Sau năm lần mở rộng kể từ khi được thành lập vào tháng 3/1996, ASEM hiện có 53 thành viên, gồm 21 nước châu Á, 30 nước châu Âu, cùng Liên minh châu Âu (EU) và Ban Thư ký ASEAN; chiếm khoảng 60% dân số thế giới, 65% GDP, gần 60% giá trị thương mại và 75% du lịch toàn cầu. Với mục tiêu cốt lõi là tạo dựng mối quan hệ đối tác toàn diện Á-Âu vì tăng trưởng mạnh mẽ, tăng cường hiểu biết giữa người dân hai châu lục và thiết lập đối thoại chặt chẽ giữa các đối tác bình đẳng, hợp tác ASEM ngày càng mở rộng, chú trọng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó thách thức chung.
Trong thập niên phát triển thứ ba hiện nay, kết nối được xác định là trọng tâm mới trong hợp tác ASEM, với cách tiếp cận toàn diện về kết nối hạ tầng, thể chế và con người. Tại Hội nghị cấp cao gần đây nhất - ASEM12, chương trình hành động về kết nối lần đầu được ASEM thông qua, với sáu lĩnh vực ưu tiên, gồm kết nối bền vững, kết nối thương mại-đầu tư, kết nối số, kết nối con người và kết nối ứng phó thách thức an ninh. Sự điều chỉnh của toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển động địa-chính trị trên toàn cầu, biến đổi khí hậu và các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là dịch Covid-19, đang tác động sâu sắc đến tiến trình định hình thế giới thời kỳ sau đại dịch.
Các cuộc trao đổi ý kiến của các nhà lãnh đạo châu Á và châu Âu tại ASEM 13 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn căng thẳng. Châu Âu chứng kiến đợt bùng phát dịch mới, nghiêm trọng hơn, trong bối cảnh mùa đông khắc nghiệt. Nhiều nước áp đặt phong tỏa trở lại, thậm chí áp dụng cả những biện pháp hạn chế chưa có tiền lệ. Trong khi đó, tình hình kinh tế, chính trị, an ninh thế giới và cả hai khu vực có nhiều diễn biến phức tạp. Kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt nhiều rủi ro do Covid-19; đà phục hồi được duy trì, song không đồng đều, cách biệt về tốc độ ngày càng rõ nét, tùy thuộc tỷ lệ tiêm chủng và khả năng kiểm soát dịch của từng nước.
Trong bối cảnh các nước chịu sức ép lớn về mở cửa lại, việc khôi phục và bảo đảm các chuỗi sản xuất và cung ứng, tăng trưởng bền vững, bao trùm và thúc đẩy chuyển đổi số là những định hướng phát triển kinh tế được ưu tiên trong nỗ lực kiểm soát và hồi phục sau đại dịch.
“Củng cố chủ nghĩa đa phương vì tăng trưởng chung” được Campuchia lựa chọn là chủ đề cho ASEM13, thể hiện rõ mục tiêu cốt yếu và cũng là yêu cầu cấp bách với cả hai lục địa. Thực tế thời gian qua cho thấy, chỉ khi tăng cường phối hợp hành động, thế giới mới có thể sớm vượt qua đại dịch, phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Gây ra những tác động sâu sắc và đa chiều, song đại dịch Covid-19 cũng phần nào giúp thế giới nhận thức rõ giá trị và khơi gợi tinh thần đa phương, hợp tác quốc tế. Bởi thế, cùng việc đánh giá thành tựu, xác định thách thức của hai khu vực, các nhà lãnh đạo ASEM cũng thảo luận về nỗ lực phối hợp, phục hồi chủ nghĩa đa phương vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung. Trong đó, ưu tiên là củng cố hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ; thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm.
Sau khi bị hoãn trong năm 2020 do dịch Covid-19, ASEM13 được tổ chức dịp này, thể hiện sự linh hoạt và nỗ lực của chủ nhà Campuchia, cũng như cho thấy nhu cầu chia sẻ và hợp tác của cả hai khu vực. ASEM13 được kỳ vọng đưa ra định hướng hợp tác trong giai đoạn mới, tăng cường kết nối Á-Âu vì mục tiêu thịnh vượng chung.