tế vào năm 2021, Việt Nam đã đạt 2,4 triệu lượt khách vào tháng 10/2022.

Về tăng trưởng xuất khẩu, trong chín tháng đầu năm 2022 xuất khẩu cao hơn 17,3% so với một năm trước đó, với tổng trị giá 282,52 tỷ USD. Nhưng một phần quan trọng trong số này do hiệu ứng cơ sở khi các doanh nghiệp phải giải quyết các công việc tồn đọng do thời điểm giãn cách xã hội vì Covid-19 vào cuối năm 2021.

Cũng đã có một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được bơm vào nền kinh tế Việt Nam trong năm nay. Tính đến tháng 11/2022, hơn 25 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đã được ghi nhận, đưa Việt Nam tiến tới một năm kỷ lục về FDI. Tuy nhiên, báo cáo của ADB lưu ý rằng, trong tương lai “niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao và lãi suất tăng”.

Cùng với việc nâng dự báo cho năm 2022, ADB cũng giảm triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam cho năm 2023 với những nhận định về các yếu tố tác động:

Thứ nhất là “thanh khoản còn lại eo hẹp để phục hồi kinh tế sau khi thắt chặt tiền tệ gần đây”. Việt Nam đã kiên trì không tăng lãi suất trong khoảng thời gian nền kinh tế chưa gặp phải nhiều vướng mắc trong tám tháng đầu năm 2022. Phải đến tháng 9, Ngân hàng Nhà nước mới thực hiện bước tăng lãi suất đầu tiên. Lần tăng lãi suất thứ hai đã được thực hiện ngay trong tháng 10.

Cần lưu ý rằng, dữ liệu trong báo cáo của ADB dựa trên thông tin công khai cho đến ngày 30/11. Nhưng ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ. Cụ thể, là sẽ nới rộng giới hạn về số tiền mà các ngân hàng có thể cho vay từ 1,5 đến 2%. Trên thực tế, điều này sẽ tạo điều kiện cho thêm 10 tỷ USD được đưa vào nền kinh tế.

Thứ hai là “Phát hành nợ doanh nghiệp giảm từ tháng 1 đến tháng 10”. Trong năm qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã trải qua nhiều thách thức. Một số công ty bất động sản sử dụng đòn bẩy quá mức đã làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu. Để khôi phục niềm tin và xây dựng một thị trường minh bạch, ổn định hơn, Nghị định 65 đã được ban hành nhằm thắt chặt các quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nhưng các nhà phát hành trái phiếu cần phải có thêm thời gian để thích nghi những quy định mới.

Trong quý I/2022, lượng trái phiếu trị giá 5,7 tỷ USD đã được chào bán ra công chúng. Trong quý III, con số đó giảm xuống còn 2,8 tỷ USD. Lượng trái phiếu bán ra giảm mạnh nhất được ghi nhận từ thời điểm Nghị định 65 có hiệu lực vào tháng 9 đến cuối tháng 11, với doanh số bán trái phiếu chỉ đạt 295 triệu USD. Trước tình trạng doanh số bán trái phiếu giảm mạnh, Bộ Tài chính đã đề xuất tạm dừng một năm thực hiện Nghị định 65.

Thứ ba là “Giải ngân vốn đầu tư công chậm lại”. Tính đến hết tháng 11/2022, giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam đạt 14 tỷ USD, chỉ đạt 58,33% kế hoạch giải ngân. Sự chậm trễ trong giải ngân thường là do vấn đề thu hồi đất cho các dự án, bố trí tái định cư và bồi thường cho chủ đất... Năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng viện dẫn chi phí nguyên vật liệu tăng cao đang đẩy giá thành dự án lên cao.

Cuối cùng là “Các dấu hiệu cho thấy nhu cầu toàn cầu đối với hàng xuất khẩu đang suy yếu”. Trong quý cuối cùng của năm, các đơn đặt hàng đối với hàng hóa sản xuất đã giảm Chỉ số Nhà quản trị mua hàng xuống dưới mốc quan trọng là 50. Vào tháng 11, chỉ số này đạt 47,4, giảm từ mức 50,6 của tháng 10, cho thấy lĩnh vực sản xuất của Việt Nam có thể đang bị thu hẹp. Điều này phần lớn là do các yếu tố kinh tế bên ngoài. Lạm phát tại các thị trường trọng điểm, bao gồm Mỹ và EU, đang cản trở chi tiêu của người tiêu dùng, từ đó dẫn đến giảm đơn đặt hàng từ Việt Nam.

Xét trên tất cả các khía cạnh thì báo cáo của ADB có cái nhìn tương đối tích cực với triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, nó làm nổi bật một số thách thức chính mà đất nước sẽ phải đối mặt và tập trung nguồn lực để giải quyết trong năm 2023.