Italy bầu cử trước hạn

Cuộc khủng hoảng chính phủ tại Italy tiếp tục leo thang sau khi Tổng thống Sergio Mattarella chấp thuận đơn từ chức của Thủ tướng Mario Draghi, ký sắc lệnh giải tán Thượng viện và Hạ viện, chuẩn bị cho cuộc bầu cử trước thời hạn dự kiến diễn ra vào ngày 25/9 tới.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: DEL ROSSO
Biếm họa: DEL ROSSO

Trong một tuyên bố, Tổng thống Mattarella cho rằng, sự thiếu ủng hộ của Quốc hội đối với chính phủ và không có triển vọng tạo ra đa số mới đã dẫn tới việc khó tránh khỏi là sớm giải tán Thượng viện và Hạ viện. Việc giải tán Quốc hội trước thời hạn là sự lựa chọn cuối cùng của ông và cuộc bầu cử mới sẽ diễn ra trong vòng 70 ngày theo kế hoạch.

Tổng thống Mattarella cũng cho rằng, chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi đã gặp phải những hạn chế trong hoạt động, nhưng không thể tạm ngừng chính phủ trong thời điểm hiện nay, bởi hàng loạt khó khăn kinh tế phải đối mặt do giá năng lượng tăng vọt gây hậu quả tiêu cực cho các gia đình và doanh nghiệp. Phát biểu ý kiến trước Nội các, Thủ tướng Mario Draghi cam kết trong thời gian tại vị, chính phủ sẽ tiếp tục giải quyết các trường hợp khẩn cấp liên quan đại dịch, cuộc chiến ở Ukraine, lạm phát và chi phí năng lượng gia tăng, tiếp tục thực hiện kế hoạch phục hồi để tạo điều kiện thuận lợi cho chính phủ mới.

Thủ tướng Draghi đã từ chức sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đầy sóng gió tại Thượng viện, khi ba đảng lớn trong liên minh cầm quyền là Phong trào 5 Sao (M5S), Forza Italy và Liên đoàn từ chối tham gia bỏ phiếu. Ông nhấn mạnh quyết định từ chức “là lựa chọn đau đớn nhưng đúng đắn”. Sự ra đi của ông Draghi được dự báo có thể gây rủi ro cho việc Italy nhận được tài trợ từ quỹ phục hồi Covid-19 của Liên minh châu Âu (EU) vào thời điểm nền kinh tế đứng trước nhiều sức ép.

Quyết định của Thủ tướng Draghi thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đối tác phương Tây và các tổ chức châu Âu, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và lạm phát gia tăng hiện nay. Mỹ ra tuyên bố khẳng định quan hệ đối tác mạnh mẽ với Italy và cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Rome trong một loạt vấn đề ưu tiên. Cao ủy châu Âu về kinh tế Paolo Gentiloni nhận định, việc Thủ tướng Draghi từ chức có nguy cơ đẩy Italy vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới và cảnh báo sắp tới sẽ là một “giai đoạn khó khăn”.

Hiện, các đảng phái ở Italy đang bước vào giai đoạn vận động tranh cử. Theo một nghiên cứu vừa công bố của các công ty thăm dò ý kiến YouTrend và Cattaneo Zanetto, liên minh trung hữu do đảng Anh em Italy (FdI) dẫn đầu có thể sẽ giành được đa số rõ ràng trong cuộc bầu cử sớm. Khối cực hữu, bao gồm đảng Liên đoàn của ông Matteo Salvini, đảng Forza Italy của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi và đảng FdI của bà Giorgia Meloni, có thể giành được 221 ghế trong tổng số 400 ghế ở Hạ viện và 108 trong số 200 ghế ở Thượng viện. Theo ông Lorenzo Pregliasco, người đứng đầu YouTrend, cuộc bầu cử sớm sẽ là một lợi thế lớn cho cánh hữu do bà Meloni dẫn đầu. Bà Meloni cũng có khả năng trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Italy. FdI hiện đứng đầu các cuộc thăm dò với tỷ lệ ủng hộ cố định ở mức hơn 22%, đứng trên đảng Dân chủ (PD) theo đường lối trung tả.

Nghiên cứu mới cho thấy cách duy nhất mà phe trung tả có thể cạnh tranh với khối cánh hữu là tạo ra một liên minh rộng rãi, bao gồm cả M5S và hàng loạt các đảng cánh tả, trung dung nhỏ. Tuy nhiên, các đảng trung dung, bao gồm cả đảng Italy Viva của cựu Thủ tướng Matteo Renzi, đã nhiều lần lên án M5S và loại trừ bất kỳ liên minh bầu cử nào với đảng này, khiến việc hình thành một liên minh rộng lớn như vậy càng trở nên khó khăn hơn.

Các nhà phân tích nhận định rằng, tình hình chính trị tại Italy cho thấy chính phủ tiếp theo rất có thể sẽ là một liên minh bao gồm các đảng trung hữu, theo chủ nghĩa dân tộc, có quan điểm nghi ngờ châu Âu. Chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm cải cách châu Âu, Luigi Scazzieri, cảnh báo một liên minh như vậy “sẽ tạo ra một kịch bản biến động hơn nhiều cho Italy và EU”.

Trước những thách thức mà Italy đang phải đối mặt, Thủ tướng Mario Draghi kêu gọi thiết lập một hiệp ước tin tưởng giữa các chính đảng nhằm xây dựng một chính phủ mới mạnh mẽ và gắn kết.