Hiệu quả của chiến lược chống khủng bố

Tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) vừa xác nhận thủ lĩnh Abu Ibrahim al-Qurayshi của nhóm cực đoan này đã bị tiêu diệt, đồng thời chỉ định người thay thế là Abu Hasan al-Hashemi al-Qurashi. Những cuộc truy quét của Mỹ trong thời gian qua đã khiến IS ngày càng suy yếu và khó có cơ hội khôi phục lực lượng như trước đây. 

Ngôi nhà của thủ lĩnh IS Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi ở Syria. Ảnh: AFP
Ngôi nhà của thủ lĩnh IS Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi ở Syria. Ảnh: AFP

Chiến lược “đánh rắn dập đầu”

Thông báo xác nhận của IS được đưa ra hơn một tháng sau khi giới chức Mỹ công bố đã tiêu diệt thủ lĩnh nhóm này trong một cuộc không kích của Lực lượng đặc nhiệm Mỹ nhằm căn nhà nơi y trú ngụ ở thị trấn Atme, phía tây bắc Syria. IS đã gửi đoạn ghi âm xác nhận cái chết của thủ lĩnh IS cùng người phát ngôn cũ lên các tài khoản trực tuyến của nhóm này. CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, để tránh bị bắt, Abu Ibrahim al-Qurayshi đã nổ bom tự sát khi lực lượng đặc nhiệm ập vào nơi y trú ẩn.

Al-Qurayshi, còn được gọi là Hajji Abdallah, đã tiếp quản IS vào tháng 10/2019 sau nhiều năm đảm nhận vai trò lãnh đạo cấp cao của tổ chức khủng bố này. Y được nhắc đến như là “cơn ác mộng” đối với cộng đồng người Yazidis, một dân tộc thiểu số ở Iraq bị IS truy lùng. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 3/2, al-Qurayshi đã thực thi hệ tư tưởng cực đoan của IS một cách tàn bạo, đồng thời y cũng tiến hành các chiến dịch bạo lực của IS nhằm đàn áp kẻ thù và khuất phục người dân ở khu vực chúng kiểm soát. Y điều phối các hoạt động khủng bố toàn cầu của nhóm trong thời kỳ IS mở rộng sự hiện diện và tăng cường các cuộc tiến công ở châu Phi. Al-Qurayshi nắm quyền lãnh đạo vào thời điểm IS đã suy yếu sau những chiến dịch chống khủng bố do Mỹ hậu thuẫn ở Iraq và Syria nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của nhóm này. 

Được thành lập từ năm 2014, vào thời điểm bành trướng nhất, IS từng chiếm cứ một vùng rộng lớn trải dài trên nhiều tỉnh, thành phố của Syria, Iraq và nắm giữ trong tay số phận của hàng triệu cư dân. Trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhóm khủng bố, chính quyền Syria được sự hậu thuẫn của Nga và liên minh quân sự do Mỹ cùng các cường quốc dẫn đầu, đã tiến hành chiến dịch quân sự nhằm đánh bại tổ chức thánh chiến cực đoan này. Vào tháng 3/2019, IS thất bại sau khi đánh mất phần lãnh thổ cuối cùng ở Syria. Nhưng tàn dư của IS ở Syria chủ yếu đã tìm đến sa mạc để ẩn náu và tiếp tục các hoạt động khủng bố nhỏ lẻ. 

Một báo cáo của LHQ cho thấy IS vẫn là một mối đe dọa an ninh thường trực ở khu vực. Chúng thường tuyển mộ binh sĩ, tổ chức các cuộc tiến công tại nhiều địa điểm. Vẫn có các cuộc phục kích của IS nhằm vào lực lượng do người Kurd lãnh đạo hoặc quân đội Chính phủ Syria. Các tay súng được IS tuyển mộ cũng tiếp tục tiến hành các cuộc khủng bố nhỏ lẻ ở Iraq. Báo cáo của LHQ năm ngoái ước tính khoảng 10.000 chiến binh IS vẫn hoạt động trên khắp hai quốc gia Trung Đông. 

Theo Le Monde, cuộc tiến công của lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh IS Abu Ibrahim al-Qurayshi diễn ra hai tuần sau khi IS vừa tiến hành đột kích vào nhà tù Ghwayran ở Haskah đông bắc Syria. Nhà tù bị IS tiến công là nơi đang giam giữ nhiều tay súng và các phần tử thánh chiến cực đoan. Cuộc tiến công của IS đã châm ngòi cho hàng loạt đụng độ bên trong và chung quanh nhà tù, khiến hàng trăm người thiệt mạng, đồng thời tạo sơ hở cho nhiều kẻ vượt ngục. Báo cáo sơ bộ cho thấy, hàng trăm tù nhân IS, bao gồm cả các thủ lĩnh cấp cao, được cho là đã trốn thoát, trong đó một số tên đã vượt biên sang nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ hoặc lãnh thổ do Thổ Nhĩ Kỳ nắm giữ ở phía bắc Syria. Vụ tiến công nhà tù ở Haskah được nhận định là một dấu hiệu cho thấy IS có tham vọng mở rộng lãnh thổ và mức độ đe dọa trở lại ở khu vực. 

