Khơi thông dòng chảy ngũ cốc từ Ukraine

Chuyến tàu chở ngũ cốc xuất khẩu đầu tiên kể từ khi nổ ra xung đột đã rời cảng Ukraine và tới Thổ Nhĩ Kỳ, mở ra triển vọng tuyến đường xuất khẩu xuyên Biển Đen được khơi thông trở lại. Tuy nhiên, để bảo đảm dòng chảy lương thực này thông suốt và an toàn, điều quan trọng là các bên tuân thủ thỏa thuận đã ký, với sự bảo trợ của LHQ.
0:00 / 0:00
0:00
Tàu Razoni chở ngũ cốc từ Ukraine theo Thỏa thuận Istanbul. Ảnh: GLOBALHAPPENINGS
Tàu Razoni chở ngũ cốc từ Ukraine theo Thỏa thuận Istanbul. Ảnh: GLOBALHAPPENINGS

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, tàu Razoni mang cờ Sierra Leon chở hơn 26.000 tấn ngô đã vào lãnh hải Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2/8, một ngày sau khi rời cảng Odessa của Ukraine. Sau khi trải qua cuộc kiểm tra ở ngoài khơi gần thành phố Istanbul, tàu Razoni sẽ tiếp tục hành trình qua eo biển Bosphorus tới cảng Tripoli ở Lebanon. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận hoạt động kiểm tra tàu chở ngũ cốc của Ukraine có sự giám sát của giới chức Nga và Ukraine. Trung tâm điều phối chung (JCC) do LHQ điều hành yêu cầu tất cả các bên thông báo cho lực lượng quân đội để bảo đảm tàu đi qua tuyến đường một cách an toàn.

Chuyến hàng ngũ cốc đầu tiên của Ukraine nêu trên được thực hiện theo thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc mà Nga và Ukraine ký hồi tháng 7 tại Istanbul, với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ trong vai trò đồng bảo trợ. Thỏa thuận được kỳ vọng khai thông tuyến đường xuất khẩu từ Ukraine, với mức năm triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng, qua đó giúp “giải phóng” hơn 20 triệu tấn lương thực hiện mắc kẹt tại các cảng Odessa, Chornomorsk và Pivdenny, mở đường cho đợt thu hoạch mới của Ukraine. Theo thỏa thuận, hoạt động kiểm tra, giám sát được tiến hành để bảo đảm tàu đến các cảng trên không mang theo vũ khí và tàu rời đi chỉ mang theo ngũ cốc. Các bên cam kết phối hợp giám sát và bảo đảm an toàn cho các tàu chở ngũ cốc Ukraine đi qua Biển Đen.

Cả Nga và Ukraine đều là những nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, sau khi xung đột nổ ra hồi cuối tháng 2, hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine gián đoạn do các cảng bị phong tỏa và tuyến đường qua Biển Đen thiếu an toàn do có nhiều thủy lôi. Hiệp hội Doanh nghiệp trồng trọt Ukraine (UCAB) xác nhận, hoạt động xuất khẩu từ ba cảng nêu trên đã được nối lại theo thỏa thuận do LHQ làm trung gian. UCAB đánh giá, chỉ khi ba cảng này vận hành đầy đủ trở lại và kết hợp các tuyến đường xuất khẩu khác được nối lại, thì xuất khẩu của Ukraine mới có thể trở về mức trước khi xảy ra xung đột, khoảng sáu triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng.

Ngay khi chuyến hàng ngũ cốc đầu tiên rời cảng Ukraine, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã lên tiếng hoan nghênh và bày tỏ hy vọng có thêm nhiều chuyến tàu thương mại được thực hiện theo thỏa thuận giữa Nga và Ukraine. LHQ nhấn mạnh, việc khôi phục hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine sẽ giúp hạ nhiệt “cơn sốt giá lương thực”, góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga đánh giá tích cực thông tin liên quan tàu Razoni và hy vọng các bên liên quan thực thi đầy đủ thỏa thuận ký tại Istanbul. Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết, Ankara cũng sẵn sàng hỗ trợ vận chuyển lương thực và phân bón từ các tàu của Nga ở Biển Đen, tách biệt với thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng hoan nghênh việc nối lại các chuyến tàu chở ngũ cốc từ Ukraine, coi đây là bước khởi đầu hướng tới giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Thông tin về khơi thông dòng ngũ cốc từ Ukraine được dư luận quan tâm đặc biệt và thỏa thuận gỡ “nút thắt” về lương thực xuất khẩu giúp cộng đồng quốc tế thở phào. Tuy nhiên, vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn, chẳng hạn vấn đề thủy lôi ở khu vực ven biển, hay chi phí vận chuyển... Quan trọng nhất vẫn là các bên bảo đảm thực thi đầy đủ thỏa thuận Istanbul.