Hành trình về với nghệ thuật truyền thống

Được tổ chức để các bạn sinh viên so tài biểu diễn nghệ thuật truyền thống, vừa qua, đêm chung kết chương trình “Thanh âm đất Việt” đã diễn ra thành công tại Hà Nội. Là sân chơi do chính các bạn trẻ thực hiện, sức hấp dẫn của cuộc thi là sự sáng tạo, gần gũi, nhiệt huyết, đưa nhạc cổ truyền về với không khí học đường. 

Đội Hồn Việt biểu diễn trích đoạn Nỗi oan hại chồng.
Đội Hồn Việt biểu diễn trích đoạn Nỗi oan hại chồng.

Thử sức với nghệ thuật dân gian

Là sinh viên Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), ĐH Quốc gia Hà Nội, cô gái Nguyễn Thị Nhung chỉ mới vài lần xem các trích đoạn chèo trong giờ học trên giảng đường. Vậy mà ở đêm chung kết “Thanh âm đất Việt”, Nhung đã thể hiện thành công vai Mãng Ông trong trích đoạn Nỗi oan hại chồng trong vở chèo Quan Âm Thị Kính.

Nhung chia sẻ: “Cách đây gần một tháng, em có nghe được thông tin về chương trình “Thanh âm đất Việt” do hai câu lạc bộ (CLB) sinh viên của trường là CLB Sứ giả văn hóa và CLB Văn hóa dân gian tổ chức, lúc đó tâm thế của em là một khán giả háo hức xem các bạn biểu diễn. Nhưng đọc thể lệ cuộc thi dành cho các bạn sinh viên nghiệp dư, rồi nhận được lời động viên từ bạn bè, em quyết định đăng ký tham gia. Mong muốn của em là được hiểu rõ hơn về các loại hình nghệ thuật dân gian, nên áp lực không phải là giải thưởng mà là nỗi sợ rằng mình chưa đủ giỏi, chưa đủ hiểu, sợ rằng mình diễn không ra chất chèo”.

Đội thi Hồn Việt của Nhung đều là những thành viên bị “cuốn” vào chèo từ khi nào chẳng biết, rồi cùng nhau say sưa luyện tập, học hỏi, trau dồi. Nhờ tâm huyết đó mà nhóm đã mang đến một tiết mục rất ấn tượng, chinh phục được Ban giám khảo là các nghệ sĩ kỳ cựu như NSND Xuân Hoạch, các chuyên gia văn hóa và cả khán giả để giành giải nhất chung cuộc. 

Cùng với chèo, sáu đội thi còn lại đã chọn các thể loại khác như xẩm, quan họ để cùng thi tài trong đêm chung kết. Là người chứng kiến các tiết mục của các bạn sinh viên, TS Lê Thị Thanh Tâm (Trưởng khoa Việt Nam học và Tiếng Việt) ấn tượng sâu sắc với các tiết mục dự thi. Theo vị giảng viên này: “Chỉ có thể là tình yêu sâu nặng với nghệ thuật truyền thống của dân tộc, bản tính hồn nhiên chấp nhận thử sức ở những lĩnh vực mà mình không quen thuộc và phẩm chất làm việc hết sức kỷ luật của các bạn trẻ mới có thể mang lại một đêm hội như thế”.

Kết nối sinh viên với văn hóa truyền thống

“Thanh âm đất Việt” được tổ chức với mục đích tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các bạn sinh viên có niềm yêu thích, đam mê với nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam. Mặc dù những thí sinh là người không chuyên nhưng tinh thần và nhiệt huyết của các bạn trẻ đã mang tới những điều bất ngờ, tạo nên một đêm hội thăng hoa từ người biểu diễn đến cả khán giả.

Là người luôn ủng hộ và đồng hành cùng các bạn trẻ trong các hành trình về với truyền thống, NSND Xuân Hoạch đánh giá, cuộc thi rất có ý nghĩa với thế hệ trẻ. Ông nhận thấy tín hiệu đáng mừng vì các bạn sinh viên rất say sưa khi thể hiện các tiết mục, còn những khán giả “xem cũng rất là mê”. Đồng tình với quan điểm này, TS Lư Thị Thanh Lê (giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành, Trường đại học KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội), một thành viên của Ban giám khảo cũng bày tỏ: “Đến với cuộc thi này, phần lớn các bạn sinh viên mới bắt đầu có sự thử sức với loại hình âm nhạc dân gian Việt Nam nhưng đã thể hiện rất tốt. Thậm chí có bạn còn được những nghệ sĩ gạo cội như NSND Xuân Hoạch khen ngợi vì sự nhập tâm, độ chuyên nghiệp”. 

Chính sự động viên, khích lệ của những thế hệ đi trước đã truyền thêm động lực, kết nối thế hệ trẻ hiện đại với nghệ thuật truyền thống. Bạn Trần Thị Vân, Trưởng Ban tổ chức Đêm hội âm nhạc dân gian “Thanh âm đất Việt”, Chủ nhiệm CLB Sứ giả văn hóa (Trường đại học KHXH&NV) hào hứng chia sẻ: “Với sứ mệnh “Tự hào lan tỏa bản sắc Việt”, thời gian tới, chúng em sẽ tổ chức thêm các chương trình hướng tới bảo tồn văn hóa truyền thống. Em nghĩ rằng, hai trong số những giải pháp quan trọng, đó là giáo dục nghệ thuật và đẩy mạnh quảng bá, truyền thông, tức là vừa phải nghiên cứu kiến thức, vừa tổ chức các chương trình hướng tới thực tế. Để làm được điều đó, chúng em sẽ tổ chức thêm những buổi tọa đàm, talkshow, nghiên cứu khoa học cũng như những buổi trải nghiệm thực tế, liên kết với những lớp học cho những bạn sinh viên yêu thích các thể loại nghệ thuật truyền thống Việt Nam”.