Hành trình của Huyền Macrame

Lối đi mới với nghệ thuật thắt dây macrame của chị Trương Thị Huyền (SN 1986) đã có những kết quả đáng mong đợi. Sáng tạo nghệ thuật trong xưởng sản xuất nằm ở phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) đã mở ra cơ hội việc làm cho nhiều chị em phụ nữ tại địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Chị Huyền (đứng) hướng dẫn chị em làm sản phẩm.
Chị Huyền (đứng) hướng dẫn chị em làm sản phẩm.

Bắt đầu từ món đồ khó nhất

Trương Thị Huyền mang macrame tới đất cố đô vào năm 2021, khi cả xã hội đang bị dịch bệnh gây ảnh hưởng nặng nề. Đó cũng là dấu mốc được chị Huyền quyết định chọn làm thời điểm rẽ lối cho mình (khi đó chị đang làm việc trong ngành du lịch). Từ góc nhìn có thể thương mại hóa một dòng sản phẩm nước ngoài còn rất xa lạ ở Việt Nam, cơ hội cho Huyền vô cùng lớn vào giai đoạn đó.

Để có được sản lượng xuất bán hơn 1.000 sản phẩm/tháng ra thị trường trong thời điểm hiện nay, quá trình từ việc lựa chọn, tìm hiểu những tính chất đặc trưng của macrame cho đến công đoạn gây dựng nên hệ thống sản xuất của chị Huyền không hề đơn giản.

“Nghệ thuật macrame còn rất mới mẻ ở Việt Nam, liệu chị có quá liều lĩnh khi đầu tư sản xuất?” - “Tất nhiên một phong cách nghệ thuật mới mẻ sẽ có nhiều trở ngại khi chúng ta đưa nó về. May mắn đến bây giờ, các sản phẩm của tôi qua nhiều lần kiên nhẫn nâng cấp, chỉnh sửa đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường”, chị Huyền bày tỏ.

Huyền bắt đầu với một món đồ khó đan nhất cho đến bây giờ: làm một chiếc xích đu từ những nút thắt macrame. Từ sự hướng dẫn từ xa của một người bạn thông qua các clip được gửi đến, chị Huyền bắt đầu những ngày dài đan sợi cotton. Năm lần bảy lượt phải tháo sợi cotton vì các chi tiết quá phức tạp, dễ bị rối. Huyền quyết tâm kiên nhẫn phải làm bằng được và kết quả là một bộ xích đu đều đặn các đường nét cùng bộ khung cứng cáp đã ra đời. Thử thách do chính mình tạo ra đã được bản thân vượt qua, niềm tin trong cô gái trẻ này càng thêm chắc chắn về tương lai của dòng sản phẩm macrame.

Không đơn thuần là những món đồ được sử dụng bình thường, nghệ thuật macrame là một câu chuyện độc đáo cùng tính sáng tạo không có giới hạn. “Những người tìm đến sản phẩm macrame đều có các phong cách sống riêng biệt. Ý tưởng ban đầu của khách hàng được họ miêu tả rõ ràng với mình. Kế tiếp là những đánh giá, góp ý cho bản mẫu và kết hợp cùng với đôi tay của người đan, từ đó cho ra một sản phẩm thú vị, mang dấu ấn cá nhân rõ nét”, chị Huyền chia sẻ.

Hành trình của Huyền Macrame ảnh 1

Sản phẩm mành lá Macrame treo tường.

Khi nghệ thuật Arab kết hợp người thợ Huế

Ngay từ những ngày đầu rẽ hướng sang lĩnh vực sản xuất sản phẩm macrame, chị Huyền đã hướng đến tính lan tỏa ra cộng đồng, trong đó tập trung vào các chị em phụ nữ có tay nghề may vá, đan lát, thêu thùa tại địa phương. Huế là vùng đất có nền văn hóa lâu đời, trong đó, các làng nghề thủ công truyền thống chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, lối mòn sản xuất nhỏ lẻ ở các làng nghề dần làm giảm đi số lượng người lao động có tay nghề cao. Do đó, việc tìm kiếm và lên danh sách những phụ nữ có tính tỉ mỉ, cẩn thận, có niềm đam mê với nghề đan là công đoạn đầu tiên khi chị Huyền mở xưởng sản xuất.

Hiện tại, có 19 chị em từ 20 đến 60 tuổi, tất cả đều là người dân sống ở Huế đang làm việc tại xưởng cùng chị Huyền. Tùy vào nhu cầu, điều kiện sinh hoạt mà các thành viên có thể làm trực tiếp tại xưởng hoặc nhận hàng về làm tại nhà riêng. “Từ chỗ tìm được niềm đam mê đan lát của chị em mà khi tôi hướng dẫn sang nghệ thuật macrame, mọi người học việc rất nhanh. Có một số bạn trẻ chỉ học một buổi là đã làm được một sản phẩm. Đôi tay họ đã quen nên độ tinh xảo của mỗi sản phẩm đều rất cao”, chị Huyền phấn khởi nói.

