1/ Người dân Hà Nội hôm nay vẫn tự hào về truyền thống nghìn năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội với những biểu hiện sáng đẹp của các giá trị văn hóa, nhân văn cao cả, đã đắp bồi, góp nên hình vóc Thủ đô của nước Việt Nam yêu dấu từ ngày trọng đại 2/9/1945 cho đến hôm nay. Có thể nhận được trong dòng chảy bền bỉ ấy qua bao triều đại, có tinh thần trung quân ái quốc; lòng căm thù ngoại xâm, ý chí kiên cường bảo tồn kinh đô, bảo vệ non nước; tình yêu hài hòa với thiên nhiên, sông núi; niềm trân trọng các giá trị thiêng liêng tiền nhân gây dựng; lòng tự hào về sự hưng thịnh chốn đô thành; ý thức trân trọng những tinh hoa nghề truyền thống và những tinh túy văn hóa của đất và người Thăng Long… Những truyền thống ấy vẫn được nâng niu, nhắc nhớ và lan tỏa vào việc xây dựng đời sống văn hóa, xã hội và cả kinh tế, chính trị của Hà Nội.
2/ Nhìn gần lại ngày nay hơn, thành quả văn hóa, văn nghệ của những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, như một lẽ hiển nhiên về giá trị lâu bền của các tác phẩm đặc sắc, của những quan điểm, tinh thần nhân văn, tiến bộ, cũng thẩm thấu, hòa mạch trong dòng chảy chung đó. Đóng góp vào đời sống văn hóa, văn nghệ trong 9 năm trường kỳ gian khổ, có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề, đề tài Hà Nội, mang hình bóng Hà Nội. Viết nên các tác phẩm đó có những người sinh ra, lớn lên ở Hà Nội, hoặc đã lấy Hà Nội làm không gian sống và hành nghề báo chí, văn chương, nghệ thuật, dạy học… trước khi nước nhà giành được độc lập. Họ đã bước vào cuộc chiến bảo vệ nền độc lập cho đến chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang và ngày 10/10/1954 “khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần”.
Ra đời trên chiến khu Việt Bắc, trên những đường hành quân của những người cầm bút và cầm súng, trên những nẻo đường công tác khắp núi cao, trung du và cả vùng địch hậu, nhiều tác phẩm xuất sắc đã hiện diện trong đời sống văn hóa thời chiến, đóng góp vào đời sống tinh thần của bộ đội, đồng bào. Và sau này, tiếp tục lan tỏa trong đời sống văn hóa, văn nghệ Thủ đô thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc - hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền nam. Đến khi hòa bình, thống nhất đất nước, đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội và đến tận ngày nay, giá trị lâu bền và tình yêu của nhiều thế hệ công chúng dành cho những thành quả văn học, nghệ thuật đó, vẫn dồi dào, thiết tha.
Đó chính là những tác phẩm đã góp lời gọi ra cốt cách, nét đặc sắc hình ảnh, tư thế, tâm hồn con người Hà Nội trong dòng chảy thời gian với những cuộc tiếp biến về văn hóa, xã hội; trong những biến động dữ dội của thời cuộc và ghê gớm nhất chính là chiến tranh. Các tác phẩm đã đi cùng năm tháng đó, đã vẽ vào tâm khảm nhiều thế hệ công chúng những đường nét, màu vẻ thật đẹp đẽ, sáng trong, chân thành: “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” (Tây Tiến, Quang Dũng), “Chúng ta ươm lại hoa/Sắc hương phai ngày xa/Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu/Những bông hoa ngày mai/Đón tương lai vào tay/Những xuân đời mỉm cười vui hát lên” (Tiến về Hà Nội, Văn Cao), “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm… Ôi tha thiết lòng ta biết bao nhiêu! Mỗi tấc đất Hà Nội đượm thắm máu hồng tươi… Ngày ấy chói vinh quang vang ngàn phương lời thề nước Việt Nam yêu dấu ngả soi bóng sông Hồng Hà… Nhìn đây máu chúng ta tươi bao nhiêu đất này ta tưới ngày mai vút lên…” (Người Hà Nội, Nguyễn Đình Thi), “Một ngày tàn hương chinh chiến/Lửa khói lắng chìm tìm về nơi bờ bến/Một ngày hồng tươi hoa lá/Hát câu tình ca nói lên lời thiết tha” (Hướng về Hà Nội, Hoàng Dương). Đó còn là những suy tư trong truyện ngắn “Đôi mắt” của Nam Cao, kịch “Những người ở lại” của Nguyễn Huy Tưởng, bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi…, những bài ca “Sẽ về Thủ đô” (Huy Du), “Ngày về” (Lương Ngọc Trác)… và nhiều tác phẩm đặc sắc khác.
