Chúng tôi tạm khép lại những dòng từ vùng đỏ, bằng câu chuyện của bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh là Phó Chỉ huy Trung tâm cấp cứu 115 dã chiến. Tổng đài hiện có khoảng 250 nhân sự thuộc nhiều đơn vị, trong đó có 130 tình nguyện viên là sinh viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nơi BS Thanh công tác. Họ đã có mặt tại đây từ cuối tháng 7 để liên tục trực 60 đường dây cấp cứu với mấy nghìn trường hợp cần giúp mỗi ngày.
Mong vùng đỏ thành xanh, mong được về nhà! Đó là tâm niệm của tất cả lúc này.
Tối nhận lệnh, mai đi luôn
Vừa quay về nhà sau một tháng tham gia công tác hỗ trợ phòng, chống dịch tại quận Bình Thạnh, tôi nhận lệnh đến Trung tâm cấp cứu 115 dã chiến thực hiện nhiệm vụ mới. Xếp vội sáu bộ đồ mổ, ba bộ đồ mặc nhà cùng ít vật dụng cần thiết vào vali, cứ vậy tôi lên đường. Lúc đó, tôi chưa hình dung cụ thể mình sẽ làm những gì. Lên trung tâm, tôi được chọn làm Phó chỉ huy, một phần việc áp lực không hề nhỏ. Tôi tự dặn mình phải làm cho “tròn” nhiệm vụ lần này.
Đêm đầu tiên tại trung tâm, tôi và các tình nguyện viên (TNV) ngủ trên ghế bố vì chưa kịp bố trí chỗ nghỉ ngơi. Tất cả tập trung cho việc hoàn thiện hạ tầng kết nối để tổng đài không nghẽn. Ngày cũng như đêm, 60 đường dây reo liên tục, tổ tiếp nhận thông tin, tổ lọc bệnh, tổ điều phối đều làm việc hết công suất. TNV làm việc theo ca, mỗi ngày 8 tiếng. Tôi làm từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, có ngày xong việc mới ngưng để kịp xử lý các tình huống phát sinh. Nhưng, chúng tôi ổn!
Hôm nay thứ hai, từ sáng, tôi có cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của trường. Báo cáo kết quả công việc trong tuần xong, tôi đề xuất thêm các phương án hỗ trợ vì muốn cứu thêm nhiều người, chuyển viện kịp thời cho nhiều trường hợp hơn. Xong việc chuyên môn, tôi quay sang lo công tác hậu cần. Nước uống vừa hết. May quá, tìm khắp nơi lại có. Điện thoại báo tin nhắn, tôi mở ra đọc, TNV báo có “ca đặc biệt” muốn nhờ hỗ trợ. Đó là ca người nước ngoài mắc Covid-19, lượng SPO2 giảm sâu, cần xử lý gấp, họ khá hoảng loạn. Tôi gọi điện cho bệnh nhân ngay. Xử lý xong, tôi tiếp tục phần việc trong ngày trước khi đi nhận cơm trưa về cho TNV.
Khi chưa có dịch, mỗi ngày, tổng đài 115 nhận khoảng vài trăm cuộc gọi. Giờ mỗi ngày dao động từ 4.000 đến 6.000 cuộc, nơi nào cũng gấp gáp, sợ không kịp. Mọi thứ đều khẩn trương tối đa. Chúng tôi luôn cố gắng nghe nhiều nhất các cuộc gọi để người dân an tâm hơn. Chúng tôi có một Tổ đặc biệt tập trung xử lý các ca rất nặng và tìm cách chuyển viện cho bệnh nhân trong trường hợp cần thiết. Thế nhưng, cũng có trường hợp không cứu kịp, day dứt lắm. Thấy bệnh nhân chuyển nặng, qua đời, chúng tôi rất đau lòng. Do đó xử lý được ca nào, cả đội mừng lắm. Ngày nào cũng vậy, suốt buổi chiều, trong quá trình giám sát, có trường hợp nào nguy kịch, tôi liền vào làm tổng đài viên, điều phối viên. Miễn sao người bệnh được bảo vệ sớm nhất trong giai đoạn này. Mấy bạn trong đội đặt cho tôi biệt danh “chuyên gia ca khó”.
