Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, luật mới với tên gọi “Đạo luật AI” sẽ dựng lên những lá chắn mới không chỉ giúp bảo vệ lợi ích của người dân mà còn cung cấp cho các doanh nghiệp những quy tắc rõ ràng và chắc chắn. Luật áp dụng cách tiếp cận dựa trên phân tích rủi ro: Nếu hệ thống có rủi ro cao, công ty sẽ phải thực hiện loạt nghĩa vụ chặt chẽ hơn để bảo vệ quyền của công dân.
Các công ty sẽ phải tuân thủ đạo luật này vào năm 2026 nhưng các quy tắc áp dụng với những mô hình AI như ChatGPT sẽ được áp dụng 12 tháng sau khi luật có hiệu lực. Các lệnh cấm sử dụng AI để giám sát dựa trên tổng hợp dữ liệu và những hệ thống sử dụng thông tin sinh trắc học để suy đoán chủng tộc, tôn giáo hoặc khuynh hướng tình dục của một cá nhân sẽ được áp dụng 6 tháng sau khi luật có hiệu lực.
Để chính thức kích hoạt “Đạo luật AI”, EU đã trải qua tiến trình đàm phán khó khăn và căng thẳng. Hồi đầu năm nay, khối này đã thống nhất thông qua các quy tắc sâu rộng đầu tiên trên thế giới để quản lý AI, đặc biệt là các hệ thống phổ biến như ChatGPT của OpenAI. Các quy tắc này được đề xuất lần đầu tiên vào năm 2021 nhưng nhu cầu thật sự trở nên cấp bách hơn khi ChatGPT bùng nổ vào năm 2022, với khả năng sáng tạo ra văn bản giống con người chỉ trong vòng vài giây. Ngoài ChatGPT, các công cụ AI nổi bật khác như Dall-E và Midjourney có thể tạo ra hình ảnh theo nhiều phong cách chỉ với câu lệnh đơn giản là ngôn ngữ hằng ngày.
Giám đốc điều hành của ứng dụng nhắn tin mã hóa Signal, bà Meredith Whittaker đã lên tiếng cảnh báo việc các công cụ AI phân tích dữ liệu, tạo văn bản và video, tìm kiếm mẫu trong dữ liệu phụ thuộc vào việc giám sát hàng loạt và thực hiện sự kiểm soát đáng lo ngại đối với cuộc sống của con người. Theo đó, các hệ thống AI có thể tạo ra thông tin không chính xác và chi phối cuộc sống của loài người. Ngoài ra, một rủi ro hiện hữu là sự mất cân bằng quyền lực do ngành công nghiệp AI bị một số ít “gã khổng lồ” về giám sát kiểm soát, song lại hoàn toàn không chịu trách nhiệm.
Trước khi thông qua đạo luật về quản lý AI, từ cuối tháng 5 EU đã thành lập “Văn phòng AI” gồm 140 chuyên gia công nghệ, luật sư và nhà kinh tế để quản lý công nghệ trí tuệ nhân tạo. EC cho biết, việc thành lập Văn phòng AI để tạo thuận lợi cho việc phát triển, triển khai và sử dụng AI trong tương lai theo hướng thúc đẩy đổi mới và bảo đảm lợi ích kinh tế-xã hội, đồng thời giảm thiểu rủi ro. Theo Ủy viên EU phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton, văn phòng sẽ thúc đẩy một hệ sinh thái AI châu Âu có tính đổi mới, cạnh tranh và tôn trọng các quy tắc và giá trị của EU. Trong khi đó, Phó Chủ tịch điều hành EC Margrethe Vestager cho biết, văn phòng sẽ đánh giá và thử nghiệm AI tổng quát để bảo đảm rằng, công nghệ trí tuệ nhân tạo nhằm phục vụ con người và duy trì các giá trị chung của EU.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều người lo ngại về mặt trái của công nghệ trí tuệ nhân tạo, việc EU kích hoạt lá chắn với AI được coi là dấu mốc lịch sử trên con đường dài phê chuẩn các quy định về AI. Nghị sĩ Italy, Brando Benifei, người từng thúc đẩy việc thông qua dự luật này tại Nghị viện châu Âu (EP) trước đó, đã nhận định đây là quy định đầu tiên trên thế giới vạch ra lộ trình rõ ràng hướng tới sự phát triển AI an toàn và lấy con người làm trung tâm. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, các nhà lập pháp châu Âu đã nỗ lực cân bằng giữa lợi ích đổi mới và lợi ích được bảo vệ.