Kết nối Vành đai Thái Bình Dương

Hội nghị các nhà lãnh đạo của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2023 diễn ra tại thành phố San Francisco đúng dịp tròn 30 năm cuộc gặp cấp cao APEC đầu tiên được tổ chức. Trong lần thứ ba đăng cai hội nghị, Mỹ đặt mục tiêu tăng cường kết nối và đổi mới, thúc đẩy chính sách kinh tế tự do, công bằng và cởi mở, mang lại lợi ích cho tất cả người dân trong khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Một phiên làm việc của các đại biểu tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2023 tại Mỹ. Ảnh: STATE.GOV
Một phiên làm việc của các đại biểu tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2023 tại Mỹ. Ảnh: STATE.GOV

Tuần lễ cấp cao APEC năm 2023 kéo dài từ ngày 11 đến ngày 17/11 tại San Francisco, với sự kiện quan trọng nhất là Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC (AELM). Các nhà lãnh đạo và đại biểu từ 21 nền kinh tế thành viên APEC thảo luận một loạt chủ đề, nổi bật là khả năng phục hồi chuỗi cung ứng; khoa học, nghiên cứu và đổi mới; công nghệ quan trọng và mới nổi; năng lượng sạch; cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn cao; trao quyền kinh tế cho phụ nữ; tăng cường kết nối, bao trùm... Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, các chủ đề thảo luận nhằm mục tiêu phát triển châu Á - Thái Bình Dương thành một khu vực kết nối, đổi mới và bao trùm.

APEC hiện là cơ chế hợp tác và liên kết kinh tế hàng đầu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chiếm 38% dân số, 62% GDP và gần 50% thương mại thế giới. Hợp tác trong APEC có vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại và gắn với lợi ích của Mỹ, bởi có tới bảy thành viên APEC nằm trong danh sách 10 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ. AELM năm 2023 là lần thứ ba Mỹ đăng cai và đánh dấu tròn 30 năm hội nghị cấp cao của APEC lần đầu được tổ chức, cũng tại Mỹ vào năm 1993. Trong bối cảnh thế giới đối mặt nhiều cuộc khủng hoảng và bất ổn địa - chính trị, sự kiện này khẳng định Mỹ coi trọng APEC và sự phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Lựa chọn chủ đề Năm APEC năm 2023 là “Kiến tạo một tương lai tự cường và bền vững cho tất cả mọi người”, Mỹ muốn hướng hợp tác APEC vào ba trọng tâm là kết nối, đổi mới sáng tạo và bao trùm, tập trung những vấn đề quan trọng nổi bật và cấp thiết nhất của thế giới hiện nay, như duy trì chuỗi cung ứng bền vững, chuyển đổi số, thương mại số, chuyển đổi năng lượng, chống biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh...

Những chủ đề nêu trên cho thấy sự chuyển hướng ưu tiên của Mỹ trong hợp tác APEC. Các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) nhận định, tầm quan trọng của APEC không thay đổi, mà là cách tiếp cận của Mỹ đối với APEC đã được điều chỉnh. Sau 30 năm tham gia APEC, chiến lược của Mỹ không còn chú trọng hàng đầu đến tự do hóa thương mại và tiếp cận thị trường, hướng tới một thỏa thuận đa phương lớn là Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Thay vào đó, Mỹ thúc đẩy các “vấn đề cập nhật”, nhất là kết nối và chuyển đổi kinh tế. Với nỗ lực mới, Mỹ muốn khẳng định vai trò lãnh đạo về chính sách kinh tế trong khu vực.

Giới chuyên gia CSIS cho rằng, Mỹ cũng mong muốn thông qua APEC thúc đẩy Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) - cơ chế hợp tác mới do Mỹ khởi xướng. Với 14 bên tham gia đàm phán IPEF đều là thành viên của APEC, Tuần lễ cấp cao APEC là cơ hội vàng để Mỹ thúc đẩy đàm phán nhằm sớm hoàn tất cơ chế IPEF. Trợ lý Đại diện Thương mại Mỹ nhấn mạnh: APEC và IPEF là hai sáng kiến riêng biệt và đều rất quan trọng với Mỹ. Các thành viên APEC tham gia IPEF có thể tận dụng các cuộc thảo luận trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC để đạt được tiến bộ thực chất trong đàm phán về các trụ cột của IPEF.

Tháng 5/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố khởi động thảo luận về IPEF với mục tiêu củng cố quan hệ giữa các nền kinh tế quan trọng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khu vực ước tính chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu. Các bên đang nỗ lực thiết lập các quy tắc và tiêu chuẩn chung, trên bốn trụ cột gồm: thương mại công bằng và linh hoạt; khả năng phục hồi chuỗi cung ứng; cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch; ngăn chặn trốn thuế và chống tham nhũng.

Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ, tiến trình đàm phán IPEF đến nay đạt tiến triển đáng kể, hoàn tất thảo luận về ba trong bốn trụ cột. Hiện còn một số vướng mắc trong lĩnh vực thương mại và Mỹ trông chờ kết quả mới trong dịp Tuần lễ cấp cao APEC lần này.