Hiện tượng công nghệ ChatGPT

ChatGPT trở thành ứng dụng internet có tốc độ tăng trưởng về số lượng người dùng nhanh nhất trong hai thập niên qua, được nhiều người xem là bước tiến lớn trong phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Tuy nhiên, ứng dụng này cũng làm dấy lên không ít lo ngại về mặt đạo đức cũng như độ tin cậy của thông tin.
0:00 / 0:00
0:00
ChatGPT đặt ra câu hỏi về mặt đạo đức và sự gian lận. Ảnh: GETTY
ChatGPT đặt ra câu hỏi về mặt đạo đức và sự gian lận. Ảnh: GETTY

“Cú huých” đối với AI

Ngày 30/11/2022, công ty chuyên về AI có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) OpenAI chính thức mở đăng ký trải nghiệm miễn phí ChatGPT, một ứng dụng được thiết kế để mô phỏng cuộc trò chuyện của con người. Theo OpenAI, ChatGPT có thể mô phỏng đối thoại, trả lời các câu hỏi theo mạch, thừa nhận sai, phản đối các cơ sở không chính xác và từ chối các yêu cầu không phù hợp.

Một số người dùng đánh giá ChatGPT như một giải pháp thay thế cho công cụ tìm kiếm Google vì có khả năng cung cấp các mô tả, câu trả lời cho các câu hỏi phức tạp. Ứng dụng này có thể tạo các đoạn văn bản tự động theo yêu cầu, dịch văn bản từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác, phát hiện hoặc thậm chí là sửa các lỗi lập trình... Nhờ vậy, chương trình này có thể được ứng dụng vào nhiều mục đích khác nhau, đặc biệt là ở vai trò của một trợ lý ảo hoặc các hệ thống tự động chăm sóc khách hàng. Nhiều người sử dụng ChatGPT cho những mục đích cá nhân như giải toán, làm thơ, viết bài phân tích văn học…

Hãng tin Reuters dẫn nghiên cứu của hãng thống kê UBS tại Mỹ cho thấy, số người dùng ChatGPT đã cán mốc 100 triệu người/tháng chỉ sau hai tháng được ra mắt, giúp ChatGPT trở thành ứng dụng internet có tốc độ phát triển về lượng người dùng nhanh nhất. Nghiên cứu của UBS dẫn số liệu của công ty phân tích Similar Web cho biết, khoảng 13 triệu người đã sử dụng ChatGPT/ngày trong tháng 1/2023, gấp đôi số người dùng mỗi ngày trong tháng 12/2022.

Theo đánh giá của các nhà phân tích của UBS, trong suốt 20 năm qua, chưa có ứng dụng internet nào có lượng người dùng phát triển nhanh như ChatGPT. Thống kê của nhà cung cấp thông tin Sensor Tower cho thấy, nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok cần chín tháng sau khi phát hành toàn cầu để đạt mốc 100 triệu người dùng, trong khi ứng dụng chia sẻ hình ảnh Instagram mất tới 2,5 năm, ứng dụng dịch Google Translate cần tới 6,5 năm.

ChatGPT được phát hành miễn phí. Các khách hàng tiềm năng mà ChatGPT hướng đến không chỉ là người dùng đơn lẻ mà còn là các tập đoàn công nghệ hoặc các nhà đầu tư lớn có sự quan tâm đến công nghệ AI. OpenAI dự kiến sẽ sớm đạt ​​​​doanh thu 200 triệu USD vào năm 2023 và một tỷ USD vào năm tiếp theo.

Hôm 2/2, OpenAI tung ra gói đăng ký 20 USD/tháng cho phiên bản ChatGPT Plus, nhằm cung cấp cho người dùng dịch vụ ổn định hơn, nhanh hơn cùng các tính năng tiên tiến so bản miễn phí. Các nhà phân tích nhận định, ChatGPT sẽ giúp OpenAI giành được lợi thế đi đầu trước những công ty phát triển AI khác. Lượng người dùng ngày càng tăng sẽ đem lại phản hồi giá trị để giúp nâng cấp ứng dụng này.

OpenAI vốn là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 2015 và nhận được một số nguồn tài trợ từ tỷ phú người Mỹ, Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của hãng công nghệ Tesla, ông Elon Musk, đồng sáng lập nền tảng xã hội LinkedIn, ông Reid Hoffman và một số nhà đầu tư. Ba năm sau khi OpenAI được thành lập, Elon Musk rời khỏi đội ngũ điều hành công ty, song tiếp tục quyên góp cho tổ chức phi lợi nhuận này.

Từ cuối năm 2019, OpenAI thay đổi định hướng phi lợi nhuận và chuyển sang chiến lược mới, nhất là sau khi nhận được khoản đầu tư một tỷ USD từ Microsoft. Khoản tài trợ khổng lồ này giúp OpenAI nhanh chóng xây dựng hạ tầng và cơ sở dữ liệu cần thiết cho các sản phẩm mới. Hôm 23/1, Microsoft đã công bố khoản đầu tư nhiều năm vào OpenAI. Theo một số nguồn tin, giá trị của khoản đầu tư này có thể lên tới 10 tỷ USD.

Sự xuất hiện của ChatGPT khiến các “gã khổng lồ” công nghệ như Google, Microsoft hay Meta xem xét lại các dự án AI của mình. Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Washington Post, các đại diện của Google và Meta thừa nhận ChatGPT đang gây áp lực lên các “ông lớn” công nghệ tại Thung lũng Silicon. Nhiều nhân viên yêu cầu Meta tăng tốc quy trình kiểm duyệt AI để tận dụng lợi thế công nghệ, trong khi Google cũng đẩy mạnh phát triển, đánh giá các phần mềm AI. Microsoft muốn tích hợp chatbot vào bộ ứng dụng Office.

