Hàng cây di sản

Có một lần tôi đi từ huyện Nông Cống qua huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) để lên đền Nưa, người dân làm ruộng bên đường hướng dẫn, khi nào nhìn thấy con đường có hàng xà cừ thì rẽ vào đường đó mà đi, là đến.
0:00 / 0:00
0:00
Hàng cây di sản

Đường lên đền xưa có cây cao bóng tỏa mát luôn có cảm giác an lành. Đó là hàng cây xà cừ trồng hai bên đường dẫn vào khu di tích lịch sử đền Nưa, thuộc thị trấn Nưa (Triệu Sơn), một vùng đất có tên cũ gọi là Cổ Định của xứ Thanh. Vùng đất này có nhiều nhà cổ và người dân địa phương thường nói với nhau bằng tiếng địa phương với những âm tiết khác xa tiếng phổ thông, do đó, người dân xứ Thanh gọi là tiếng Cổ Đệnh.

Khi rẽ vào hàng cây xà cừ thì một câu hỏi hiện lên trong đầu rằng, giữa một vùng làm ruộng, trồng màu và ngày trước quanh năm thiếu củi, dân chỉ nấu bằng rơm, rạ hoặc những ngày nông nhàn thì vào núi cắt bổi gánh về phơi khô làm củi đun nhưng sao họ vẫn giữ được hàng cây này? Những cây xà cừ cao lớn, gốc to và trên ngọn không thấy có vết dấu cưa cắt hoặc tỉa cành.

Hàng xà cừ là đồng lúa cùng ao chuôm, không có nhà dân, tạo một không gian thoáng đãng. Những cây xà cừ sống trong đồng làng, gần người dân chăm chỉ thuần phác khiến cho hàng cây cũng dẻo dai trước thiên nhiên khắc nghiệt. Không có cơn bão nào khiến cây bung gốc, gãy cành, cho dù thế đứng của cây trước đây là con đường đất đắp nhỏ, sau này đã được bê-tông hóa tránh sình lầy ngày mưa, bụi bặm ngày nắng khô. Có lẽ vì điều này khiến các ban phòng chống lụt bão cũng không có lý do để cắt cành, hạ thấp ngọn cây nhằm tạo ra một hành lang an toàn như ở thành phố lớn hoặc khu dân cư đông đúc.

Lý do nào mà cây vững bền, thoải mái tỏa cành, vươn ngọn như vậy? Nhiều người sống gần đó giải thích, do rễ cây đã cắm sâu vào lòng đất, thân và ngọn cây không bị thương tổn nên nước mưa không thẩm thấu vào thân cây tạo nên những “khối u” mục mại.

Nhiều cụ già trong làng cho biết, hàng cây xà cừ được trồng từ thời Pháp thuộc, năm 1923. Ngày đó, mặt đường còn thấp, gốc cây sau nhiều năm cũng trồi lên thớ rễ to đùng tạo điểm nghỉ, chỗ ngồi cho người dân làm đồng, hóng mát. Năm 2022, hàng cây được công nhận là Cây di sản. Năm nay cũng là 100 năm tròn cho hàng cây có lối đi mát mẻ, cho những ai muốn trở về.