“Hồi hương” cho sắc phong

Những bức sắc phong giá trị sau hàng chục năm thất lạc đã “hồi hương” về lại đúng địa chỉ là các phủ đệ, đình làng ở Huế trước sự vui mừng, ngỡ ngàng của không chỉ nơi nhận mà với nhà sưu tầm tặng lại, đó còn là cảm xúc rung động khi đã góp phần đưa những giá trị văn hóa về đúng nơi chốn. Người lặng lẽ lục tìm, sưu tầm những bức sắc phong quý để tặng lại ấy chính là anh Nguyễn Hữu Hoàng.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Nguyễn Hữu Hoàng (trái) tặng lại bức sắc phong quý cho thủ từ phủ Vĩnh Quốc Công, TP Huế.
Anh Nguyễn Hữu Hoàng (trái) tặng lại bức sắc phong quý cho thủ từ phủ Vĩnh Quốc Công, TP Huế.

1/ Niềm đam mê sưu tầm cổ vật trong đó có những bức sắc phong quý được anh Hoàng theo đuổi trong nhiều năm qua. Rất nhiều sắc phong quý ấy liên quan đến các làng xã, đình chùa, phủ đệ vì nhiều lý do mà thất lạc cũng được anh Hoàng cất công tìm kiếm, sưu tầm. Sau khi tìm được, anh Hoàng đã nhờ người đọc, dịch, tìm hiểu nguồn gốc cũng như địa chỉ để trao tặng lại.

“Những bức sắc phong ấy phải đặt đúng không gian của nó, có như thế mới có giá trị, có linh hồn”, anh Hoàng chia sẻ và như một cơ duyên, nhiều bức sắc phong anh sưu tầm được cũng được xác định nơi từng thất lạc.

Gần nhất vào đầu năm 2024, như một cơ duyên, bức sắc phong liên quan đến phủ Vĩnh Quốc Công được anh Hoàng sưu tầm và trao tặng lại về lại ngôi phủ cổ kính hướng mặt ra sông Hương, gần chùa Thiên Mụ. Hôm đưa bức sắc phong về treo lại trong phủ, anh Nguyễn Hữu Hồng Quân - thủ từ ngôi phủ này đã rưng rưng cảm xúc, không nghĩ một ngày “báu vật” quý giá từng thất lạc lại “châu về hợp phố”.

Trải qua hơn 150 năm tồn tại và vài chục năm thất lạc, bức sắc phong vẫn còn khá nguyên vẹn. Mầu giấy vàng đậm, với hình rồng ẩn mình trong đám mây tuyệt đẹp. Từng hàng chữ trên ấy cũng khiến người xem trầm trồ bởi nét chữ to, rõ ràng, cân đối. Được đặt trong khung lớn, bức sắc phong như một lần nữa khẳng định được giá trị tinh thần mà còn cho thấy sự bề thế của nhân vật, dòng họ được vua ban chữ lúc bấy giờ.

Theo anh Hồng Quân, bức sắc phong này do Vua Đồng Khánh truy phong cho ông Nguyễn Hữu Nghị là tằng tổ (ông cố) của Bảo Quốc huân thần Thái sư Cần Chánh điện Đại học sĩ lãnh Binh bộ Thượng thư sung Cơ Mật viện đại thần Nguyễn Hữu Độ. “Chẳng biết nói gì hơn khi gặp lại một tư liệu quý thuộc về gia đình đã từng thất lạc. Đó không chỉ là nhân duyên mà còn là một sự may mắn”, anh Quân tâm sự và hy vọng rằng nhiều phủ đệ, làng xã cũng sẽ tìm lại được những bức sắc phong, tư liệu quý giá từng bị thất lạc.

“Thế hệ trước, nhiều nhà sưu tập chuyên nghiệp hơn ngày nay. Ngẫm ra thì cổ vật có quyền đến nơi có tiền và hiểu nó. Nhưng nếu chỉ vì tiền, ai trả cao thì bán, cổ vật sẽ tản mát hết đi, đó là điều mà người sưu tầm thật sự không đành lòng. Chính bởi vậy, khi có những bộ sưu tập quý, tôi đã chọn con đường trao tặng, chuyển nhượng cho bảo tàng mà không quan tâm đến giá cả, vì tôi thấy chuyển cho bảo tàng, thế hệ sau còn nhìn thấy được và cổ vật sẽ còn ở lại trên đất nước mình”, anh Nguyễn Hữu Hoàng tâm sự.

2/ Đây không phải là bức sắc phong đầu tiên anh Hoàng hiến tặng cho ngôi phủ đệ, mà trước đó nhiều năm anh đã tặng cho làng Quý Lộc (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) 5 sắc phong thần. Trong đó có 1 sắc phong do Vua Duy Tân ban cho ngài tiền khai canh họ Lê của làng vào năm 1913.

Ngày tiếp nhận lại sắc phong cả làng ai nấy đều mừng vui. Theo bà con, làng có 28 sắc phong nhưng đã bị mất trộm cách đây hơn 20 năm. Trong số đó có những sắc phong có tuổi đời hơn 200 năm. Năm nào cũng tổ chức cúng bái ngài khai canh tại đình làng, nhưng thiếu sót vì để sắc phong của ngài thất lạc. Vì thế việc sắc phong ngài khai canh được “đoàn tụ” với dân làng đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến.

Kể về nhân duyên sưu tập và trao tặng lại sắc phong cho những phủ đệ, làng xã, anh Nguyễn Hữu Hoàng nói đó như một cơ duyên. Trong một lần về quê gốc ở làng Dương Nỗ (xã Phú Dương, TP Huế), anh thấy những cụ già trong làng rất nâng niu, trân quý các sắc phong mà làng được các vua triều Nguyễn ban tặng.

Hiểu được sự quý giá đó, anh Hoàng nhủ thầm nếu sưu tầm được những bức sắc phong sẽ tìm về đúng địa chỉ thất lạc để tặng lại. “Và rồi rất nhiều sắc phong đã về đúng nơi chốn. Mong rằng những bức sắc phong khác tôi sưu tầm được sẽ có duyên về với nơi nó từng ra đi”, anh Hoàng hy vọng.