Khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại Anh

Tỷ lệ lạm phát ở Anh trong tháng 7 vừa qua đã tăng vọt lên mức kỷ lục trong 40 năm trở lại đây, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nước này. Cả các hộ gia đình và doanh nghiệp đều đang chịu áp lực nặng nề còn Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất nhằm kiềm chế tình hình.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân Anh nhận hỗ trợ từ ngân hàng thực phẩm. Ảnh: METRO
Người dân Anh nhận hỗ trợ từ ngân hàng thực phẩm. Ảnh: METRO

Lạm phát cao kỷ lục

Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) ngày 17/8 công bố dữ liệu cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh đã tăng 10,1% trong 12 tháng, tính đến tháng 7/2022. Chỉ số này trong tháng 6/2022 là 9,4%. Theo ONS, giá thực phẩm tăng là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự thay đổi CPI giữa tháng 6 và tháng 7. Giá thực phẩm và đồ uống không cồn đã tăng 12,7%, đánh dấu mức tăng giá sinh hoạt cao nhất tại Anh kể từ tháng 2/1982.

Giám đốc điều hành của Hiệp hội bán lẻ Anh Helen Dickinson cho biết, lạm phát tăng cao đẩy hóa đơn tiêu dùng của các hộ gia đình và chi phí vận tải gia tăng, kìm hãm chi tiêu của người dân trên khắp nước Anh trong bối cảnh thu nhập thực tế của họ tiếp tục giảm. Theo thống kê của ONS được công bố tuần trước, mức lương thực tế của người lao động tại Anh được điều chỉnh theo tốc độ trượt giá, vốn đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong 20 năm qua vào tháng 6/2022. Nguyên nhân là do tỷ lệ tăng lương thường xuyên trung bình của người lao động trong quý II/2022, dù đạt 4,7%, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so đà tăng của chi phí sinh hoạt, đặc biệt là giá thực phẩm, nhiên liệu và hóa đơn năng lượng.

Trong khi đó, số liệu mới nhất do Công ty nghiên cứu thị trường Kantar công bố cho thấy, lạm phát giá hàng tạp hóa tại Anh trong vòng bốn tuần, tính đến ngày 7/8 vừa qua, đã đạt mức 11,6% - tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2008 khi thống kê về chỉ số này bắt đầu được ghi nhận. Mức tăng trên đồng nghĩa với việc hóa đơn mua hàng tạp hóa của người tiêu dùng tại Anh sẽ tăng thêm 533 bảng so một năm trước, tức tăng hơn 10 bảng mỗi tuần. Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng có tên là Which? cảnh báo, mức tăng này sẽ tạo áp lực lớn đối với tài chính hộ gia đình ở Anh, vốn đã căng thẳng do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Bà Sue Davies, người phụ trách bộ phận chính sách bảo vệ người tiêu dùng và thực phẩm tại Which? nhấn mạnh, trước đợt tăng giá mới nhất, giá cả hàng trăm mặt hàng phổ biến tại Anh cũng đã tăng hơn 20% trong hai năm.

Đà lạm phát tại Anh được dự báo có thể còn tăng cao hơn nữa trong tháng 10 tới, khi giá trần năng lượng dự kiến sẽ được nâng lên. BoE dự báo, lạm phát tại Anh sẽ tăng lên tới hơn 13% trong quý IV và duy trì ở mức rất cao trong suốt phần lớn năm 2023. Số liệu do ONS công bố ngày 12/8 cho thấy, GDP của Anh trong quý II vừa qua đã giảm 0,1%. Nền kinh tế nước này được dự báo có nguy cơ rơi vào suy thoái kéo dài một năm, bắt đầu từ cuối năm nay.

Không chỉ các hộ gia đình, lạm phát cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp ở Anh. Theo ONS, giá đầu vào của các nhà sản xuất tại Anh đã tăng 22,6% trong tháng 7. Theo Công ty nghiên cứu thị trường Cornwall Insight, vào tháng 10 tới, một số doanh nghiệp Anh sẽ phải đối mặt với hóa đơn năng lượng cao gấp năm lần so hiện tại, do lo ngại về nguồn cung khí đốt của Nga khan hiếm trên thị trường ở châu Âu và sự gián đoạn toàn cầu về khí tự nhiên hóa lỏng tiếp tục đẩy giá nhiên liệu tăng đột biến. Theo bà Dickinson, với việc lạm phát liên tục ở mức cao, các nhà bán lẻ cũng có thể phải đối mặt với việc phải tăng lãi suất kinh doanh.

Việc lạm phát lần đầu kể từ năm 1982 đạt mức hai con số vào tháng 7 được cho là sẽ gây thêm áp lực buộc BoE phải tăng lãi suất để giảm lạm phát. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều người Anh sẽ phải “gánh” thêm tới vài trăm bảng tiền lãi trên khoản tiền thế chấp mua nhà.

Khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại Anh ảnh 1

Ngân hàng thực phẩm cũng trong tình trạng khan hiếm vì khủng hoảng chi phí. Ảnh: METRO

“Cơn ác mộng” với người lao động

Independent dẫn lời ông Jon Richards, Trợ lý Tổng Thư ký Tổ chức công đoàn Unison của Anh cho rằng, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt “đã trở thành một cơn ác mộng sinh kế đối với hàng triệu người lao động”. Một phân tích của tổ chức từ thiện Tư vấn công dân được công bố hôm 17/8 cho thấy, vào tháng 10 tới, cứ bốn người ở Anh sẽ có một người không còn đủ khả năng chi trả các hóa đơn khí đốt và điện. Tổ chức này cảnh báo về một “mùa đông tuyệt vọng” đối với 13 triệu người, khi họ được dự báo sẽ bị đẩy vào cảnh nợ nần do hóa đơn năng lượng tăng gấp đôi so mức hiện nay.

Trong số những người được cho là sẽ không thể chi trả các hóa đơn năng lượng vào tháng 10, khoảng 68% là những người có thu nhập hộ gia đình dưới mức 30.000 bảng Anh. Con số này cũng bao gồm 3,2 triệu người khuyết tật và 4,4 triệu gia đình có con nhỏ. Trung bình, những người này sẽ phải gánh khoản nợ khoảng 100 bảng/tháng để trang trải chi phí sinh hoạt. Đến tháng 1/2023, theo dự báo, số người không có đủ khả năng trả tiền gas và điện tại Anh có thể tăng lên thành 34%, khi hóa đơn năng lượng trung bình hằng năm của các hộ gia đình dự kiến sẽ tăng lên thành 4.200 bảng Anh (tương đương 5.040 USD).

Các gia đình có thu nhập thấp sẽ là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Một báo cáo của Viện Nghiên cứu tài khóa (IFS) được công bố mới đây cho hay, do phải chi nhiều tiền hơn trong ngân quỹ vốn eo hẹp của mình cho năng lượng và thực phẩm, tỷ lệ lạm phát thực tế ở một phần năm số hộ gia đình thuộc nhóm nghèo nhất tại Anh sẽ tăng lên thành 18% vào tháng 10, cao hơn nhiều so mức 11% ở nhóm những người giàu nhất.

Trong những tháng gần đây, các trung tâm của tổ chức Tư vấn công dân đã gặp phải tình trạng quá tải do các yêu cầu trợ giúp hỗ trợ chi phí sinh hoạt như giới thiệu ngân hàng thực phẩm miễn phí và phiếu giảm giá nhiên liệu tăng mạnh. Trong tháng 7 vừa qua, số người không đủ tiền nạp vào tài khoản cho hóa đơn điện và khí đốt trả trước, đồng nghĩa với việc họ không có năng lượng để dùng trong vài ngày, đã tăng đến mức kỷ lục. Đây là lần thứ năm trong một năm trở lại đây kỷ lục đáng buồn này bị “xô đổ”. Bà Dame Clare Moriarty, Giám đốc điều hành của tổ chức Tư vấn công dân cho biết: “Mỗi ngày, tại phòng Tư vấn công dân, chúng tôi đã giúp đỡ nhiều người phải chật vật kiếm đủ tiền để nuôi con và trả tiền điện thắp sáng”.

Để giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang ngày càng trầm trọng ở nước này, Chính phủ Anh vào tháng 5 vừa qua đã công bố một gói hỗ trợ, theo đó chi trả trực tiếp một lần cho các hộ gia đình có thu nhập thấp nhất. Theo tính toán vào thời điểm lúc bấy giờ, mức hỗ trợ này bằng ba phần tư mức tăng chi phí năng lượng dự kiến của các hộ gia đình. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế Anh kể thời điểm đó đã kém đi và mức hỗ trợ như vậy được coi là không đủ. Theo IFS, dựa trên những ước tính mới nhất về mức tăng giá năng lượng, Chính phủ Anh cần thêm khoảng 12 tỷ bảng Anh mới có thể đạt được mục tiêu đề ra trước đây.

Hiện nay, các tổ chức từ thiện tại Anh đã lên tiếng kêu gọi chính phủ nước này tăng các khoản hỗ trợ khẩn cấp để giúp người dân trang trải các chi phí tiêu dùng và mua thực phẩm. “Rõ ràng giá cả tăng vọt sẽ “nuốt chửng” tất cả các khoản trợ giúp đã được công bố cho đến nay”, bà Clare Moriarty cho biết, đồng thời kêu gọi Chính phủ Anh hỗ trợ nhiều hơn cho những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất.