Kiểm soát rủi ro từ AI

Trở thành ứng dụng phát triển mạnh nhất không lâu sau khi ra mắt, ChatGPT của công ty Mỹ OpenAI đã kích hoạt cuộc đua về trí tuệ nhân tạo (AI), không chỉ giữa các hãng công nghệ lớn mà cả các quốc gia. Tuy nhiên, tranh cãi và lo ngại về rủi ro từ AI cũng gia tăng, khiến mục tiêu quản lý trở nên cấp bách hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: CHRISTIAN MÖLLER
Biếm họa: CHRISTIAN MÖLLER

Trong động thái mới nhất, Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) kêu gọi phát triển và áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế đối với AI. Tại Hội nghị cấp cao ở Hiroshima (Nhật Bản) vừa qua, các nhà lãnh đạo G7 thừa nhận, tầm nhìn và mục tiêu có thể khác nhau, song việc quản trị cần phù hợp các giá trị chung. G7 cho rằng, cần lập tức đánh giá cơ hội và thách thức từ công nghệ AI tạo sinh. Trước đó, tại hội nghị cấp Bộ trưởng G7, các nước cũng đồng thuận cho rằng nên áp dụng quy định quản lý AI dựa trên rủi ro.

Ra đời vào tháng 11/2022, ChatGPT phát triển với tốc độ chóng mặt, đồng thời tạo ra “cơn sốt” về công nghệ AI. Mới nhất, Google (thuộc Tập đoàn Alphabet) công bố dự án bổ sung AI cho sản phẩm cốt lõi của công ty, với hy vọng đem đến trải nghiệm mới cho người dùng, tương tự phiên bản cập nhật công cụ tìm kiếm Bing của đối thủ Microsoft. Intel cũng công bố một số chi tiết mới về con chip dành cho AI mà tập đoàn này dự định ra mắt mắt vào năm 2025. Tuần trước, công ty khởi nghiệp Upstage (Hàn Quốc) cũng công bố giải pháp ứng dụng AI, với khả năng tự động xử lý tài liệu và cung cấp dịch vụ tìm kiếm phù hợp nhu cầu từng cá nhân...

Phát biểu ý kiến tại một diễn đàn công nghệ hôm 22/5, tỷ phú Bill Gates cho rằng, với sự phát triển của AI, người dùng sẽ không cần đến các nền tảng tìm kiếm trực tuyến, hay vào các trang mua sắm trực tuyến nữa. Theo nhà đồng sáng lập Microsoft, người chiến thắng trong cuộc đua công nghệ sẽ là một trợ lý máy tính sử dụng công nghệ AI tốt nhất, có năng lực đánh bại các nền tảng mua sắm và công cụ tìm kiếm trực tuyến. Tuy nhiên, hiện cả Amazon, Google và Microsoft chưa bình luận về nhận định của ông Bill Gates.

Ở cấp độ quốc gia, có thêm nhiều nước công bố các dự án ứng dụng AI. Israel đặt mục tiêu trở thành “siêu cường AI”, nhất là trong việc ra các quyết định chiến lược. Hôm 22/5, Bộ Quốc phòng Israel tuyên bố sẽ thành lập một cơ quan chuyên nghiên cứu, phát triển robot quân sự ứng dụng AI ngay trong năm nay. Trước đó, Bỉ công bố kế hoạch chi 20 triệu euro trong năm 2024 để đầu tư phát triển các dự án ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế. Dự án này mang tên “Kế hoạch hội tụ quốc gia về phát triển AI”.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không giấu lo ngại về cách thức AI được sử dụng để tiếp cận thông tin y tế. WHO nhấn mạnh kỳ vọng vào tiềm năng của AI trong phát triển công cụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, song cảnh báo dữ liệu được AI sử dụng có thể đưa ra kết quả sai lệch hoặc thiên lệch. Còn theo kết quả khảo sát, do các hãng Reuters và Ipsos phối hợp thực hiện tại Mỹ, hai phần ba số ý kiến bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực của AI, thậm chí 61% số người được hỏi tin rằng công nghệ này có thể đe dọa văn minh nhân loại.

Cảnh báo về nguy cơ gia tăng, yêu cầu kiểm soát rủi ro từ AI càng trở nên cấp bách. G7 đạt được thỏa thuận về AI tại Hội nghị Hiroshima, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) tiến gần hơn đến việc thông qua quy định quản lý công nghệ mới này. Dự thảo Đạo luật AI của EU vừa được các ủy ban phụ trách bảo vệ người tiêu dùng và các quyền dân sự thuộc Nghị viện châu Âu (EP) thông qua. Khẳng định quan điểm của EU về kiểm soát cách thức sử dụng AI song song thúc đẩy sáng tạo trong lĩnh vực này, nếu được thông qua đây sẽ là đạo luật AI đầu tiên trên thế giới.

Chính “cha đẻ” của ChatGPT cũng thừa nhận tầm quan trọng và kêu gọi giới chức trách sớm có các quy định liên quan AI. Chủ tịch OpenAI Greg Brockman đề xuất các chính phủ phối hợp xây dựng thỏa thuận toàn cầu nhằm bảo đảm AI được phát triển một cách an toàn.