Không chủ quan với bệnh dại

Dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở song tại Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác, việc người dân nuôi chó, mèo thả rông vẫn khá phổ biến.
0:00 / 0:00
0:00

Nhìn những thành phố, khu đô thị đông đúc thấy chó, mèo đi lại trên đường đã để lại ấn tượng không hay trong lòng nhiều du khách. Bởi thực tế, chó mèo thả rông đã từng gây ra những vụ việc đáng tiếc.

Mới đây, tại thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) một cháu bé 6 tuổi đã tử vong sau ít ngày bị chó cắn. Đây chỉ là một thí dụ. Thực tế đã cho thấy nhiều vụ thương vong đã xảy ra với trẻ em, du khách, thậm chí cả chính chủ vật nuôi. Một con số thống kê cho biết, tính từ đầu năm đến tháng 7/2023, cả nước ghi nhận 45 trường hợp tử vong do bệnh dại. Trong đó, miền bắc có số ca tử vong cao nhất (20 ca) so các khu vực khác (miền nam có 9 ca, miền trung 5 ca và khu vực Tây Nguyên 11 ca).

Ở xã hội hiện đại, việc nuôi các loại thú cưng trong đó có chó, mèo không bị hạn chế, miễn là phải an toàn. Cụ thể, người nuôi phải tiêm vaccine cho vật nuôi đầy đủ, đúng lịch và khi cho vật nuôi ra ngoài phải có rọ mõm hoặc có các vật dụng để vật nuôi không thể chạy rông, xâm nhập cơ thể người khác. Đối với những người bị chó mèo cắn, cần tới cơ sở y tế xử lý vết thương và tiêm phòng, theo dõi. Mặc dù các cơ quan chức năng đã khuyến cáo nhiều lần nhưng xem ra sự chủ quan vẫn còn khá phổ biến. Thế nên, 45 người chết vì bệnh dại từ đầu năm đến nay là con số đáng báo động.

Các chuyên gia y tế cũng lưu ý, bệnh dại có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm, gần như 100% bệnh nhân tử vong khi lên cơn dại. Tại Việt Nam, do việc quản lý nuôi, nhốt chó, mèo còn hạn chế; chó, mèo không được tiêm phòng dại đầy đủ, không rọ mõm và thường xuyên thả rông nên nguy cơ người dân tiếp xúc với virus dại khá cao. Bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng, từ tháng 5 tới tháng 8 hằng năm do thời tiết nóng ẩm làm virus dại phát triển. Tuyệt đối không chủ quan với bệnh dại. Khi bị chó mèo cắn, tuyệt đối không chữa bằng thuốc nam, đắp lá cây, đi thầy lang lấy độc.