Nguyên sơ, có phần vắng vẻ là cảm nhận dễ thấy nhất khi đi sâu vào trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Vài năm trở lại đây, Pù Luông hấp dẫn những người yêu thiên nhiên, muốn tìm nơi trốn cái ồn ào, khói bụi của thành phố. Nhất là mùa lúa chín (khoảng tháng 6 và tháng 10), Pù Luông trở thành điểm hẹn cho tín đồ xê dịch. Những bản làng của người Mường, người Thái ẩn mình dưới tán rừng, nơi đâu cũng thấy một mầu xanh bạt ngàn của cây lá. Một vùng đất trù phú, tốt tươi khiến vài chặng băng qua khúc cua gập ghềnh quanh co trước khi tới bản Hiêu (xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, Thanh Hóa) trở thành thử thách thú vị.
Nằm bên dải đất nhô ra từ sườn núi, bản Hiêu giữ khung cảnh đặc trưng của người Thái với những nhà sàn gỗ lợp mái lá, nhà nhà sống quần tụ gần nhau và gần nguồn nước sạch, quanh đó là ruộng vườn, cây trái. Chủ nhân của vùng đất này tự hào vì quê hương của họ sở hữu hai tài sản quý, đó là thác bản Hiêu, nơi được mệnh danh thác nước đẹp nhất miền tây xứ Thanh và món vịt Cổ Lũng giống bản địa thơm ngon.
Chưa đến mùa mưa, những con suối chảy giữa rừng nguyên sinh hiền hòa róc rách mang nước tới cho ruộng bậc thang uốn lượn. Thác bản Hiêu không hùng vĩ đổ thẳng từ trên cao xuống mà tràn theo vách núi, đổ xuống tạo nên hàng chục tầng thác trùng điệp. Nhiều đoạn còn có những hang động ẩn mình sau làn nước, ăn sâu vào lòng núi. Do khởi nguồn từ mạch nước của núi đá vôi nên thác bản Hiêu không có bùn và rêu trơn. Đặc biệt, cây cối và mỏm đá ngâm dưới lòng suối đều bị vôi hóa, đông kết lại bề mặt giống “hóa đá” suốt bốn mùa vô cùng độc đáo.
Sau một ngày lội suối, tắm thác, trải nghiệm ẩm thực, giao lưu văn hóa truyền thống, nghỉ ngơi trong nhà sàn tại làng văn hóa du lịch cộng đồng bản Hiêu đã chờ đón những vị khách quý. Một bữa cơm thân mật với món ăn đặc trưng làm từ vịt Cổ Lũng, cùng với cơm lam, cá suối, măng rừng… dưới mái nhà sàn sẽ là trải nghiệm hoàn hảo cho du khách.