Chỉ hai ngày trước hạn chót hết hiệu lực, Nga và Ukraine đã nhất trí tiếp tục thực hiện thỏa thuận do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ. Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine cho biết, thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc của nước này qua Biển Đen đã được gia hạn 120 ngày, bắt đầu từ ngày 19/11. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, thỏa thuận gia hạn đã được các bên công bố tại Istanbul, tiếp tục thực thi các điều khoản hiện hành và LHQ cùng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đóng vai trò bên bảo trợ thỏa thuận.
Với vai trò trung gian của LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ, thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, còn gọi là Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, được Nga và Ukraine ký riêng rẽ tại Istanbul ngày 22/7 vừa qua, với thời hạn 120 ngày, tức là hết hiệu lực vào ngày 19/11. Thỏa thuận giúp tạo hành lang quá cảnh trong xuất khẩu trên tuyến đường qua Biển Đen, để cung cấp ngũ cốc Ukraine, bảo đảm nguồn cung lương thực cho các thị trường quốc tế trong bối cảnh xung đột xảy ra tại Ukraine. Đi kèm thỏa thuận còn có bản ghi nhớ về tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga, với thời hạn ba năm.
Theo phía Ukraine, nhờ Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, gần 500 tàu chở khoảng 11 triệu tấn ngũ cốc từ ba cảng của Ukraine đã được xuất khẩu ra thế giới. Tuy nhiên, phía Nga cáo buộc, dù không là mục tiêu trực tiếp của các lệnh trừng phạt của phương Tây, song hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga vẫn bị hạn chế do biện pháp trừng phạt, khiến các nhà xuất khẩu gặp khó khăn trong thanh toán, vận chuyển và bảo hiểm. Nga cũng lo ngại hành lang ngũ cốc Biển Đen có thể bị lợi dụng vào các mục đích quân sự. Đây là lý do Nga chần chừ quyết định tiếp tục tham gia Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen.
Đồng ý gia hạn thỏa thuận, Nga nhấn mạnh yêu cầu “không có bất kỳ thay đổi nào về các điều khoản và phạm vi”. Moscow lưu ý rằng, các vấn đề liên quan xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga cần được giải quyết triệt để trong 120 ngày tới. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cũng nêu rõ: Bất kỳ nỗ lực nào sử dụng hành lang nhân đạo trên Biển Đen cho các mục đích khiêu khích quân sự sẽ bị kiên quyết ngăn chặn.
Trong thông cáo báo chí đưa ra sau khi các bên đồng ý gia hạn triển khai Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres hoan nghênh các bên đã nỗ lực để thỏa thuận tiếp tục được thực hiện và hỗ trợ hoạt động xuất khẩu an toàn các loại ngũ cốc từ Ukraine. Nhà lãnh đạo LHQ cũng cam kết nỗ lực gỡ bỏ các rào cản đối với lương thực và phân bón xuất khẩu của Nga. Ông Guterres nhấn mạnh: Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen đã giúp hạ nhiệt giá ngũ cốc và tránh cho thế giới rơi vào khủng hoảng lương thực nghiêm trọng. Việc sáng kiến tiếp tục được triển khai cho thấy tầm quan trọng của ngoại giao và đối thoại trong việc tìm kiếm giải pháp đa phương.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng cho biết, một thỏa thuận khác đang được thảo luận, theo đó ngũ cốc xuất khẩu của Nga có thể được chế biến thành dạng bột mì, sau đó chuyển tới các nước châu Phi, giúp tháo gỡ tình trạng thiếu lương thực tại châu lục. Ủy ban châu Âu (EC) và nhiều nước cũng hoan nghênh các bên đã nỗ lực gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc, góp phần hạ nhiệt áp lực về an ninh lương thực toàn cầu.
Theo số liệu thị trường, giá lúa mì đã giảm ngay sau khi có thông tin thỏa thuận ngũ cốc Ukraine được gia hạn. Giới phân tích cho rằng, xu hướng giảm giá có thể được duy trì nếu tình trạng nghi kỵ lẫn nhau được loại bỏ. Tuy nhiên, viễn cảnh chưa thật sự rõ ràng sau bốn tháng nữa, khi thỏa thuận lại tiếp tục hết hiệu lực. Hơn nữa, thỏa thuận chỉ bền vững chừng nào yêu cầu của Moscow được đáp ứng về bảo đảm loại bỏ các biện pháp hạn chế, trừng phạt nhằm vào lương thực, phân bón xuất khẩu của Nga. Điều này đòi hỏi nỗ lực gây dựng lòng tin không chỉ từ phía Nga và Ukraine.