Lê Thị Thùy Tiên (SN 2003) và Võ Thạch Hương Giang (SN 1994) là hai cô gái đang làm việc trực tiếp tại xưởng. Mỗi ngày, dòng sản phẩm được hai chị em cùng làm là những mẫu túi xách. Hương Giang đảm nhận công đoạn chuẩn bị, cắt lượng sợi phù hợp đủ để đan một chiếc túi xách. “Để đan thành một chiếc túi hoàn chỉnh cần dùng khoảng 300g sợi cotton, đó là theo đúng tiêu chuẩn kích thước. Mỗi ngày, với khả năng của tôi thường đan được bốn đến năm chiếc túi. Sau đó, việc may lớp vải lót bên trong sẽ do chị Huyền làm hoàn thiện”, chị Giang cho biết.

Còn với Thùy Tiên, thời gian gắn bó với nghề đan macrame của cô sắp tròn một năm. Đôi tay khéo léo của Tiên dễ dàng hoàn thiện chắc chắn các nút thắt, tạo sự mềm mại, đều đặn trên từng chiếc quai đeo. Tuy nhiên, do phụ thuộc nhu cầu của từng khách hàng mà mỗi sản phẩm có cấu tạo, quy cách đan khác nhau. Với những mẫu mã mới đó, chị Huyền hỗ trợ Tiên trong việc tạo nút thắt đúng hướng, giảm bớt việc tháo bỏ những công đoạn bị sai sót. Được làm công việc mình yêu thích và tạo ra sản phẩm mới lạ cho thị trường, hiện tại, mỗi tháng các chị em tại xưởng nhận mức tiền công từ 4-5 triệu đồng/người.

Mở lối xuất ngoại cho sản phẩm

Câu chuyện để đưa sản phẩm đến gần hơn với thị trường và nâng tầm giá trị một cách nhanh nhất, chị Huyền cho rằng cần phải để sản phẩm tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, quốc gia khác nhau. Thailand, Brunei cùng một số nước khu vực Đông Âu là những thị trường chính của các món đồ như rèm treo tường, mành lá, võng, túi xách, lồng đèn… theo phong cách macrame do chị Huyền làm ra.

Sau mỗi chuyến hàng xuất đi nước ngoài, những bài học chị Huyền nhận được là sự khắt khe, chuẩn xác của khách hàng nước ngoài đặt ra đối với từng sản phẩm. Theo đó, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường là hai trong nhiều tiêu chí theo sát từng món đồ được làm ra, từ khâu bảo quản nguyên liệu sợi cotton đến gia công, đóng gói… Điều đó không quá xa lạ khi chị Huyền đã từng có một thời gian dài công tác trong lĩnh vực du lịch, được tiếp xúc và hiểu rõ tâm lý các đoàn du khách quốc tế.

Quá trình làm một sản phẩm theo nghệ thuật macrame có nét thú vị nằm ở sự háo hức, mong đợi của người thợ đan. Đó là điều rõ nét nhất từ khi lên mẫu thiết kế ban đầu cho đến khi sản phẩm hoàn thiện. Trong quá trình đan, việc siết nút thắt chặt hay lỏng, từng đường nét uốn lượn đều mang dấu ấn, tâm lý của người thợ đan. Do đó, dòng sản phẩm macrame dễ dàng được ứng dụng trang trí ở nhiều không gian, nhiều phong cách sống.

Gắn bó với sản phẩm nghệ thuật này trong thời gian qua, điều làm các chị em ở xưởng hạnh phúc nhất là đã có nhiều hơn những khách hàng, người yêu nghệ thuật tìm đến câu chuyện của macrame xứ Huế. “Người dân trong nước hiểu hơn về macrame, còn du khách quốc tế lại biết được câu chuyện macrame vốn của nước ngoài, hiện tại được sống và phát triển ở chính Việt Nam chúng ta”, cô gái trẻ Trương Thị Huyền bày tỏ.

Niềm đam mê với macrame của chị Huyền không chỉ dừng lại ở việc sản xuất đơn thuần như hiện tại. Những hình ảnh, câu chuyện văn hóa đặc trưng xứ Huế như tà áo dài tím, những công trình di tích, cuộc sống vùng quê… đang là nguồn cảm hứng sáng tạo được chị lồng ghép lên bề mặt các sản phẩm để xuất khẩu ra nước ngoài trong tương lai.

Macrame là kỹ thuật thắt nút của người Arab, xuất hiện vào thế kỷ 13. Người ta dùng các sợi dây cùng kỹ thuật tạo hình để tạo thành hoa văn cho các sản phẩm. Đến nay vẫn chưa có dây chuyền máy móc nào hỗ trợ việc sản xuất macrame, tất cả đều được làm bằng đôi tay tỉ mỉ, cẩn thận của người thợ đan.