Khó chọn bữa ở Hội An

Vẫn nhìn màn hình iPad, tìm kiếm nhà hàng mà trước kia, vợ chồng ông Brady, người Mỹ, đã từng tới thưởng thức món ăn, thưởng thức không gian bên biển, bên sông hoặc trong lòng phố cổ Hội An (Quảng Nam). Trên màn hình nhiều nhà hàng hiện chữ mầu đỏ “đã đóng cửa” hoặc “tạm ngưng phục vụ”. Dù du lịch đang trở lại nhưng ẩm thực của thành phố du lịch Hội An vẫn chưa thể trở lại trạng thái như trước đây.
0:00 / 0:00
0:00
Ẩm thực đường phố Hội An còn chưa đa dạng.
Ẩm thực đường phố Hội An còn chưa đa dạng.

Nhà hàng quốc tế ít dần

Ông Brady kể: “Có lần, tôi đi tìm một nhà hàng cũ cùng với vài người bạn. Chúng tôi hẹn nhau ở chợ Bà Lê rồi đi đến đường Lý Thái Tổ, con đường đó có hàng tre xanh. Ở đó có một nhà hàng rất đẹp. Vậy nhưng, chúng tôi đi loanh quanh mãi mới tìm ra nó bởi thiếu ánh đèn. Thật tiếc, giờ nhà hàng đã đóng cửa”.

Trường hợp đi tìm nhà hàng nhưng nhà hàng cũng đã bỏ phố mà đi không phải là chuyện cá biệt của ông Brandy. Và nhiều nhà hàng vẫn mang tên cũ, thực đơn cũ nhưng nhân viên mới, chủ mới, thức ăn “phô, chênh” khó thuyết phục khách hàng quay lại.

Nhiều người nước ngoài sống lâu năm ở Hội An, họ kết nối với nhau qua nhóm, tìm kiếm nhà hàng mới mở và thông tin cho nhau. Và đôi lần, họ gặp cảnh nhà hàng đã mở rồi nhưng cũng đã sớm đóng cửa lại.

Tình trạng vắng bóng nhà hàng quốc tế ở Hội An nguyên nhân do ít khách du lịch, khách quốc tế lâu năm thì vẫn đang giữ thói quen nấu ăn tại nhà, hiệu quả bán đồ ăn mỗi ngày không được như mong muốn, buộc lòng họ phải đóng cửa cơ sở kinh doanh. Thí dụ, nhà hàng Urban Fresh phố Huyền Trân Công Chúa (Hội An) đã “di cư” vào Thành phố Hồ Chí Minh, nhà hàng Cardi Pizzeria ở phố Thái Phiên (Hội An) nay chỉ còn cơ sở kinh doanh bên thành phố Đà Nẵng.

Nhiều khách nước ngoài ở lâu, họ điểm danh những nhà hàng quốc tế trước đây từng có: Ấn Độ (Cửa Đại), Tây Ban Nha (Phan Bội Châu), Urban Fresh (Huyền Trân Công Chúa), Hy Lạp bên cạnh chùa Cầu, Cardi Pizzeria (Thái Phiên), Eat Thai (ăn món Thailand - Nguyễn Duy Hiệu)... Nhưng đại dịch như một bàn tay ma, bóc gỡ nhiều nhà hàng quốc tế ra khỏi phố cổ Hội An.

Hiện tại, Hội An có nhà hàng Good Morning Việt Nam chuyên về các món ăn của Ý, bởi ông chủ người Ý và vợ là người Việt Nam. Nhà hàng Dingo Deli chuyên về các món ăn sáng của Canada và Mỹ bởi ông chủ là người bắc Mỹ và vợ là người Việt Nam. Nhà hàng Nourish Eatery chuyên về món chay của Indonesia, nhà hàng 3 Dragons Sports chuyên về món gà chiên ốp thịt nguội phủ phô mai. Nhà hàng Hill Station chuyên món thịt nguội, cá xông khói ăn kèm bánh mì, thịt viên trộn ăn với khoai tây nghiền hoặc một số món cơm của Thailand. Nhưng cũng chỉ từng đó nhà hàng. Một số nhà hàng do người địa phương làm chủ, trình độ nấu món ăn chưa đạt.