Cả những tác phẩm ra đời sau kháng chiến chống thực dân Pháp như tiểu thuyết “Sống mãi với thủ đô” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, xuất bản lần đầu năm 1961, với bối cảnh Hà Nội trước và sau thời điểm toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946, cũng tiếp tục ở trong mạch chảy tin yêu, tôn vinh phẩm chất, con người Hà Nội. Cùng với các tác phẩm thơ, ca, nhạc, họa… điểm dấu son về thời hào hùng, thì những nguồn tư liệu báo chí, ảnh, tài liệu… phản ánh các đề tài kháng chiến, kiến quốc gắn với Hà Nội, hướng về Hà Nội trong những năm chống Pháp và sau này, cũng là kho dữ liệu, tri thức toát lên tinh thần yêu nước, thương dân; tinh thần sống, khí thế chiến đấu; niềm hy vọng và niềm tin chiến thắng; lòng quyết tâm cao độ cho ngày trở về thắng lợi trên những con đường Thủ đô.
Một số ca khúc hướng về Hà Nội thời kỳ trong và ngay sau kháng chiến chống Pháp. |
3/ Đó là những giá trị lớn lao của mạch sống văn hóa, tác phẩm văn nghệ hướng về Hà Nội, trong dòng chảy văn hóa, văn nghệ kháng chiến cả nước. Đối sánh, liên hệ từ xa về gần, từ những vinh quang quá khứ cho đến đời sống sôi động của hiện tại, chúng ta sẽ thấy được những định hướng, gợi mở, những gửi gắm của lịch sử cho hôm nay trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, tác phong con người Hà Nội. Đó là những giá trị “linh thiêng và hào hoa”, là tâm niệm “đón tương lai vào tay”, hay ý thức “mỗi tấc đất đượm máu hồng tươi”… rất cần được chú trọng trong việc xây dựng chính sách phát triển văn hóa, xã hội Thủ đô. Đặc biệt, chính tư thế nhập cuộc, những tác phẩm văn học nghệ thuật gắn bó nhiệt thành với kháng chiến là sự nhắc nhở những người xây dựng chính sách văn hóa, các văn nghệ sĩ hôm nay về tinh thần dâng hiến, phục vụ xã hội của văn hóa, văn học nghệ thuật. Thực tế sôi động đang mong đợi văn nghệ sĩ ở mối quan tâm, nung nấu sáng tạo, chung hơi thở với Thủ đô đổi mới. Văn hóa, văn nghệ kháng chiến với những tác phẩm đặc sắc cũng nói với ngày hôm nay, người hôm nay rằng, những tạo dựng mới đang vươn lên từ nền đất có nhịp đập của truyền thống, có kết tinh của quá trình giao lưu văn hóa Đông - Tây, vì thế rất cần biết trân trọng và giữ sự hài hòa, gắn kết.
Hà Nội xây dựng quy hoạch phát triển với những tầm nhìn xa về các ngành kinh tế, các lĩnh vực giao thông, giáo dục, y tế…, về tương lai của các khu vực đô thị, nông thôn, các địa phương. Trong công cuộc đó, lịch sử nêu vấn đề vận dụng văn hóa, bản sắc vào xây dựng và phát triển Thủ đô về mọi mặt; đưa tinh thần nhân văn, vì con người vào mục tiêu xây dựng, phát triển; lấy văn hóa, văn minh trang bị cho con người để trong lao động, học tập, cống hiến, vừa làm cho sung túc đời sống bằng vật chất vừa giàu có tâm hồn bằng các giá trị chân, thiện, mỹ.
Cũng như vậy, chính là để bồi đắp và nhắc nhở con người Hà Nội mới hôm nay, gồm cả những thế hệ người Hà Nội hơn nửa thế kỷ qua và những lớp người đã đến, đang đến với Hà Nội từ những phương trời xa, về ý thức trách nhiệm với Thủ đô, với cộng đồng, với chiều sâu văn hóa Hà Nội. Rằng cần biết tôn trọng, giữ gìn, bảo tồn nét hào hoa, thanh lịch, chất kiên trung, tinh thần lạc quan, hy vọng và đầy tự hào đã lắng đọng vào Hà Nội; biết làm giàu hơn cho văn hóa, tâm hồn Hà Nội bằng những gì đẹp nhất mà mình có thể bồi đắp và mang tới.