Khi công nghệ bước vào văn hóa
Một thực trạng của thời đại số, và thời đại truyền thông đại chúng: những biển thông tin tràn ngập khắp nơi, người đọc có thể tiếp cận các luồng tin từ khắp mọi nơi, nhưng lại chìm nghỉm trong các bể thông tin ấy vì thiếu kỹ năng của tiếp cận, đánh giá, giám định, phân tích thông tin, và đặc biệt là thiếu kỹ năng kiến tạo ra các thông điệp mới, tri thức mới.
Nền giáo dục và văn hóa của kỷ nguyên số trong thế kỷ 21 không còn bao khuôn trong các hoạt động đọc hiểu truyền thống, mà cần hướng đến trang bị những cách đọc, những năng lực tư duy phân tích, và tự biểu đạt mình dưới mọi hình thức, kể cả năng lực đọc viết truyền thống, cho đến kỹ năng xem-hiểu trong thời đại thông tin thị giác và văn hóa đại chúng.
Trong khi nhóm các học giả Hoa Kỳ đẩy mạnh nghiên cứu về Media literacy, thì các nhà ngữ học Úc phát triển hệ thống lý thuyết về ký hiệu học ngôn ngữ, rồi mở rộng thành ký hiệu học xã hội (social semiotics), cho đến vấn đề đa phương thức (multimodality). Văn bản không chỉ là văn bản (chữ), mà mọi hiện tượng văn hóa đều là NHỮNG VĂN BẢN. Không chỉ là ĐỌC văn bản mà còn kỹ năng XEM-ĐỌC và KIẾN TẠO VĂN BẢN. Hệ thống lý thuyết về ngữ pháp hình ảnh (visual grammar) ứng dụng cho nhiều ngành: ngữ văn, lịch sử, văn hóa, bảo tàng, di sản, thiết kế đồ họa, xuất bản, báo chí, truyền thông, điện ảnh… Các học giả này cho rằng, trong thời đại số, hoạt động “giao tiếp đa phương thức” đang chiếm một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Trong khi, trường phái Praha phát triển vào thập kỷ 30-40 của thế kỷ XX, quan tâm tới văn học, sân khấu và điện ảnh, với các học giả chính yếu như Jan Mukařovsky và Jiří Veltruský; trường phái Paris phát triển (1960-1970) dựa trên văn hóa đại chúng và việc truyền hình có mặt trong từng gia đình, với các học giả gạo cội như Roland Barthes và Christian Metz; thì Trường phái Sydney (1980-nay) đặc biệt chú trọng vấn đề đa phương thức trong giáo dục, lĩnh vực truyền thông số (“công nghệ ký hiệu”), với các học giả như Michael O’Toole, Gunther Kress, Bob Hodge, Theo van Leeuwen... Sự phát triển như vũ bão của kỹ thuật số và truyền thông số được hỗ trợ bởi các lý thuyết gia đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng học thuật-khoa học có tính toàn cầu. Sự lan tỏa này đã sớm vào Việt Nam với nhà ngữ học lừng danh Cao Xuân Hạo (1991), và GS Len Unsworth (2014, 2017, 2020), và vừa đây là Ngô Thu (2024) và Theo van Leeuwen (2025).
Độc đáo ngữ pháp hình ảnh
Hội thảo “Ngôn ngữ học chức năng và vấn đề đa phương thức” (Functional Linguistics and Multimodality) vừa được Khoa Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam (Trường Ngoại ngữ - Du lịch, Trường đại học Công nghiệp Hà Nội) tổ chức với diễn giả khách mời chính là GS. Theo van Leeuwen, GS Louis Ravelli, GS Len Unsworth, GS Đinh Văn Đức (VNU) và hơn 600 lượt người tham dự đến từ Úc, Trung Quốc, Đan Mạch, và các giảng viên đến từ nhiều cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu trên toàn quốc.
Trong lần đến Việt Nam lần này, GS Theo van Leeuwen đã trình bày hệ thống lý thuyết về “ngữ pháp hình ảnh” (Visual Grammar). Đây là một khung lý thuyết phân tích cách hình ảnh truyền tải ý nghĩa, tương tự như ngữ pháp trong ngôn ngữ viết hoặc nói, nhằm giải mã các quy tắc cấu trúc và biểu đạt trong hình ảnh, video, thiết kế đồ họa và các phương tiện trực quan khác. Ngữ pháp hình ảnh có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực, như truyền thông và quảng cáo (phân tích các poster, trailer, MV…) để hiểu cách các thông điệp được mã hóa qua hình ảnh, hay trong nghệ thuật và điện ảnh, người đọc (và cả đạo diễn, diễn viên) có thể phân tích phim, kịch, hội họa từ góc độ ký hiệu học.
