Kể chuyện Văn Miếu - Quốc Tử Giám bằng âm nhạc

Hơn 10 năm theo đuổi dòng nhạc phim, nhạc sĩ Đinh Khánh Ly (trong ảnh), đã khẳng định được tên tuổi qua các bản nhạc trong một số bộ phim chiếu trên sóng truyền hình, như “Trái tim người mẹ”, “Những người lính thầm lặng”, “Bình minh phía trước”… Mới đây, chị đã ra mắt album “Tinh hoa đạo học” Vol.1 viết về Văn Miếu - Quốc Tử Giám. PV Thời Nay đã có cuộc trò chuyện với nữ nhạc sĩ về album âm nhạc đầu tiên này.
0:00 / 0:00
0:00
Kể chuyện Văn Miếu - Quốc Tử Giám bằng âm nhạc

Phóng viên (PV): Chị có thể giới thiệu đôi chút về nội dung của album “Tinh hoa đạo học”?

Nhạc sĩ Đinh Khánh Ly: Album được lấy ý tưởng từ kịch bản phim mapping 3D của đạo diễn Trương Quốc Toàn thuộc Dự án trải nghiệm tour đêm Văn Miếu. Nội dung của album nói về những giá trị cốt lõi của đạo học Việt Nam bắt nguồn từ giáo dục trong gia đình, từ tinh thần hiếu học, ý chí phấn đấu bền bỉ của mỗi nho sinh để trở thành người có ích với dân tộc. Toàn bộ album gồm 6 bản hòa tấu nhạc cụ dân tộc bám sát chủ đề phim mapping 3D “Tinh hoa đạo học” và sử dụng một phần nhạc nền ở di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đó là bản phối lấy ý tưởng từ ca khúc “Phiêu bồng trần gian” với ý thơ trác tuyệt của Đại thi hào Nguyễn Du ca ngợi chí lớn của bậc nho sinh xưa trên con đường lập thân, lập nghiệp. Ngoài ra là các khúc nhạc “Tứ linh huấn tử”, “Tinh hoa đạo học”, “Hành trình đạo học”, “Đệ nhất sắc hương”, “Vinh quy bái tổ”.

PV: Chị đã nghiên cứu, tìm hiểu thế nào để kể câu chuyện bằng âm nhạc?

Nhạc sĩ Đinh Khánh Ly: Tôi rất may mắn khi nhận được sự hỗ trợ của đạo diễn Bùi Hoài Thanh, Trương Quốc Toàn và Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, trong quá trình nghiên cứu và tìm hiểu kịch bản. Bên cạnh đó cố vấn âm nhạc - Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Hoạch và các nghệ sĩ, nghệ nhân trong Ban nhạc Văn Miếu, đội ngũ kỹ thuật viên, kỹ sư âm thanh, ánh sáng đã giúp đỡ tôi rất nhiều để hoàn thành công việc khó khăn này. Để thực hiện được album là một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ như những “chú cá chép” vượt vũ môn thành công vậy.

PV: Điều chị tâm đắc nhất trong album “Tinh hoa đạo học” là gì?

Nhạc sĩ Đinh Khánh Ly: Album gồm 6 bản hòa tấu với diễn tấu chủ đạo là các nhạc cụ dân tộc truyền thống của Việt Nam, như đàn tranh, đàn bầu, sáo, nhị... trên các bản phối mang phong cách EDM, epic, world music. Đây là một dự án đặc biệt với tôi khi được hòa mình với tinh hoa đạo học của người Việt qua các bản phối mới nhưng diễn tấu chủ đạo là nhạc cụ dân tộc. Thông qua album đặc biệt này, tôi mong muốn bảo tồn, gìn giữ và phát triển âm nhạc dân tộc, nhưng mặt khác vẫn “thổi” được làn gió mới vào tác phẩm để người nghe không cảm thấy nhàm chán, khô khan, học thuật.

PV: Là một người trẻ, sao chị lại chọn cho mình lối đi riêng là âm nhạc truyền thống?

Nhạc sĩ Đinh Khánh Ly: Âm nhạc dân gian luôn là “kim chỉ nam” cho tôi trên con đường nghệ thuật. Xuất phát điểm từ học chuyên ngành tam thập lục và thập lục, nên dòng chảy đó luôn hiện hữu trong tôi. Tôi tâm niệm rằng, đam mê ở đâu thì lựa chọn và sự nghiệp của mình sẽ ở đó. Có rất nhiều con đường khó đi ở các ngành nghề khác nhau nhưng tôi tin rằng, dám nghĩ, dám sống và hết mình với đam mê, lựa chọn dòng nhạc phù hợp với mình thì sẽ có những thành quả xứng đáng.

PV: Hơn 10 năm “tạo đà” với rất nhiều thành công, vậy trong thời gian tới, chị sẽ có những dự định nào?

Nhạc sĩ Đinh Khánh Ly: Tôi đã sáng tác và sản xuất âm nhạc khá nhiều cho phim, vì vậy từ lâu tôi đã ấp ủ ra mắt một album nhạc phim chủ đề về tình yêu và cuộc sống. Sáng tác là đam mê, nên tôi không muốn mình bị bó buộc bởi thể loại nào. Mỗi một thể loại đều có những thú vị riêng và như những thử thách mà tôi mong muốn được vượt qua.

PV: Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này.

TS Lê Xuân Kiêu (Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám) chia sẻ: “Những giá trị của di tích gắn liền với đạo học được thể hiện bằng một loại hình nghệ thuật rất hấp dẫn là âm nhạc sẽ mang đến cho công chúng những cảm xúc đặc biệt, nuôi dưỡng tình yêu đối với di sản này. Chúng tôi hy vọng album “Tinh hoa đạo học” sẽ mở đầu cho sáng tác của nhiều người khác về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, để không gian này luôn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ về sáng tạo, về văn hóa trong thời gian tới”.