Hiệu quả của chiến lược chống khủng bố -0
Mỹ thường xuyên sử dụng máy bay không người để tìm diệt các thủ lĩnh IS. Ảnh: AP 

Ngăn chặn “chất xúc tác” cực đoan hóa

Đến nay, cái chết của Abu Ibrahim al-Qurayshi trong đêm 3/2 tại thị trấn Atme ở tỉnh Idlib, được xem là thiệt hại lớn nhất đối với IS. Trước đó, đặc nhiệm Mỹ cũng đã tiêu diệt người tiền nhiệm của al-Qurayshi là Abu Bakr al-Baghdadi trong một chiến dịch tương tự vào năm 2019.

Thủ lĩnh mới của IS, Abu Hasan al-Hashemi al-Qurashi sẽ là kẻ cầm đầu thứ ba của nhóm kể từ khi thành lập. Trong bản ghi âm của IS tung lên mạng, người phát ngôn của nhóm này đã “cam kết trung thành với Abu Hasan al-Hashemi al-Qurashi”. Một số thông tin cho thấy, Abu Hasan là cái tên đã được người tiền nhiệm của y đề cử trước khi chết, đồng thời cũng được các thủ lĩnh cấp cao khác của IS xác nhận từ trước. 

Mặc dù vậy, giới chuyên gia an ninh nhận định danh tính thủ lĩnh mới của IS vẫn còn là một ẩn số. Chưa có nhiều thông tin về y cũng như các hoạt động trước đó. Nhà nghiên cứu tại Khoa Nghiên cứu chiến tranh của Đại học King’s College London (Anh) Tore Hamming cho biết, việc lựa chọn người kế nhiệm của IS có thể đã được đưa ra trước khi Abu Ibrahim qua đời nhằm ngăn chặn chia rẽ nội bộ. 

AFP trích lời ông Hamming cho hay: “Thủ lĩnh mới của IS cần phải là nhân vật có thể mang lại động lực và có đủ tiếng nói để kêu gọi tập hợp giữa các thành viên”. Vào thời kỳ quyền lực nhất, IS đã thu hút hàng nghìn tay súng nước ngoài, trong đó có nhiều lính đánh thuê mang hộ chiếu châu Âu trở về từ Syria hoặc các vùng xung đột trong khu vực dễ trở thành “sói đơn độc” tiến hành khủng bố dưới sự chỉ đạo từ xa của thủ lĩnh IS. 

“Việc triển khai tiêu diệt có mục tiêu, hay “tiến công tìm diệt” nhằm vào các thủ lĩnh khủng bố là một chiến thuật ngày càng phổ biến trong hoạt động chống khủng bố của Mỹ”, đây là kết luận được rút ra trong nghiên cứu của phó giáo sư Graig R. Klein tại Viện An ninh và các vấn đề toàn cầu thuộc Đại học Leiden (Hà Lan). Phân tích của ông đã được Trung tâm chống khủng bố quốc tế (ICCT) dẫn lại. Tuy nhiên, tác giả cho rằng phần lớn các lực lượng chống khủng bố thường đặt mục tiêu bắt giữ để có thể thẩm vấn kẻ tình nghi hơn là tiêu diệt chúng.

Các tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định mục tiêu của các chiến dịch truy lùng là để bắt giữ thủ lĩnh khủng bố. Song cả hai thủ lĩnh IS đã bị tiêu diệt là Abu Bakr al-Baghdadi và al-Qurayshi đều đã kích nổ bom tự sát, khiến lực lượng đặc nhiệm Mỹ không thể bắt giữ ngay cả các thành viên gia đình để thu thập thêm thông tin. Theo nghiên cứu của ICCT, việc những tên thủ lĩnh như al-Qurayshi tự sát trước khi lính Mỹ bắt giữ sẽ đóng vai trò như “chất xúc tác” cực đoan hóa, vì các thủ lĩnh sẽ được tôn sùng như những kẻ “tử vì đạo”. Các nghiên cứu về chống khủng bố trước đó cũng chỉ ra rằng, những kẻ tuyển mộ thường phát triển câu chuyện tư tưởng chung quanh những kẻ “tử vì đạo” để lôi kéo và cực đoan hóa các thành viên mới. 

Các chiến dịch tìm diệt thủ lĩnh của IS, đặc biệt là vào thời điểm tổ chức khủng bố này có dấu hiệu phục hồi tham vọng mở rộng lãnh thổ, được xem là một thành công trong cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu. Song, nhiều nhà phân tích và chuyên gia an ninh cảnh báo rằng, việc tiêu diệt thủ lĩnh của nhóm này không báo hiệu sự sụp đổ của IS. Bởi, các dữ liệu phân tích hoạt động khủng bố của IS cho thấy cái chết của al-Qurayshi có thể hạn chế tác động ngắn hạn đến khả năng và mức độ bạo lực của IS, nhưng không khiến nhóm này chấm dứt ý đồ khủng bố. Giới quan sát cho rằng, các nguồn lực nên được tập trung để cải thiện, củng cố an ninh địa phương cũng như ở quy mô khu vực và toàn cầu, thay vì chỉ tập trung tiêu diệt một vài thủ lĩnh khủng bố.