Ông cho rằng, một trang báo, một poster, không phải chỉ là hình ảnh minh họa, mà nó có ngữ pháp riêng, nó là một biểu hiện cho tính đa phương thức (multimodality) để truyền đạt thông tin, giao tiếp hoặc tương tác trong các lĩnh vực như giáo dục, công nghệ, nghệ thuật… Thí dụ trong một bài giảng, giáo viên có thể kết hợp lời nói, cử chỉ, silde hình ảnh (visual), video, âm nhạc. Trong công nghệ thì các hệ thống AI đa phương thức có thể xử lý và hiểu dữ liệu từ nhiều dạng thức khác nhau (như văn bản, hình ảnh, âm thanh). Ngữ pháp hình ảnh của Van Leeuwen cung cấp công cụ để “giải mã” ý nghĩa ẩn sau hình ảnh, giúp chúng ta hiểu cách chúng giao tiếp với người xem một cách có hệ thống.
Làm giàu thêm kỹ năng xem và đọc
Lý thuyết của Theo đã được nhiều học giả Việt Nam hưởng ứng và áp dụng, với gần 60 bài viết tham gia hội thảo lần này. Một số học giả tập trung vào lĩnh vực chuyên sâu của ngôn ngữ học chức năng hệ thống. Một số học giả khác lại quan tâm đến các đối tượng cụ thể như poster quảng cáo du lịch, poster phim, truyện tranh cho trẻ em, kênh hình và kênh chữ trong sách giáo khoa, hay cận ngôn ngữ trong tiểu phẩm sân khấu hài độc thoại… Các chủ đề đa dạng đã tạo nên sức hút, khiến cho một số ekip họa sĩ của một số nhà xuất bản cảm thấy hứng thú từ góc độ của người thiết kế sáng tạo. Như đánh giá của GS, TS Nguyễn Văn Hiệp: “Hội thảo lần này đánh dấu một mốc quan trọng: 10 năm ngữ pháp hình ảnh và văn bản đa phương thức tại Việt Nam, là dấu mốc để ngôn ngữ học Việt Nam theo kịp các thành tựu trong nghiên cứu ngữ pháp hình ảnh, văn bản/diễn ngôn đa phương thức và áp dụng hiệu quả vào nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội”.
Phát triển từ lý thuyết của Theo van Leeuwen, GS Louise Ravelli (Đại học New South Wales, Sydney) trình bày bài về vấn đề cải biến thực hành trong bảo tàng và truyền thông thế kỷ XXI. Bà lập luận rằng: các buổi triển lãm [và bảo tàng] như là những văn bản đa phương thức tạo nghĩa, đó là sự mở rộng các khung giao tiếp vượt thoát ra ngoài ngữ ngôn. Mỗi một trưng bày triển lãm là một văn bản được kiến tạo bằng nhiều phương thức khác nhau. Bảo tàng là những phức hợp của hoạt động tạo nghĩa. Với tư cách là tổ chức, các bảo tàng đã “tái ngữ cảnh hóa” các thực hành xã hội trong thời đại của mình, thông qua các hoạt động sưu tầm, phân loại, nghiên cứu, giám tuyển, trưng bày, thuyết minh…
Với lý thuyết của trường phái Sydney, Việt Nam đang có cơ hội hòa nhập với học thuật quốc tế trong bối cảnh đa phương hóa và toàn cầu hóa về văn hóa. Không thể phủ nhận rằng, việc bùng nổ công nghệ số và các phương tiện truyền thông đại chúng trên toàn thế giới đang làm thay đổi cách con người sống, lao động, học tập, làm việc, và quan trọng hơn làm thay đổi cách con người nhận thức về thế giới, cách con người cư xử với thế giới và cách con người cư xử với nhau. Những sản phẩm số với sức lôi cuốn đã và đang thách thức những nền tảng cơ bản của giáo dục truyền thống. Giáo dục số, bảo tàng số, du lịch số, các sản phẩm truyền thông số đang yêu cầu con người ngày càng phải trau dồi kỹ năng XEM-ĐỌC, để mọi hiện tượng văn hóa có thể thẩm thấu một cách tự nhiên và lành mạnh vào từng tế bào của xã hội, góp phần xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.
Sự áp dụng lý thuyết này khiến ta hiểu hơn những thành công vang dội của một số bảo tàng Việt Nam, như chuyên đề về “Bao cấp” của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (VASS), hay việc xây dựng tượng đài Vòng tròn bất tử và các nghi thức trên biển của các đoàn tàu công tác trên vùng biển Gạc Ma. Đó là một hệ thống các văn bản ký hiệu để tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước, đằng sau đó là những thông điệp rõ ràng về chủ quyền biển đảo.