Vận dụng ý tưởng cũ
“Kế hoạch Marshall” được đặt theo tên của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ George Marshall, người vào năm 1947 đã khởi xướng và triển khai kế hoạch tái thiết và thiết lập một nền móng vững chắc hơn cho các quốc gia châu Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Dựa trên sáng kiến này, Đức cũng gọi kế hoạch tái thiết châu Phi là “Kế hoạch Marshall cho châu Phi”.
Mới đây, Bộ trưởng Phát triển Đức Gerd Muller cho biết, chính phủ nước này đang đi theo lộ trình hỗ trợ phát triển tại châu Phi, theo đó mở rộng hành lang chào đón các nhà đầu tư tư nhân vào khu vực này. Chiến dịch phục hưng kinh tế mà Chính phủ Đức theo đuổi còn nhằm mục đích tăng cường viện trợ và đầu tư để giảm nghèo, tạo việc làm cho giới trẻ, qua đó góp phần ngăn chặn làn sóng di cư ở châu Phi.
Ý tưởng của Berlin đã được Bộ trưởng Gerd Muller giới thiệu tại cuộc hội thảo tổ chức ở Nairobi (Kenya) đầu năm 2017. Ông cũng đưa ra một lộ trình cơ cấu lại hợp tác kinh tế giữa Đức với các nước châu Phi. Mục tiêu cho kế hoạch này của Berlin là để hạn chế những người nghèo và thất nghiệp từ châu Phi di cư đến châu Âu với số lượng lớn như hiện nay.
Theo ông Muller, “Kế hoạch Marshall cho châu Phi” là một “cách tiếp cận tổng thể” để giải quyết các vấn đề khác nhau, từ an ninh lương thực, vai trò quản lý đến các vấn đề xã hội của châu Phi. Kế hoạch bao gồm hơn 100 ý tưởng cải cách khác nhau thuộc ba trụ cột: Kinh tế, thương mại và việc làm; Hòa bình và an ninh; Dân chủ và pháp luật. Mỗi trụ cột bao gồm những khuyến nghị cho chính phủ các nước châu Phi, cũng như Chính phủ Đức và cộng đồng quốc tế. Các quốc gia đáp ứng tiêu chí sẽ có cơ hội tìm kiếm đầu tư và hợp tác từ cộng đồng quốc tế. Xuyên suốt, kế hoạch nhấn mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư từ cả hai phía Đức và châu Phi.
Các chuyên gia kinh tế đã đánh giá cao khía cạnh nhấn vào nền kinh tế, tăng việc làm và kêu gọi lĩnh vực tư nhân đầu tư vào châu Phi để chia sẻ rủi ro tài chính của Chính phủ Đức. Dù vậy, đã có những quan ngại cho rằng đây là lục địa mà các công ty Đức nói riêng và phần lớn doanh nghiệp châu Âu đã từ chối đầu tư suốt một thời gian dài trong quá khứ, do vậy sẽ rất khó khăn để kêu gọi và thu hút vốn.
Tuy nhiên, ý kiến phát biểu của ông Muller cho thấy Chính phủ Đức vẫn nỗ lực vận động cho kế hoạch trường chinh mới này. Góp phần hiện thực hóa ý tưởng, những biện pháp thu hút đầu tư đã được nhen nhóm từ sau hội nghị của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20), diễn ra ở Berlin tháng 6-2017. Trước các khách mời là 10 nhà lãnh đạo đến từ châu Phi, Thủ tướng Đức Angela Merkel tích cực khuyến khích đầu tư của G-20 để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư bắt nguồn từ châu Phi. Các nhà lãnh đạo châu Phi cũng hy vọng đây là cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chống đói nghèo và tạo thêm nhiều việc làm mới.
Tại hội nghị G-20, Chính phủ Đức cũng khởi động sáng kiến “Châu Phi thu gọn”, tập hợp các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức đa quốc gia và một số nước châu Phi với mục đích mở hành lang thu hút các nhà đầu tư tư nhân đến châu Phi. Đồng thời, Thủ tướng Merkel trong vai trò là Chủ tịch G-20 cam kết sẽ đưa các vấn đề của các nước châu Phi vào trọng tâm chương trình nghị sự của G-20.