Những lựa chọn cũ đã nhiều phần khép lại, cái mới chưa khai trương nên người ta đã tìm giải pháp tự nấu ăn, hoặc chấp nhận uống vài chai bia bên vỉa hè, can đảm gọi một vài món đồ nướng, món gỏi địa phương và ăn uống với tâm thế đã trữ thuốc cho hệ tiêu hóa của mình. Điều đó không hẳn tốt cho ngành du lịch.

“Tôi đến từ Hội An”

Hội An ngày càng thu hút những khách nước ngoài tới sống lâu dài.

Ông bà Brady đến Hội An tháng 9/2017 và ở đó đến nay, chứng kiến những mùa bão tan tác cây xanh, lũ ngập phố, giãn cách vì dịch không bóng người. Tôi nhớ lại kỷ niệm cũ với ông bà Brady-Pamela và bữa trưa Noel năm 2019 tại nhà hàng khách sạn Victory (Hội An), nhân viên chuyển đến mỗi người một tờ giấy hình chữ nhật nhỏ xin số điện thoại và địa chỉ của khách, để mỗi khi có chương trình khuyến mãi hoặc tổ chức sự kiện tiện liên lạc với khách hàng.

Ánh mắt ông Brady bừng sáng, môi mắm lại đầy sự khẳng định, viết nhanh bốn chữ “Cam Chau, Hoi An” (Cẩm Châu, Hội An). Cái cách thể hiện của ông Brady cho tôi hiểu rằng, một sự tự hào rất riêng của ông Brady rằng, “tôi sống ở đây” chứ không phải tôi đến đây du lịch.

Và sau này tôi lại càng cảm nhận được sự phản ứng của ông bà Brady- Pamela khi đi đến nhà hàng mà gặp người hỏi câu “bạn từ đâu tới”? và câu đáp dằn dỗi của ông Brady: “Hội An! Hội An”!

Nhưng chính sách visa 30 ngày thay vì ba tháng như trước đây, đến nay vẫn chưa thay đổi, khiến nhiều người nước ngoài muốn ở Hội An lâu dài khổ sở. Nhiều người nước ngoài đến Hội An, ở Hội An rồi yêu Hội An với một tình cảm khó bề đong đếm, dù mỗi tháng họ vẫn phải thực hiện chính sách visa gia hạn một lần bằng cách qua mấy nước lân cận rồi về lại Việt Nam với mục đích đóng cái dấu xuất nhập cảnh. “Việc đi lại như thế khá tốn kém. Khoản tiền đó, tôi có thể đi Phú Quốc, Sapa, Hạ Long, Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh ăn uống, mua sắm. Nhưng tôi buộc lòng phải cắt giảm chỉ vì cái dấu trên cuốn hộ chiếu”, ông Robert ngậm ngùi.

Và họ ít đi nhà hàng hơn, họ nấu ăn ở nhà. Nhìn vào phía bếp của họ mới thật sự đáng nể về sự lo xa, thùng các-tông đựng các loại mì Ý, bột mì, bột chiên xù, gạo, miến khô của Việt Nam. Thùng nhựa đựng rau củ quả hành tỏi… hệt như tinh thần cho một sự tự giãn cách vẫn tồn tại đâu đây vậy.

Ẩm thực “đồng phục” cứng nhắc

Hội An nằm bên bờ biển, gần cảng cá Duy Hải (Duy Xuyên, Quảng Nam) nên có một nguồn cung hải sản dồi dào tươi sống. Thế nhưng việc chế biến theo kiểu địa phương mà không có sự linh hoạt cũng là một trở ngại không chỉ với du khách nước ngoài mà cả du khách người Việt.

Nhà hàng V.H nằm bên bờ sông Thu Bồn, chuyên bán món ăn Việt Nam, thỉnh thoảng mới có khách nước ngoài ghé tới với điều kiện phải có phiên dịch đi cùng, hoặc phải là người đã ở đây lâu. Từng đến nhà hàng này, ông Patrick, một người Bỉ sống nhiều năm ở Hội An, cho biết: “Tôi cũng có học được chút ít tiếng Việt và nhắc họ không cho một vài gia vị, rau địa phương (rau răm, diếp cá) vào món ăn của tôi. Nhưng món ăn mang ra vẫn là theo cách của họ”. Với vị trí của mình, nhà hàng V.H không phải không muốn chào đón khách quốc tế, nhưng thói quen chế biến khiến họ không để tâm tới lời dặn của khách.