Những lo ngại

Quan ngại về mặt đạo đức là nhận định chung được nhiều chuyên gia đưa ra khi đề cập ChatGPT. Theo giới chuyên gia, AI có thể góp phần phổ biến các định kiến trong xã hội như phân biệt chủng tộc. Máy móc được lập trình bởi con người và có thể trở thành phương tiện phản ánh những định kiến cá nhân.

Với khả năng tạo ra các đoạn văn, thơ, tiểu luận khá mạch lạc trong thời gian ngắn, ChatGPT làm dấy lên mối lo ngại về đạo văn hay gian lận trong học tập. GS chuyên ngành Đạo đức và Triết học tại Đại học Oxford (Anh) Carissa Veliz cho rằng, việc ChatGPT có thể cung cấp cho bất cứ học sinh nào một bài luận đạt yêu cầu một cách miễn phí chỉ trong vài giây là vấn đề cần được nghiêm túc nhìn nhận lại. ChatGPT thậm chí có thể tạo điều kiện khiến nạn phát tán tin giả trở nên trầm trọng hơn.

Nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng ChatGPT để đạo văn, Viện Nghiên cứu chính trị Paris Sciences Po, một trong những trường đại học hàng đầu nước Pháp, đã cấm sinh viên sử dụng ứng dụng này cũng như các phần mềm AI khác. Hình phạt đối với việc sử dụng ChatGPT có thể lên đến mức đuổi học, thậm chí là không được tham gia hệ thống giáo dục đại học của Pháp. ChatGPT cũng bị cấm ở một số trường công lập tại New York và Seattle (Mỹ). Nhiều trường đại học của Mỹ đã công bố kế hoạch giao ít bài đánh giá mang về nhà hơn, thay vào đó là yêu cầu sinh viên thực hiện nhiều hơn các bài tiểu luận viết tay và bài kiểm tra vấn đáp.

Viện phó Quản trị và phát triển, Đại học Nhân dân Trung Quốc Guo Ying Jian cho rằng, hệ thống giáo dục đại học nên chuẩn bị ứng phó trước tác động của ChatGPT. Ông cho rằng, học sinh nên được học cách tận dụng một cách tốt nhất công nghệ này để kích thích sự sáng tạo và tư duy. Theo chuyên gia Trung Quốc, hiện AI chưa thể thực hiện các nghiên cứu gốc, song với sự phát triển nhanh chóng tương lai ấy sẽ không còn xa.

PGS Wang Yanbo tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng, thay vì cấm sử dụng ChatGPT trên lớp, giáo viên nên thiết kế lại cách giảng dạy và cách tương tác với nội dung bài giảng của học sinh. Theo ông Wang Yanbo, các giáo viên sẽ sớm phải tích hợp công nghệ như ChatGPT vào bài giảng và trên lớp học để giúp học sinh chủ động nắm bắt công nghệ mới của thế giới.

Tạp chí Nature cũng chỉ ra rằng, các giáo viên nên quan ngại về việc giờ đây học sinh sẽ nhờ ChatGPT làm hộ bài tập, song cũng nhắn nhủ các nhà quản lý giáo dục cần thích nghi để đề cao tư duy phản biện và suy luận, những thứ mà ChatGPT chưa thể làm được trong các bài tập của học sinh.

Trong khi đó, nhà kinh tế học Paul Krugman của Đại học Princeton (Mỹ) đánh giá rằng, ChatGPT sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu lao động, nhất là lao động tri thức. Sự xuất hiện của ChatGPT càng làm gia tăng lo ngại về khả năng AI sẽ thay thế con người, đặc biệt là ở các công việc yêu cầu khả năng tổng hợp, phân tích, tạo lập văn bản và trả lời.

Tuy nhiên, trên thực tế, chính công ty OpenAI từng thừa nhận: ChatGPT cũng có thể đưa ra câu trả lời hoàn toàn sai, đôi khi là những câu trả lời có vẻ hợp lý, nhưng không chính xác hoặc vô nghĩa. Chất lượng và độ chính xác của câu trả lời do hệ thống tạo ra phụ thuộc rất lớn vào quá trình đào tạo AI từ nguồn dữ liệu đầu vào. Phiên bản ChatGPT hiện tại được xây dựng dựa trên kho dữ liệu có từ năm 2021 trở về trước, do vậy không thể cung cấp thông tin chính xác sau khoảng thời gian này.

Các chương trình như ChatGPT chỉ có thể hỗ trợ con người trong một số khía cạnh, đặc biệt là những công việc mang tính chất tổng hợp, lặp đi lặp lại. Các thuật toán của AI chưa thể tạo ra những nội dung có chất lượng cao, nhất là ở những lĩnh vực cần kinh nghiệm, chuyên môn sâu và khả năng sáng tạo.

Giới chuyên gia công nghệ nhận xét, ChatGPT vẫn còn đi sau công cụ tìm kiếm Internet Google về khả năng cập nhật dữ liệu và kiểm chứng thông tin. Google đưa ra các câu trả lời kèm theo theo các đường link, trong khi ChatGPT thì không. Theo nhận định của CNBC, kết quả từ Google vẫn đáng tin cậy hơn, nhờ nhiều năm kinh nghiệm trong việc phát triển công cụ tìm kiếm cũng như nguồn tài chính khổng lồ để đầu tư cho công nghệ. CEO Sam Altman của OpenAI khẳng định, ChatGPT chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu và khó có thể đánh bại một “gã khổng lồ” như Google trong một thời gian ngắn.