AP dẫn tuyên bố của ECOWAS ngày 18/8 cho biết, tổ chức này đã sẵn sàng cho việc can thiệp quân sự vào Niger sau cuộc đảo chính xảy ra hôm 26/7 vừa qua. Trong một phát biểu, Ủy viên phụ trách các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh của ECOWAS, ông Abdel-Fatau Musah cho biết, lực lượng quân sự của tổ chức này sẵn sàng can thiệp ngay khi có lệnh và ngày can thiệp cũng đã được ấn định. Tuy nhiên, ông không nói rõ ngày ấn định đó là ngày nào.
Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc họp kéo dài hai ngày của các tham mưu trưởng quân đội các nước Tây Phi tại Ghana. Tại cuộc họp này, các nhà lãnh đạo quân sự khu vực đã thống nhất về những mục tiêu chiến lược và danh sách những thiết bị cần thiết sẽ được triển khai, đồng thời khẳng định cam kết của các nước thành viên cho phép tiến hành can thiệp quân sự vào Niger khi cần thiết. Trước đó, tại hội nghị cấp cao hôm 10/8, lãnh đạo các nước ECOWAS cũng đã ra lệnh triển khai “lực lượng dự phòng” để khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger nhưng chưa đưa ra thời gian biểu cụ thể.
Trong khi đó, tình hình tại Niger có rất ít cải thiện kể từ sau cuộc đảo chính hôm 26/7. Chế độ quân sự mới ở nước này vẫn tiếp tục giam giữ Tổng thống bị phế truất Mohamed Bazoum và dự định truy tố ông vì tội “phản quốc”. Hiện, tình hình sức khỏe của Tổng thống Bazoum đang là một trong những điểm mấu chốt cho những diễn biến tiếp theo ở Niger nói riêng và khu vực Tây Phi nói chung. Hôm 17/8, Tổng thống Nigeria Bola Tinubu, người hiện đang là Chủ tịch ECOWAS, cảnh báo sức khỏe của Tổng thống Bazoum xấu đi sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Mặc dù để ngỏ khả năng can thiệp quân sự vào Niger, song ECOWAS tuyên bố vẫn sẽ ưu tiên và cố gắng tìm kiếm giải pháp hòa bình cho việc khôi phục trật tự hiến pháp tại quốc gia này, đồng thời cử một phái đoàn ngoại giao đến Niger. Về phần mình, lực lượng đảo chính ở Niger cũng cho biết sẽ đàm phán với cộng đồng quốc tế.
Ngày 19/8, người đứng đầu chính quyền quân sự Niger, Tướng Abdourahamane Tiani đã cam kết rằng, giai đoạn chuyển tiếp ở quốc gia Tây Phi sẽ không kéo dài quá 3 năm, đồng thời cảnh báo các nước bên ngoài không thực hiện việc can thiệp quân sự vào tình hình ở nước này. Phát biểu ý kiến trên truyền hình tối 19/8, Tướng Tiani cảnh báo việc can thiệp vũ trang của ECOWAS sẽ vấp phải sự kháng cự quyết liệt. Trong bài phát biểu này, Tướng Tiani cũng tuyên bố khởi động một “cuộc đối thoại quốc gia” 30 ngày để đưa ra các đề xuất cụ thể nhằm đặt “nền tảng cho một đời sống hiến pháp mới”.
Trong bài phát biểu của mình, Tướng Tiani không đề cập đến Tổng thống Mohamed Bazoum hay chuyến thăm của phái đoàn ECOWAS tới Niger hôm 19/8 nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng, dù khẳng định “sẵn sàng cho bất kỳ cuộc đối thoại nào, miễn là có tính đến những định hướng mà người dân Niger mong muốn”.
Sau cuộc đảo chính hôm 26/7, Niger đã chịu các lệnh trừng phạt thương mại và tài chính nặng nề do ECOWAS áp đặt. Tổ chức khu vực này muốn Tổng thống bị phế truất Mohamed Bazoum trở lại nắm quyền. Cuộc đảo chính ở Niger và khả năng ECOWAS can thiệp quân sự đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ đẩy khu vực Tây Phi vào vòng xoáy bất ổn. Vùng Sahel thuộc Tây Phi là một trong những khu vực nghèo nhất trên thế giới và phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố kéo dài. Do đó, khu vực này có nguy cơ rơi vào bất ổn hơn nữa nếu cuộc khủng hoảng tại Niger trở nên trầm trọng hơn.
Chưa biết khi nào cuộc đàm phán hòa bình giữa phe đảo chính ở Niger với ECOWAS sẽ diễn ra và ở thời điểm hiện tại tiếng súng vẫn chưa vang lên ở quốc gia Tây Phi này. Tuy nhiên, đó chỉ là “khoảng lặng trước bão” và rất có thể xung đột sẽ bùng lên nếu trật tự hiến pháp tại Niger không có những biến chuyển tích cực.