Còn nhiều nghi ngại
“Kế hoạch Marshall cho châu Phi” nhấn mạnh vai trò của lĩnh vực tư nhân hơn là các gói viện trợ của các chính phủ. Bộ trưởng Gerd Muller cho rằng, Chính phủ Đức sẽ hỗ trợ lập ra các quỹ phát triển cộng đồng làm chất xúc tác để thu hút các khoản đầu tư tư nhân. Song việc đặt kỳ vọng lớn vào khu vực tư nhân mà không có đường hướng phát triển rõ ràng đã khiến cộng đồng doanh nghiệp Đức tỏ thái độ thận trọng với kế hoạch này.
Theo ước tính của Chính phủ Đức, đến nay, chỉ có 1.000 trong số 400.000 công ty Đức có mặt ở châu Phi. Điều tra về những trở ngại đầu tư do một tổ chức thống kê của Đức thực hiện cho thấy, nguyên nhân đầu tiên khiến doanh nghiệp Đức nói riêng và châu Âu nói chung chưa “mặn mà” đầu tư ở “lục địa đen” là do tình trạng quan liêu, tham nhũng, bất ổn chính trị. Ông Christoph Kannengiesser, đại diện Hiệp hội các công ty Đức kinh doanh ở châu Phi (Afrika Verein) cho biết: “Kế hoạch Marshall vẫn chưa nêu được rõ ràng về các biện pháp cụ thể để hạn chế tình trạng trên. Cộng đồng doanh nghiệp đang chờ các công cụ và sự hỗ trợ lớn hơn từ phía chính phủ”.
Thêm vào đó, đầu tư vào châu Phi đến nay đã không phải là vấn đề mới, nếu không nói Đức và châu Âu đã “chậm chân” so các nhà đầu tư từ Trung Quốc hay Mỹ. Đến sau trong cuộc chinh phục thị trường này sẽ khiến các doanh nghiệp Đức gặp nhiều khó khăn và cạnh tranh lớn hơn. Do vậy lại càng kém thu hút đối với doanh nghiệp của Đức.
Ngay tại Đức, nhiều chuyên gia cũng nghi ngờ liệu chiến lược mới có thật sự được thực hiện hay không. Những đề xuất đòi hỏi sự tham gia đa ngành, đa lĩnh vực, không chỉ gói gọn trong kinh tế mà còn bao hàm cả quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội… Một số đề xuất trong các lĩnh vực không thuộc trách nhiệm của Bộ Phát triển Đức, thậm chí không thể chỉ do Chính phủ Đức quyết định mà còn cần được thảo luận ở cấp độ Liên hiệp châu Âu (EU) hoặc rộng hơn.
Chuyên gia kinh tế Đức Robert Kappel hoan nghênh “Kế hoạch Marshall cho châu Phi” và cho rằng đây là đóng góp quan trọng cho một chiến lược hợp tác quốc tế mới với châu Phi, song việc thực hiện nó còn phụ thuộc vấn đề có huy động đủ tiền đầu tư hay không. Trong khi việc cân đối ngân sách vẫn còn là bài toán khó với Chính phủ Đức, thì việc tăng kinh phí triển khai các đề xuất cho dự án ở châu Phi sẽ tạo thêm gánh nặng và gặp phải phản đối từ phía các chính khách đối lập của nước này.
Vấn đề người di cư đến nay đã chi phối các chương trình nghị sự ở châu Âu, khiến áp lực giải quyết dòng người tị nạn ngày càng nặng nề. Dù khẳng định cần giải quyết cuộc khủng hoảng di cư bằng các biện pháp đa phương, hợp tác với các nước châu Phi - Trung Đông để ngăn chặn từ xa dòng người đổ dồn về “lục địa già”, nhưng hiệu quả của “Kế hoạch Marshall cho châu Phi” về giải quyết gốc rễ cuộc khủng hoảng di cư cũng còn rất xa vời và đòi hỏi tầm nhìn dài hạn. Các chuyên gia cho rằng, chỉ tới khi châu Phi đạt được sự ổn định và thịnh vượng nhất định nào đó mới có thể giữ chân những người lao động ở lại châu lục này.