Khi hy vọng là con đường

Isabelle Müller, một doanh nhân thành đạt tại Đức vừa giới thiệu đến độc giả Việt Nam cuốn sách viết về hành trình vươn lên từ nghịch cảnh để chạm tay và nắm giữ hạnh phúc. Cuốn sách mang tên “Con gái của chim phượng hoàng - Hy vọng là con đường của tôi” do NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh phát hành (dịch giả Trương Hồng Quang).

Khi hy vọng là con đường

Tác phẩm kể lại câu chuyện về một người phụ nữ xuất chúng sinh năm 1964 với mẹ người Việt và bố người Pháp, người không cho phép bản thân bị bất hạnh lấn át, đã vươn lên làm chủ cuộc đời. Lật giở từng trang sách, đôi lúc, người đọc không tin những gì tác giả trải qua là thật. Mọi thứ quá sức chịu đựng của một đứa trẻ. Nhưng nó đã xảy ra, kéo dài. 

Năm tháng tuổi thơ của Isabelle Müller là chuỗi ngày kinh hoàng với những chật vật về kinh tế, lao động quá sức, sự phân biệt đối xử từ cộng đồng, gia đình nhà nội vì bị gắn mác “con lai” khi sinh sống tại Pháp. Và tệ hại hơn là bà đã bị người cha bạo lực của mình lạm dụng, ngược đãi, đe dọa suốt nhiều năm liền. Không ít lần cô bé Isabelle căm phẫn muốn tìm đến cái chết vì sợ bí mật động trời ấy chia cắt gia đình mình và khiến bà Đậu Thị Cúc (tự Loan) - mẹ của bà phải thêm đau khổ. Từ khi còn bé xíu, Isabelle thấu hiểu nỗi đau, sự chịu đựng mẹ mình gánh chịu đã quá lớn nên không muốn đẩy bà vào đường cùng của nghiệt ngã. Điều bà sợ nhất là mất mẹ mình.

Học được sự mạnh mẽ từ mẹ mình, nhân vật chính trong cuốn sách luôn tự tìm cách đối diện, xử lý từng khó khăn, nghịch cảnh với hy vọng “Mọi thứ rồi sẽ ổn”. Thế nhưng đâu chỉ có ngồi và hy vọng, đến lúc cần, bà đã mạnh mẽ ra đi, bắt đầu chặng đường mới và quay trở lại gặp bố mẹ khi tinh thần và cuộc sống tốt hơn. Sau quá nhiều tổn thương, mất mát, chẳng những chưa bao giờ gục ngã mà bà còn tự nhủ: “Tôi được phép sống khỏe mạnh ở đây trên Trái đất và tận hưởng cuộc sống này”.

Điều may mắn là rốt cuộc, tất cả những đau thương, nghịch cảnh ấy chỉ làm Isabelle Müller mạnh mẽ hơn. Và rồi, bà gặp được tình yêu của đời mình, cùng vun đắp hạnh phúc và nắm tay nhau bước qua những thử thách tiếp theo không kém phần gây cấn: cả chồng và con bị ung thư. Điều khiến độc giả không thể rời sách bên cạnh chuỗi kịch tính cuộc đời của chính người viết là những kỷ niệm mà bà và mẹ mình có được trong hành trình từ Pháp trở về Việt Nam gặp lại họ hàng vào những năm 90. Càng tìm hiểu về nguồn cội, Isabelle Müller càng thấy tự hào và cảm ơn đời vì cho bà được làm con gái của “mẹ Loan”, một người mẹ luôn yêu thương, cạnh bên để lắng nghe. Có lúc muốn được khóc nhưng chẳng thể khóc. Có lúc suy sụp và tự hỏi sao đời lại khiến mình mệt mỏi đến vậy, bà vẫn trấn an mình bằng cách: “Tôi sẽ không bỏ cuộc trước số phận, mà sẽ chiến đấu! Hãy thử thách tôi, nhưng ít nhất hãy công bằng và cho tôi sức mạnh để vượt qua!”.