Theo Al-Jazeera, mỗi buổi sáng, các thương nhân tại Gikomba - chợ đồ cũ lớn nhất ở Đông Phi - bắt đầu sắp xếp hàng hóa của họ trên các tấm phản gỗ. Đồ dệt may cũ đã qua sử dụng mà họ mua theo kg được đóng kín trong những bó nhựa lớn và được phân loại cẩn thận theo chủng loại. Quần jeans, giày tennis, áo nhiều mầu sắc và kích cỡ khác nhau được treo gọn gàng theo hàng lối. Dù còn sớm nhưng những con hẻm chật hẹp ở chợ Gikomba vẫn đông đúc người qua lại và những người bán hàng chen lấn nhau chào mời hàng hóa của họ. Sự hồi hộp tăng lên khi các chủ cửa hàng mở một gói hàng mới. “Có rất nhiều món đồ trông giống quần áo bạn thấy trên tạp chí hoặc trên TV”, Isichy Shanicky - nhà thiết kế 21 tuổi của thương hiệu “Maisha by Nisria Collective” cho biết.
Như hàng triệu người Kenya, Shanicky biết cách di chuyển trong “mê cung” Gikomba một cách dễ dàng. Mua sắm đồ cũ đang trở nên phổ biến đến mức có cả một hệ thống từ vựng mới trong ngành này được xây dựng lên. Theo Shanicky, giá trị quần áo cũ được vận chuyển từ nước ngoài chiếm một phần lớn trong nền kinh tế Kenya. Năm 2021, nước này đã nhập khẩu lượng đồ dệt may cũ trị giá tới 169 triệu USD. Chỉ riêng chợ Gikomba đã cung cấp việc làm cho khoảng 65.000 người.
Theo Nicholas Kilonzi, một thương nhân ở chợ Gikomba, những quần áo kém chất lượng hoặc cũ kỹ hơn được bán với giá 50 shilling (khoảng 0,35 USD) một chiếc. Trong khi đó, đồ hư hỏng bị vứt bỏ trên bờ sông Nairobi cạnh chợ Gikomba. Hàng núi quần áo đầy mầu sắc không dùng nữa xếp dọc bờ sông là một trong những hậu quả của ngành thời trang nhanh. Những hình ảnh như vậy đã trở nên quen thuộc ở các nước nghèo, khác xa những sàn diễn thời trang quyến rũ và cửa hàng rực rỡ của các kinh đô thời trang trên thế giới.
Để nâng cao nhận thức của người dân về tác động của rác thải dệt may tới môi trường, các nhà thiết kế tại Tuần lễ thời trang Nairobi đã tổ chức một buổi chụp ảnh tại bãi rác. Buổi chụp ảnh này là một phần của chiến dịch “Just Fashion” kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11/2023. “Hành động của chúng tôi không phải “lên án” khu chợ Gikomba. Khu chợ này cung cấp việc làm và đồ dệt may cũ giá cả phải chăng cho hàng triệu người. Nhưng chúng tôi muốn kêu gọi người tiêu dùng và chính phủ có trách nhiệm làm cho thời trang trở nên bền vững hơn”, Idah Garette - một nhà hoạt động môi trường và người mẫu tham gia buổi chụp hình cho biết.
Chiếc váy lụa tạo ra từ chất liệu hữu cơ được Idah mặc trong các bức ảnh trong khuôn khổ chiến dịch “Just Fashion” là tác phẩm của Deepa Dosaja - một trong những nhà thiết kế cao cấp của Kenya, người đi đầu trong việc thúc đẩy các lựa chọn thời trang bền vững. “Tôi đã thấy một sự thay đổi tích cực. Những người từng mua sắm ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE) hay London (Anh) giờ đây tự hào khi mặc quần áo made in Kenya. Thời trang bền vững không chỉ tốt hơn cho môi trường. Nó tạo ra việc làm xứng đáng và có ý nghĩa”, Dosaja khẳng định.
Hiện nay, các nhà thiết kế trẻ đang định hình thị trường thời trang Kenya bền vững. Maisha by Nisria là một hãng thời trang trẻ. Các nhà thiết kế của thương hiệu này, từ 21 đến 28 tuổi, tạo ra những tác phẩm nguyên bản từ quần áo cũ và vải bỏ đi. Mua sắm ở những nơi như Gikomba là một phần trong quá trình sáng tạo của họ và là cách để giảm tác động đến môi trường trong hoạt động buôn bán đồ dệt may cũ.
Conde Tausi, một nhà thiết kế 28 tuổi hào hứng nói: “Khi thử nghiệm những thiết kế đầu tiên từ đồ cũ, tôi không có tiền mua vải. Vì vậy tôi đã sử dụng những thứ trong tủ quần áo của mẹ tôi, vốn là những bộ quần áo bà không mặc tới. Đây là điều chúng ta có thể làm ở quy mô toàn cầu để giúp ngành thời trang phát triển bền vững hơn”.