Kiểm soát hợp lý thị trường vàng

Thị trường vàng vừa có những diễn biến hết sức phức tạp, trong đó có sự chênh lệch về giá vàng giao dịch giữa trong nước và thế giới, giữa vàng miếng SJC với các loại vàng khác. Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ vị thế độc quyền của sản phẩm này, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc quản lý chặt là cần thiết.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng, không bảo hộ giá vàng miếng.
Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng, không bảo hộ giá vàng miếng.

Câu hỏi đang được đặt ra nhiều nhất lúc này là làm sao để thị trường vàng cân bằng, giá trong nước và thế giới không quá chênh lệch, mà không “vàng hóa” nền kinh tế.

Quyền lực người tạo lập thị trường

Trong những ngày cuối năm 2023, thị trường hàng hóa đã chứng kiến một “cơn sốt nóng” vàng miếng SJC, khi giá của mặt hàng này liên tục “nhảy múa”, tăng nhanh, đẩy cách biệt giữa thị trường trong nước và thế giới có thời điểm lên đến

20 triệu đồng/lượng. Trong đó, đáng chú ý nhất phải kể đến phiên giao dịch ngày 26/12/2023, giá vàng miếng SJC đã tăng lên tới hơn 80 triệu đồng/lượng, xô đổ mọi kỷ lục trước đó.

Không chỉ chênh lệch với giá vàng thế giới, khoảng cách của giá vàng SJC và các loại vàng khác cũng khá xa, trung bình khoảng 10 triệu đồng/lượng. Tương tự, chênh lệch giá mua vào - bán ra luôn giữ ở mức cao, trung bình khoảng 2,5 triệu đồng/lượng - đây là mức chênh lệch được khuyến cáo là rủi ro, nhà đầu tư sẽ đối diện với nguy cơ thua lỗ.

Lý giải nguyên nhân của diễn biến này, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, thị trường vàng Việt Nam đang không hội nhập, liên thông với thế giới và Nghị định 24 không còn phù hợp với thị trường vàng hiện nay.

Cụ thể, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP quy định rất chặt chẽ, Nhà nước là cơ quan độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền trong quản lý xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, lấy một thương hiệu vàng SJC là thương hiệu vàng quốc gia. Nghị định có hiệu lực đã giúp thị trường ổn định, đi vào nền nếp.

Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) không nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Nguồn cung hạn chế trong khi sức cầu rất lớn, thị trường không thể tự điều chỉnh do tình trạng độc quyền vàng miếng SJC. Điều này kéo theo hệ lụy là giá của thương hiệu vàng quốc gia bị đẩy lên cao.

“Trong bối cảnh cần có tích lũy mà vàng miếng là vàng tích lũy, vàng SJC lại được xác định là vàng thương hiệu quốc gia thì đương nhiên người dân tích lũy sẽ chọn vàng tin cậy nhất. Khi cung không có mà cầu có thực thì đương nhiên sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối cung - cầu và giá vàng sẽ tăng”, GS, TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội cho biết tại Tọa đàm “Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững”.

Cũng có ý kiến cho rằng, sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ngày càng cao là do bản thân các đơn vị kinh doanh vàng lựa chọn phương án có lợi nhất cho mình. Bởi lẽ, thực tế trên thị trường vẫn đang có một số tiệm vàng nắm giữ số lượng vàng lớn và có tập khách hàng, lượng giao dịch hằng ngày lớn, có thể chi phối được giá vàng trong nước.

Theo một chuyên gia tài chính, họ là những “market maker” (người tạo lập thị trường). Những người này sẽ đưa ra mức giá nào có lợi nhất cho họ, khi giá tăng sẽ đẩy giá tăng ngay, còn khi giảm sẽ từ từ giảm để bảo đảm lợi nhuận, những người tham gia giao dịch chỉ có một lựa chọn là chấp nhận mức giá mà họ đưa ra.

Đi tìm lời giải

Dù không có cơ sở để khẳng định chắc chắn, nhưng sự tồn tại những “market maker” khiến mọi người hiểu rằng, thị trường vàng đang bị chi phối bởi một “thế lực vô hình”. Và để giải quyết vấn đề này, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, điều bắt buộc phải làm lúc này là xây dựng lại thị trường vàng.

Hiện, trên thị trường không còn ai sử dụng hàng hóa để làm phương tiện thanh toán như thời điểm trước khi Nghị định 24 ra đời, nên trường hợp “vàng hóa nền kinh tế” là khó có thể xảy ra, nhưng vàng vẫn luôn là một loại hàng hóa đặc biệt, được xem là nơi “trú ẩn” an toàn nhất trong tâm lý phần lớn người dân Việt Nam.

“Không chỉ riêng ở Việt Nam, các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đều muốn loại bỏ vàng khỏi lưu thông trong nền kinh tế, nhưng không thể làm được vì tâm lý tích trữ vàng của người dân”, GS, TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết.

Do vậy, TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, cơ quan điều hành phải nghiên cứu xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển làm sao cho thị trường vàng phải là bộ phận hữu cơ của thị trường tài chính. Gắn bó chặt chẽ với thị trường hàng hóa và theo định hướng nền kinh tế thị trường và mang tính hội nhập.

“Thị trường vàng cũng phải hội nhập và liên thông với thị trường thế giới, không thể tách rời mà phải làm sao cho thị trường vàng là bộ phận hữu cơ, bộ phận cấu thành rất quan trọng của thị trường tài chính, đóng góp vào nguồn lực và phát triển kinh tế nói chung của đất nước”, ông Đạt nhấn mạnh.

Trước đó, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã kiến nghị, NHNN có thể cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng, giúp các nhà đầu tư, tích trữ có thêm nhiều lựa chọn, giảm nhu cầu với vàng miếng SJC, tránh xảy ra hiện tượng “sốt” giá vàng.

Đồng thời, cho phép thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia để Việt Nam có một thị trường vàng mở, nhằm tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế, để bảo đảm không tạo ra chênh lệch lớn về giá như hiện nay, đẩy lùi hoạt động xuất, nhập khẩu vàng lậu đang diễn biến hết sức phức tạp.

Đưa ra một góc nhìn khác, PGS, TS Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc siết chặt, thậm chí hạn chế nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng trong nước là cần thiết để tránh hao tổn ngoại tệ, yếu tố có thể gây mất cân bằng cán cân thanh toán tổng thể.

“Việc đánh đổi một lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu vàng là xa xỉ trong bối cảnh kinh tế nước ta hiện nay. Trong khi đó, ngoại tệ, xét về khả năng thanh toán, luân chuyển tiền tệ, phương tiện đầu tư tích cực thì còn có ý nghĩa hơn vàng rất nhiều. Chưa nói, ngoại tệ hỗ trợ xuất nhập khẩu, tăng dự trữ quốc gia, bảo đảm khả năng thanh toán của nền kinh tế với bên ngoài”, ông Huân nhận xét.

Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ năm 2024, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng, không bảo hộ giá vàng miếng, cũng không chấp nhận được sự chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế, giữa vàng SJC và các loại vàng miếng khác, nhưng luôn luôn tôn trọng quyền cất trữ, mua bán vàng miếng của người dân.

Đối với đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, dù thương hiệu vàng SJC hay có nhiều thương hiệu vàng khác nhưng mục tiêu cuối cùng cần là phải ổn định thị trường, bảo đảm quyền lợi của người dân. Theo đó, tất cả các vấn đề này sẽ được xem xét trong sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP sắp tới và sẽ sửa đổi theo hướng vừa bảo đảm quản lý, vừa bảo đảm tính thị trường.