Ông Patrick kể thêm: “Thí dụ gọi món nghêu nướng. Tôi dặn họ không cho đậu phộng rang, nhắc đi nhắc lại nhưng khi món ăn đưa ra vẫn như vậy”. Món nghêu nướng ở Hội An ngoài cho chút mỡ nước, tóp mỡ băm và hành hoa thái nhỏ, người địa phương thích thêm đậu phộng (lạc) rang giã nát. Một số khách nước ngoài sẽ không thích việc một thứ mềm lùa vào miệng lại lật sật hạt cứng.

Món ăn nổi tiếng của Hội An là cao lầu, mì Quảng, hến trộn, bánh đập... Điểm qua món cao lầu, sợi bánh sần sật có mùi hơi nồng của thứ tro lọc lấy nước pha vào bột. Trong tô cao lầu có vài miếng bì heo chiên cứng, thịt heo thái vuông dài như điếu thuốc lá kết hợp với rau sống, xì dầu, dầu hào... Món mì Quảng phổ biến ở Hội An có hai loại: mì Quảng và mì Quảng Phú Chiêm. Mì Quảng Phú Chiêm do người làng Phú Chiêm (Điện Bàn) mang đến Hội An, Đà Nẵng bán dạo.

Những món ăn này rất nổi bật ở địa phương, nhưng không hẳn hợp khẩu vị khách quốc tế. Trong thực tế có nơi đã cải tiến và được hoan nghênh hơn. Chẳng hạn tô mì Quảng của một nhà hàng ở Tam Kỳ (Quảng Nam), tôm đã được bóc vỏ, thịt gà đã được lọc xương... nên bạn không rơi vào cảnh con tôm “nguyên đai, nguyên kiện”, miếng thịt gà còn xương đánh bạt lớp son môi - một điều khá ngại ngần với du khách.

Hay như món cơm gà cũng là món khá phổ biến ở Hội An nhưng không phải hàng cơm gà nào cũng có thể phục vụ du khách.

Món phở Hội An phần lớn dùng bánh khô trụng qua nước nóng nên hay bị cứng, cộng thêm với món đu đủ thái mỏng muối xổi ăn kèm. Món phở sẽ khó đánh thức ẩm thực trong bạn dù rằng, chủ quán có khẳng định bánh phở đó là đặc trưng Hội An.

Ông bà Brady-Pamela có quan điểm: “Chúng tôi đi các chợ Hội An thì thấy hải sản tươi ngon. Nhưng vào nhà hàng hải sản của địa phương thường không sơ chế hải sản, mực vẫn còn nang trong ruột, khi nhai cồm cộm trong mồm”. Số đông nhà hàng hải sản ở Hội An đều cùng quan điểm chế biến, cung cách nấu nướng đậm chất địa phương. Điều này nhìn tốt thì là bảo vệ bản sắc, nhưng nhìn khác đi thì làm hạn chế khách thập phương.

Thực tế cho thấy, các món ăn của Việt Nam và các món ăn của quốc tế du nhập vào Việt Nam về đa dạng, hợp với quốc tế thì Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là hơn cả. So sánh hai thành phố gần nhau Hội An và Đà Nẵng, điểm số ẩm thực tại thành phố Đà Nẵng cũng được họ đánh giá cao hơn ở Hội An. Có những người nước ngoài sống lâu năm ở Hội An, một năm đôi ba lần, họ lại đưa cả gia đình ra Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, hay Đà Nẵng, để được thưởng thức ẩm thực như họ muốn.

Ẩm thực cũng là một phần quan trọng trong thu hút khách du lịch đến với Hội An. Bên cạnh ẩm thực thuần địa phương, để giữ chân khách du lịch, cũng cần những nhà hàng có tính đa dạng, quốc tế hóa. Điều ấy, Hội An chưa làm được.