Hy vọng mới của thanh niên Nigeria

Một chương trình đào tạo nghề do Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) phối hợp với chính quyền bang Borno (Nigeria) triển khai đang giúp đỡ nhiều người trẻ tuổi từng là nạn nhân của phiến quân Hồi giáo Boko Haram.

Một lớp học làm tóc tại AME. Ảnh: LE MONDE
Một lớp học làm tóc tại AME. Ảnh: LE MONDE

Dù mới chỉ là đầu giờ sáng, song tại Cơ quan Giáo dục đại chúng (AME) thuộc Maiduguri, thủ phủ bang Borno ở đông bắc Nigeria, không khí vẫn vô cùng sôi nổi. Những cô gái trẻ trong chiếc khăn che mặt dài đầy mầu sắc đứng quanh chiếc bàn phủ đầy những chiếc túi xách làm thủ công từ giấy và kim bấm. Cách đó một đoạn, một nam thanh niên đang cẩn thận đưa lưỡi dao cạo qua đầu một người bạn đóng giả làm khách hàng, dưới sự giám sát của giáo viên cùng khoảng 15 thợ cắt tóc học việc khác. Đó là khung cảnh của những lớp đào tạo nghề tại đây.

Các khóa đào tạo nghề này, do UNICEF phối hợp với chính quyền bang Borno triển khai, nhằm đưa những nạn nhân của Boko Haram quay trở lại với cuộc sống, đồng thời giúp phục hồi nền kinh tế địa phương. Các khóa học đào tạo cùng những kỹ năng cơ bản trong các lĩnh vực khác nhau như làm đồ trang sức, mộc, chăn nuôi, làm xà-phòng, đóng giày… “Mỗi khóa đào tạo miễn phí sẽ  kéo dài trong ba tháng. Khi kết thúc khóa học, mỗi học viên còn được nhận khoảng 9.000 naira (gần 19 euro), như một khoản bồi thường nhỏ vì từng là nạn nhân của Boko Haram”, Zaynab Moussa - một nhân viên của AME giải thích.

Theo Le Monde, sáng kiến về các khóa đào tạo miễn phí nói trên được đưa ra vào đầu năm 2020 và dự kiến kéo dài trong ba năm, nhằm đào tạo 25.000 thanh niên bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột giữa quân đội Chính phủ Nigeria và phiến quân Hồi giáo Boko Haram. Các đối tượng được hưởng lợi từ chương trình này bao gồm người địa phương và cả những người đã rời bỏ đất đai để thoát khỏi các cuộc tiến công của Boko Haram. Tại Maiduguri, sáng kiến ​​này đã cho thấy hiệu quả đối với một số sinh viên tốt nghiệp, những người có thể bắt đầu kinh doanh nhỏ hoặc giúp người thân của họ tiếp cận giáo dục trong bối cảnh 1.400 trường học tại đây đã bị phá hủy và 2.295 giáo viên bị sát hại kể từ năm 2009.

Salma Yunus, 18 tuổi, từng sinh sống tại Baga cùng gia đình. Tuy nhiên, năm 2014, cha mẹ cô bị các chiến binh của Boko Haram giết hại. Yunus sau đó đến ở trại tị nạn tại Maiduguri. Tại đây, cô đã theo học cách làm xà-phòng và các sản phẩm tẩy rửa trong chương trình của UNICEF. Với số tiền nhỏ nhận được vào cuối khóa học, cô đã có thể mua những sản phẩm cần thiết để khởi nghiệp. Yunus cho biết: “Tôi kiếm được 500 naira (khoảng 1 euro) mỗi khi bán được một lít nước rửa chén với giá 1.000 naira”. Những kiến thức được học và kinh nghiệm sau khi kinh doanh đã khiến Yunus được mời trở thành giảng viên của chính chương trình mà cô từng theo học.   

Với những khoản thu nói trên, Salma Yunus hy vọng có thể tự trang trải cuộc sống, nhất là sau khi trại tị nạn tại Maiduguri, nơi cô sống cùng với 18.000 người di cư khác, đã bị chính quyền đóng cửa vào giữa tháng 1 vừa qua nhằm lấy đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp trong khu vực, theo tuyên bố của Thống đốc bang Borno. 

Cũng giống Yunus, Fatima Ali (20 tuổi) đã may mắn sống sót sau vụ thảm sát ở Gamboru và Ngala, hai thành phố bị Boko Haram phá hủy vào năm 2014. Sau khi tới trại tị nạn ở Maiduguri, cô cũng theo học khóa đào tạo may của chương trình nói trên. Khi kết thúc khóa đào tạo, Ali đã được tuyển dụng vào dự án may khoảng 27.000 bộ đồng phục học sinh để UNICEF phân phát cho các trường học trong khu vực. Nhờ thu nhập 30.000 naira (khoảng 60 euro) sau dự án, Ali đã có tiền giúp các em mình tiếp tục được học tiểu học. “Tôi đã học được rất nhiều thứ ở đây, như cắt vải, may… Tôi có thể mua thức ăn và thậm chí cả quần áo, như vậy là quá đủ đối với tôi”, Ali cho biết.

Chương trình đào tạo nghề của UNICEF phối hợp tổ chức với bang Borno đã thay đổi cuộc đời của hàng nghìn thanh niên tại Nigeria, đem lại cho họ những hy vọng để bắt đầu cuộc sống mới tươi đẹp hơn sau những tháng ngày tăm tối.