Ở đây áp lực về tinh thần rất lớn. TNV dễ rơi vào tình trạng đau khổ khi thấu cảm nỗi đau của bệnh nhân. Nghe quá nhiều nỗi đau của bệnh nhân đến một lúc nào đó không chịu được nữa cả người tiếp nhận, sàng lọc lẫn điều phối đều sẽ rất buồn, thậm chí trầm cảm. Mệt mỏi ai cũng từng nhưng chúng tôi không cho phép mình gục ngã, nhất là trong lúc này. Tôi luôn nhắn nhủ TNV, trước khi bắt máy bất cứ cuộc gọi nào hãy nghĩ đó là người nhà của mình để tìm mọi cách tốt nhất giúp họ. Người dân gọi đến đây thì chúng tôi là điểm tựa duy nhất mà họ có thể bấu víu lúc này. Ca trực đêm, tôi dặn đi dặn lại các bạn cố gắng đừng ngủ quên vì nhiều khi 5 phút chợp mắt có thể đánh đổi bằng tính mạng con người. Sợ nhất là không cứu kịp một ai đó.
Lắm buồn nhưng cũng nhiều vui
Có ngày nặng nề quá, chúng tôi buông tiếng thở dài. Nhưng chỉ một chút, rồi lại tập trung toàn tâm cho công việc. Len giữa chuỗi dài căng thẳng là những phút giây niềm vui vỡ òa khi nghe tin ca sản phụ chúng tôi vừa đưa đi cấp cứu đã “mẹ tròn con vuông” hay có những ca F0 đã hồi phục. Xong việc chính tại trung tâm, tôi mở điện thoại, tham gia Tổ y tế từ xa của trường, hỗ trợ F0 triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà. Thời điểm này, tôi có thêm nhiều bệnh nhân mới cần giúp sức. Cứ vậy mà cố thôi.
Bữa nào mệt quá, đến tối, tôi cúp cơm, tự thưởng cho mình tô phở gói kèm vài miếng thịt bò. Ăn xong, lại bật máy kiếm gì đó để học. Tôi liên tục tham gia các khóa học điều trị bệnh nhân Covid-19 để có thêm kiến thức tư vấn. Mình còn trẻ, không thể bỏ phí phút giây nào. Chuyện cơm nước, ngủ nghỉ của TNV đâu thể như ở nhà. Bữa sáng chỉ ba món xoay quanh là bánh mì, bánh bao và xôi. Bữa trưa và chiều cứ cơm hộp mà xử. Vậy cũng chẳng sao, chúng tôi vẫn thấy hạnh phúc với những gì đang trải qua. Chỉ mong mỗi người một tay, giúp được nhiều bệnh nhân.
Thành phố chỉ đạo, trung tâm này phải là “vùng xanh”. Vậy nên khi phát hiện ra ca dương tính dù trước đó mọi người đều âm tính, cũng lo lắm chứ. Nhưng rồi, mọi chuyện ổn hết. Hơn một tháng, TNV người đến người đi, tôi ở lại kết nối, giúp người mới mau quen việc. Tuần thực hiện hai lần xét nghiệm nhanh, thấy các bạn ổn, lòng tôi bớt lo. Chúng tôi dặn nhau “Mình phải ổn mới lo được cho người khác”. Nhiều bạn ban đầu bỡ ngỡ giờ thành thạo lắm rồi, xử lý đâu vào đó. Việc duy trì lực lượng để 60 đường dây điện thoại không bao giờ được nghẽn là điều chẳng dễ dàng. Nhưng chúng tôi có “hậu phương” hỗ trợ, cần thêm người sẽ được giúp nên đến nay mọi thứ đã vào guồng.
Hôm các anh chị nghệ sĩ đến trung tâm biểu diễn rồi còn tổ chức cắt tóc cho TNV, các bạn vui lắm. Giữa những khó khăn, mệt mỏi, sự quan tâm về tinh thần bao giờ cũng là cách hay. Tôi quen với những chuyến đi mà còn thấy nhớ nhà chứ nói gì các bạn lần đầu trải nghiệm. Nhưng để các bệnh nhân sớm được về nhà, chúng tôi sẽ cố hết sức bám trụ tại đây.
Năm nay, tôi có một sinh nhật đáng nhớ với bốn chiếc bánh kem đặc biệt. Có cái bánh các bạn TNV khó khăn lắm mới đặt được trong mùa giãn cách. Khách sạn chúng tôi ở cao năm tầng. Chứng kiến cảnh hơn 130 người từ các tầng đứng hát chúc mừng sinh nhật mình, tôi hạnh phúc vô cùng. Một sinh nhật đáng nhớ. Cuối ngày, một anh đồng nghiệp lặn lội mấy chục cây số trong mưa để trao tận tay chiếc bánh sinh nhật ba mẹ gửi tặng tôi, thật lòng chỉ muốn khóc. Tôi xúc động vì nhận về quá nhiều yêu thương. Ba mẹ tôi nói: “Điều quý nhất là con được các em yêu mến, hãy giữ lấy”. Tôi muốn giữ lấy không chỉ sự thương yêu của mọi người mà cả những bệnh nhân ngoài kia. Giữ lấy họ giữa dịch bệnh. Mùa này liên hệ được nơi tiếp nhận bệnh nhân không dễ nên mấy chị em luôn dặn nhau phải tìm mọi cách để cứu người.
Mong được về nhà
Hồi mới lên trung tâm, khi vẽ lịch làm việc, lịch trực nhật lên bảng thông báo, tôi vẽ hẳn 10 ngày. Lúc đó, nhiều TNV cười, nói “Vẽ gì dữ vậy chị. Vẽ ngắn ngắn thôi. Mấy ngày là được về”. Vậy mà giờ vẽ ba lần rồi, chưa thấy ngày về, ai cũng ngóng. Mấy chị em hay đùa “Bây giờ mình an cư lạc nghiệp rồi”. Nghĩ lại tôi thấy đúng. Ban đầu vận hành vẫn có sự cố này, lỗi kia, nhiều bạn hơi lo. Những lúc như vậy, mọi người cùng nhau xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh để khẩn trương hỗ trợ bệnh nhân. Nhiều cẩm nang được chúng tôi tạo ra giúp truyền kinh nghiệm cho TNV, nhất là các bạn mới. Nắm tay nhau, chúng tôi bước qua những ngày đáng nhớ trong cuộc đời.
Mấy ngày TP Hồ Chí Minh tăng cường giãn cách, nhà hảo tâm không thể chở nhu yếu phẩm đến hỗ trợ đội như trước kia, tôi tự lái xe đến tận nơi nhận. Thuận đường, ghé thăm nhà, thấy tôi bận bộ đồ bảo hộ xanh đi vào hẻm, nhiều người sợ. Nhưng cũng vang lên nhiều câu hỏi thăm từ nhà hàng xóm “Về thăm ba má hả Thanh? Khỏe hông con? Giữ gìn sức khỏe rồi mau mau về nghen”. Nghe vậy đủ thấy ấm lòng. Tôi nhìn ba má từ xa rồi chào tạm biệt, quay đi để giữ an toàn cho mọi người. Sợ đứng lâu thấy má khóc tôi lại mủi lòng.
Xa nhà từ tháng 6 đến giờ, cũng nhớ lắm. Nay trường biệt phái ở trung tâm thêm vài tháng nữa, tôi không sợ nhiều việc nhưng mong sớm kết thúc vì điều đó có nghĩa dịch bệnh đã rời xa. Mỗi ngày, chúng tôi luôn cầu cho số cuộc gọi giảm đi, đừng nghe thêm những ca quá nặng nữa để biết rằng ở ngoài kia, mọi người đang dần ổn. Nhiều hôm ba mẹ gọi không thấy tôi bắt máy, vội vàng nhắn tin “Chiều giờ sao không thấy con trả lời?”. Lúc đó phải trấn an ngay, không thể để người nhà lo lắng. Mỗi lần gọi điện, ba mẹ dặn dò đủ điều, thương lắm. Ai hỏi mong gì, chắc chắn mấy chị em chúng tôi đều trả lời “Sài Gòn hết dịch”. Lúc đó, điện thoại chúng tôi sẽ reo liên tục mà là những cuộc gọi hỏi thăm, rủ nhau đi đây, đi đó. Tôi chỉ mong một ngày gần nhất, bắt máy lên, đầu dây bên kia không còn nức nở, nghẹn ngào rằng “Tôi khó thở”, “Tôi cần cấp cứu”, “Hãy giúp người nhà tôi”… Tôi chỉ mong mọi người sớm quay về cuộc sống bình thường như trước kia.